Nghệ An: Tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các nhà máy, doanh nghiệp, khu công nghiệp ở Nghệ An đã được chú trọng. Tuy nhiên, vẫn còn có rất nhiều lỗ hổng khiến dịch Covid-19 có thể xâm nhập, bùng phát.

BÀI BẢN, CÔNG PHU

NHƯNG VẪN NHIỀU LỖ HỔNG

Công ty TNHH Masan MB là một trong những doanh nghiệp lớn ở KCN Nam Cấm, với quy mô 600 cán bộ, công nhân viên. Ông Trần Mạnh Cường - Giám đốc công ty cho biết: “Trước tình hình dịch Covid-19, ngay từ rất sớm, công ty đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ an toàn, tổ phòng, chống Covid-19 để chỉ đạo, thực hiện các hoạt động. Công ty có những yêu cầu hết sức khắt khe trong phòng, chống dịch Covid-19, nếu cán bộ, công nhân viên nào không đáp ứng, tuân thủ thì hình thức kỷ luật cao nhất là cho thôi việc.

Theo đó, tại cổng ra vào, công ty đã thiết lập điểm chốt phòng, chống dịch Covid-19. Người vào công ty đều được cho khai báo y tế cụ thể, đo thân nhiệt, khử trùng tay và được yêu cầu đeo khẩu trang đúng cách. Nếu người vào có thân nhiệt cao hơn 37 độ thì được yêu cầu đứng tách riêng tại chỗ mát, rồi tiếp tục kiểm tra bằng máy đo thân nhiệt, nhiệt kế thủy ngân và có những biện pháp ứng phó phù hợp sau đó như đưa đi khám... Các loại phương tiện vào công ty, kể cả xe đưa đón công nhân viên đều được xịt hóa chất tiêu độc, khử trùng bề mặt. Đối với phương tiện đến từ vùng dịch thì được phun khử khuẩn cả buồng lái, tài xế phải mặc đồ chống dịch, ngồi trong xe suốt thời gian ở nhà máy...”.

Ảnh:
Các cơ sở sản xuất thiết lập vách ngăn giãn cách giữa người lao động. Ảnh: Thành Chung

Ông Văn Minh Đức - Giám sát An toàn Công ty Masan MB cho biết thêm: “Với đặc thù, công nhân viên công ty đều là người địa phương, ở quanh vùng nên công ty không xây dựng ký túc xá; cũng do vậy, yêu cầu khai báo y tế đối với công nhân viên cũng được thực hiện nghiêm. Mỗi tuần 2 lần, các công nhân viên thực hiện khai báo y tế online bắt buộc. Nhưng người nào có việc, có đi qua các địa phương có dịch thì được yêu cầu ở nhà tự cách ly 14-21 ngày. Những người nào có triệu chứng đau đầu, mệt mỏi thì yêu cầu đi khám, điều trị, khi sức khỏe hồi phục mới được quay trở lại làm việc. Những trường hợp F2 thì yêu cầu cách ly tại nhà theo đúng quy định, công ty thực hiện truy vết F3, tiến hành đo thân nhiệt, khử trùng và theo dõi sức khỏe F2.

Ở phía trong văn phòng, khu sản xuất, các biển bảng tuyên truyền Covid-19 và các bình xịt khuẩn được đặt ở nhiều nơi. Mọi người được yêu cầu đeo khẩu trang suốt quá trình làm việc.

Tại phòng ăn của công ty, trước đây mỗi bàn ăn có thể ngồi 8 người thì nay được thiết kế có vách ngăn và bố trí thành 4 chỗ ngồi giãn cách. Nhân viên cũng được bố trí ăn ở các khung giờ khác nhau để tránh tập trung đông người. Masan MB cũng đã thiết kế hệ thống phòng ốc dành cho các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19, phòng sơ tán, khu vực cách ly, đường di chuyển cho cán bộ, công nhân viên trong tình huống dịch...”.

Ảnh:
Bàn ăn cũng được tạo vách ngăn. Giờ ăn công nhân cũng được chia nhiều ca khác nhau. Ảnh: Thành Chung

Kế hoạch, phương án chống dịch Covid-19 của Masan MB là bài bản, công phu song thực tế thì vẫn còn rất nhiều lỗ hổng nghiêm trọng cần bổ cứu.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Lê - Phó Giám đốc Sở Y tế trong cuộc kiểm tra gần đây đã nêu rõ: “Kế hoạch, phương án của doanh nghiệp chưa theo sát những hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Quốc gia, Bộ Y tế và tỉnh Nghệ An. Công tác phòng dịch tại chính nơi công xưởng sản xuất vẫn chưa thể thực hiện tốt. Việc khai báo y tế đối với công nhân 2 lần/ tuần là chưa đảm bảo, cần thực hiện hàng ngày, công nhân viên có thể khai báo online ở nhà trước giờ đi làm. Việc sử dụng máy đo thân nhiệt cần phải đúng cách; khi phát hiện có người bị sốt, có yếu tố dịch tễ thì cần liên lạc ngay với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương để có phương tiện, phương án đảm bảo an toàn chống dịch, không tự ý chở đi khám. Công ty cần xem xét lại các phương tiện, cơ sở vật chất của khu cách ly tại chỗ; phải thường xuyên liên lạc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện để được hướng dẫn, thực hiện báo cáo kịp thời các trường hợp phát sinh; phối hợp cung cấp cho các địa phương danh sách lao động với địa chỉ, phương thức liên lạc để có thể ứng phó khi có tình huống...”.

