Nghệ An: Tập trung chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Đại hội XIII của Đảng xác định: Chuyển đổi số một trong những định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá chiến lược. Nội dung này đã, đang được cấp uỷ các cấp ở Nghệ An tập trung triển khai với quyết tâm, quyết liệt trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Hệ thống điều hành mạng lưới hệ thống công nghệ thông tin tại VNPT Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa

Hệ thống điều hành mạng lưới hệ thống công nghệ thông tin tại VNPT Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa

Chuyển đổi ở cả 3 trụ cột

Chuyển đổi số đang được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ, chuyển đổi số là một trong những định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá chiến lược với yêu cầu chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg về Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ở Nghệ An, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và UBND tỉnh cũng đã xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá trong cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030; chuyển đổi số cũng được chọn là chủ đề cải cách hành chính năm 2022 nhằm tạo sự thay đổi tích cực từ tỉnh xuống cơ sở về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Triển khai chủ trương của Trung ương và tỉnh, nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai.

Ở huyện Thanh Chương, từ sau Đại hội Đảng các cấp đến nay, “câu chuyện” chuyển đổi số được cấp uỷ, chính quyền triển khai quyết liệt, gắn trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu. Chuyển đổi số được địa phương này lựa chọn tập trung 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Để đảm bảo thực hiện chính quyền số, ngoài chỉ đạo, điều hành thông qua hệ thống I-Office; các phòng, ban, ngành cấp huyện và cấp xã đều triển khai chữ ký số. Huyện triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại 55 cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Huyện cũng vừa khai trương Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành và hệ thống phản ánh tương tác trực tuyến giữa người dân và chính quyền.

Đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương chia sẻ: Với địa bàn rộng, đơn vị hành chính nhiều (38 xã, thị trấn), dân số đông; việc đưa vào vận hành trung tâm này sẽ tăng cường giao lưu, tương tác giữa người dân với chính quyền; người dân có thể phán ánh mọi vấn đề bức xúc, phát sinh ở cơ sở, kể cả tinh thần, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức các cấp đến chính quyền thông qua trực tuyến; người dân có thể theo dõi, đánh giá mức độ giải quyết, hài lòng đối với chính quyền. Về phía chính quyền cũng sẽ tiếp nhận nhanh hơn những vấn đề khó khăn, bức xúc ở cơ sở để tập trung giải quyết, đồng thời kịp thời điều chỉnh, chấn chỉnh công tác chỉ đạo, điều hành, tạo môi trường thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Huyện Thanh Chương khai trương Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành và hệ thống phản ánh tương tác trực tuyến giữa người dân và chính quyền. Ảnh: Mai Hoa

Huyện Thanh Chương khai trương Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành và hệ thống phản ánh tương tác trực tuyến giữa người dân và chính quyền. Ảnh: Mai Hoa

Hiện tại Thanh Chương cũng đang tiếp tục triển khai đưa các thủ tục hành chính lên dịch vụ công trực tuyến để giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp và loại trừ các tiêu cực có thể xảy ra. Liên quan đến kinh tế số tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá trong lĩnh vực điện lực, viễn thông, ngân hàng... Đặc biệt, Thanh Chương là huyện nông nghiệp nên chuyển đổi số trong lĩnh vực này với ưu tiên thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giải phóng sức lao động thủ công từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá sản phẩm nông nghiệp trên các trang thông tin điện tử, sàn giao dịch… Thanh Chương xác định, con người đóng vai trò trung tâm trong chuyển đổi số, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân, doanh nghiệp để thực sự tạo ra một xã hội số một cách sâu rộng.

Tập huấn, giới thiệu phần mềm tương tác giữa người dân với chính quyền tại huyện Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa

Tập huấn, giới thiệu phần mềm tương tác giữa người dân với chính quyền tại huyện Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa

Với phương châm “ném đá dò sông”, vừa triển khai thực hiện, vừa học tập rút kinh nghiệm, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An tập trung triển khai chuyển đổi số trên 8 nội dung trọng tâm. Bao gồm triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến với 86 cuộc từ tỉnh đến cơ sở (trừ 40 xã khó khăn chưa lắp đặt); nâng cấp, hoàn thiện hệ thống Trang thông tin điện tử MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An; triển khai xây dựng các trang mạng xã hội zalo, facebook, fanpage để tuyên truyền các hoạt động Mặt trận. Theo chia sẻ của đồng chí Lê Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh, đây là những kênh thông tin quan trọng mang tính 2 chiều: tuyên truyền chủ trương, chính sách các cấp cũng như các phong trào, cuộc vận động do MTTQ phát động, đồng thời để Mặt trận nắm bắt thêm tình hình Nhân dân, định hướng dư luận xã hội.

