Nghệ An tập trung chỉ đạo 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội

(Baonghean.vn) - Báo cáo trước HĐND tỉnh về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh nhấn mạnh, trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng kinh tế - xã hội và dự báo tình hình trong thời gian tới; các cấp, các ngành cần tập trung, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành kế hoạch đã đề ra ở mức cao nhất.

Nhiều khó khăn, thách thức

Báo cáo trước HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid-19. Nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ; ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân.

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Ảnh: Thành Duy

Về kết quả phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tăng 2,69%; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,98%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,11% (riêng công nghiệp tăng 1,58%, xây dựng tăng 9,47%); khu vực dịch vụ tăng 0,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,59% so cùng kỳ năm 2019.

Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 6.964,51 tỷ đồng, đạt 45,8% dự toán và bằng 94,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo điều hành chi ngân sách đúng quy định, tiết kiệm, đáp ứng nhiệm vụ chi thường xuyên cũng như đột xuất.

Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 14.223,4 tỷ đồng, đạt 52,4% dự toán HĐND tỉnh giao; trong đó, chi đầu tư phát triển 4.885 tỷ đồng, đạt 74,1% dự toán, chi thường xuyên 8.923,6 tỷ đồng, đạt 44,4% dự toán.

Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid -19. Ảnh minh họa
Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid -19. Ảnh tư liệu minh họa

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) cho cho 39 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.447,16 tỷ đồng; điều chỉnh 34 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 7 dự án (tăng 3.847 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm 2020, đã chấm dứt hoạt động đối với 8 dự án có tổng diện tích đất 168,03 ha, đưa tổng số dự án bị thu hồi đến nay là 176 dự án. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid -19.

UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và thi công các dự án, nhất là các dự án trọng điểm. Nguồn vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 33.593,5 tỷ đồng, tăng 11,37% so với cùng kỳ năm 2019.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tập trung 5 tháng đạt 33,93% kế hoạch giao (bình quân cả nước giải ngân 23,25% so với kế hoạch Quốc hội giao và 26,39% so với kế hoạch Chính phủ giao); thực hiện tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 44,17% kế hoạch.

 
Phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Nam Đàn. Ảnh: Thanh Lê
Phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Nam Đàn. Ảnh: Thanh Lê

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, ngành Y tế đã tham mưu, phối hợp các sở, ngành, địa phương có liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả (tổng số tiếp nhận và cách ly tập trung tính đến 30/6/2020 là 12.843 người; đã triển khai lấy 13.443 lượt mẫu xét nghiệm và có 13.443 lượt mẫu cho kết quả âm tính).

Công tác lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo. Thực hiện giải quyết việc làm cho 16.382 lao động, bằng 82,5% cùng kỳ.

Thực hiện hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 42 NQ-CP biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, tổng số đối tượng đã được chi trả đến ngày 30/6/2020 là 528.132 người, tổng số kinh phí đã giải ngân hỗ trợ 536.714 triệu đồng. 

Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" được xã hội hóa sâu rộng; làm tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng. 

Duy trì tốt hệ thống giáo dục và đào tạo, chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững.
Nghệ An duy trì tốt hệ thống giáo dục và đào tạo, chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững. Ảnh: Thanh Lê

UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp quyết liệt thực hiện các Đề án, Chương trình, Kế hoạch về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị. Kiểm tra, giám sát các huyện, thành, thị về việc thực hiện Kế hoạch triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Hướng dẫn kiện toàn bộ máy và tổ chức, hoạt động xóm, khối, bản sau khi sáp nhập theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về sáp nhập xóm, khối, bản.

Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc.

Bên cạnh những kết quả tích cực, UBND tỉnh cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế như: Dịch Covid-19 gây hậu quả nặng nề đến phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Thu ngân sách 6 tháng và dự kiến cả năm sẽ không đạt dự toán HĐND tỉnh giao, ảnh hưởng đến cân đối chi ngân sách địa phương năm 2020.

Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn còn diễn biến phức tạp (dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm...); còn xảy ra nhiều vụ cháy rừng.

Đời sống của một bộ phận người lao động, người dân còn gặp nhiều khó khăn. Việc áp dụng các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh đã khiến ngưng trệ nhiều hoạt động văn hóa, xã hội trong thời gian khá dài…

Tập trung 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp

Triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết: Trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng kinh tế - xã hội và dự báo tình hình trong thời gian tới; các cấp, các ngành cần tập trung, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành kế hoạch đã đề ra ở mức cao nhất.

Trong những tháng còn lại của năm 2020 và thời gian tới, cùng với làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cán bộ Văn phòng UBND tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và cá nhân tại Bộ phận một cửa. Ảnh Thanh Lê
Cán bộ Văn phòng UBND tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và cá nhân tại Bộ phận một cửa. Ảnh: Thanh Lê

Về nhiệm vụ, giải pháp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết, UBND tỉnh sẽ tập trung 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, bao gồm: 

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, bảo hiểm xã hội, lao động... Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại, xúc tiến, thu hút đầu tư. Chủ động theo dõi và có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, đôn đốc triển khai các dự án đã có chủ trương, giấy phép đầu tư.

Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Các cấp, các ngành, các địa phương phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay.

Dự án cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam đã thi công công trình đã đạt hơn 70% khối lượng công việc. Ảnh: Phạm Bằng
Dự án cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam đã thi công công trình đã đạt hơn 70% khối lượng công việc. Ảnh: Phạm Bằng

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp sớm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành ở mức cao các chỉ tiêu kế hoạch.

Tập trung điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả. Chủ động quản lý điều hành tài chính ngân sách trong các tình huống do dịch bệnh gây ra, đảm bảo cân đối ngân sách; tổ chức chi ngân sách theo dự toán và khả năng thu ngân sách. Tăng cường kỷ luật tài chính ngân sách, điều hành ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được giao.

Chăm lo đời sống nhân dân và phát triển văn hóa, xã hội, trọng tâm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Thực hiện hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Quang cảnh kỳ họp lần thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII. Ảnh: Thành Duy
Quang cảnh kỳ họp lần thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII. Ảnh: Thành Duy

Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí; quan tâm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông…

Tin mới