SAU TẬP HUẤN

LÀ KIỂM TRA, XỬ PHẠT

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam đang diễn biến hết sức phức tạp với biến chủng mới, có mức độ lây nhiễm cao, lây lan nhanh trong cộng đồng và tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp. Đặc biệt đã có rất nhiều trường hợp mắc Covid-19 được phát hiện tại khu công nghiệp như tại Bắc Giang (2.424), Bắc Ninh (876), Hải Dương (48)...

Ảnh:
Đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp giữa bối cảnh dịch Covid-19 đe dọa. Ảnh: Thành Chung

Nghệ An hiện có 8 khu công nghiệp đã có dự án đầu tư, bao gồm: KCN Bắc Vinh, KCN Nam Cấm, KCN VSIP Nghệ An, KCN WHA Nghệ An, KCN Hoàng Mai, KCN Nghĩa Đàn, KCN Đông Hồi, KCN Thọ Lộc. Hiện nay, KKT Đông Nam và các KCN Nghệ An đã có 128 dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm cho 28.226 lao động... Thông tin từ Ban Quản lý KKT Đông Nam: Phòng, chống dịch Covid-19 trong các nhà máy, doanh nghiệp, KCN, Ban Quản lý đã kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An; thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch; cử cán bộ đầu mối phụ trách công tác phòng, chống dịch Covid-19 và số điện thoại thường trực để nhận các thông tin từ các doanh nghiệp; tham mưu cho UBND tỉnh, huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các nhiệm vụ phòng, chống dịch theo chức năng, nhiệm vụ.

Ảnh:
Các tổ chức công đoàn trao quà cho công nhân ở khu nhà trọ. Ảnh: LĐLĐ NA

Các nhà máy, doanh nghiệp, khu công nghiệp trong tỉnh cũng đã được quán triệt rõ các hướng dẫn phòng, chống dịch; triển khai thực hiện nghiêm yêu cầu “5K” của Bộ Y tế; tổ chức rà soát, lập danh sách các trường hợp người lao động trở về từ các địa phương ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng; hạn chế tối đa kế hoạch làm việc đến địa phương có ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 trên cả nước khi không thực sự cần thiết; tạm ngừng tuyển dụng, điều chuyển người lao động từ địa phương có ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19; không cho người nhập cảnh trái phép cư trú, làm việc trong doanh nghiệp...

Ông Lê Tiến Trị - Trưởng ban Quản lý KKT Đông Nam cho hay: “Hiện nay, Ban Quản lý KKT Đông Nam đang đôn đốc các doanh nghiệp triển khai thực hiện ngay báo cáo tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá; thống kê thông tin người lao động làm việc tại doanh nghiệp để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19; cam kết thực hiện phòng, chống dịch Covid-19”.

Ảnh:
Tập huấn phòng chống Covid-19 cho doanh nghiệp, khu công nghiệp. Ảnh: Thành Chung

Để đảm bảo tốt hơn hoạt động chống dịch, thời gian qua, Sở Y tế Nghệ An đã chủ trì phối hợp cùng Ban Quản lý KKT Đông Nam, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp, KCN. Bên cạnh đó, ngày 2/6 vừa qua, Sở Y tế và Ban Quản lý KKT Đông Nam đã phối hợp tổ chức lớp hướng dẫn, tập huấn phòng, chống dịch Covid-19 cho các doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp, qua đó triển khai Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG về việc ban hành “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động; hướng dẫn công tác xét nghiệm sàng lọc đối với người lao động; đảm bảo ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN có bếp ăn tập thể; Ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi và truy vết F0, F1, F2; Sử dụng QR Code; hướng dẫn bố trí khu cách ly, phân luồng lao động, kiểm soát nhiễm khuẩn không khí trong phòng, chống dịch Covid-19...

Theo Sở Y tế, Ban Quản lý KKT Đông Nam và các địa phương có KCN: Ngay sau lớp tập huấn này, các cơ quan chức năng và địa phương sẽ tổ chức kiểm tra, xử phạt nghiêm, mạnh tay đối với các vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19; thông tin rõ vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tin mới