MTTQ tỉnh cũng đã triển khai hệ thống phần mềm quản lý văn bản I-Office từ cấp tỉnh đến cấp huyện, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Mặt trận nhanh, hiệu quả, tiết kiệm kinh phí hoạt động; đặc biệt giám sát, kiểm soát được công việc, nâng cao trách nhiệm của cán bộ MTTQ các cấp. MTTQ tỉnh cũng đã triển khai chữ ký số ở cấp tỉnh và huyện; xây dựng hệ thống quản lý phản ánh tương tác giữa người dân và Mặt trận, chính quyền tại 4 đơn vị: thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai, huyện Nghi Lộc, huyện Con Cuông. Hiện tại, MTTQ tỉnh đang tiếp tục xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công tác Mặt trận thuộc các mảng phong trào, tổ chức, tuyên giáo, đối ngoại nhân dân, dân chủ - pháp luật, dân tộc, tôn giáo, phục vụ hoạt động của Mặt trận nói riêng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Hệ thống điều hành mạng lưới hệ thống công nghệ thông tin tại VNPT Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa

Hệ thống điều hành mạng lưới hệ thống công nghệ thông tin tại VNPT Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa

Thực tiễn ở Nghệ An, hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, triển khai trên diện rộng, đáp ứng nhu cầu tổi thiểu cho việc tin học hoá hoạt động của các cơ quan nhà nước. Tỉnh cũng đã hoàn thành việc xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dùng chung cấp tỉnh (LGSP); thử nghiệm thành công các API kết nối LGSP-NGSP tại một số đơn vị, lĩnh vực; hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với một số hệ thống thông tin của bộ, ngành Trung ương thông qua nền tảng kết nối, chia sẻ, tích hợp dữ liệu quốc gia… Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử liên thông tỉnh Nghệ An (tích hợp trên cùng một hệ thống) với 20 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 21 đơn vị cấp huyện tham gia; Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được dư luận đánh giá cao tính minh bạch, khẩn trương, hiệu quả. Một số ứng dụng như phần mềm quản lý văn bản, điều hành; hội nghị trực tuyến; hộp thư điện tử công vụ; chữ ký số…, được triển khai khá sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở…

Cùng với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hệ thống chính trị, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang đẩy mạnh hoạt động này trong các công đoạn quản lý, sản xuất, thị trường; trong đó có trên 80% doanh nghiệp xây dựng website, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc ứng dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu, mua - bán sản phẩm, dịch vụ. Việc phát triển xã hội số với việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng điện thoại thông minh trong Nhân dân ngày càng tăng nhanh với nhiều tiện ích được sử dụng như giải trí, đào tạo, tư vấn chăm sóc sức khoẻ từ xa, học trực tuyến, tra cứu điểm thi…

Bên cạnh những chuyển động tích cực, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đang đặt ra một số hạn chế, cản trở. Vẫn đang còn không ít cán bộ lãnh đạo, quản, lý, người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt trong quá trình chuyển đổi số để chủ động triển khai và tìm giải pháp, biện pháp để thực hiện hiệu quả. Về phía cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp chưa có nhiều kiến thức, cộng với tư tưởng ngại khó, chậm đổi mới, chậm tiếp thu ứng dụng CNTT đang là rào cản lớn cần phá bỏ. Mặt khác, các điều kiện về hạ tầng, nguồn lực (con người và tài chính) hiện nay, nếu tiến hành chuyển đổi số, thay đổi toàn bộ quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số cũng chưa đáp ứng được.

Hiện nay, Tỉnh uỷ đã xây dựng nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, dự kiến trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vào đầu tháng 7 này trước khi ban hành. Với các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được đề ra trong nghị quyết, chắc chắn, chuyển đổi số sẽ được triển khai với tiến độ nhanh, toàn diện và hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh theo 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số./.

Tin mới