Nghệ An tập trung phòng, chống dịch cúm gia cầm dịp cuối năm

(Baonghean.vn) -Nghệ An có đàn gia cầm trên 26 triệu con, nhiều đặc thù bất lợi trong kiểm soát dịch bệnh cả về giao thông, buôn bán, việc kiểm soát, phòng chống bệnh dịch cúm gia cầm luôn gặp khó khăn. Cuối năm là thời điểm có nhiều điều kiện thuận lợi để dịch bệnh bùng phát, công tác này càng phải chú trọng.
Khoanh vùng dập dịch trong diện hẹp
Nghệ An có nhiều tuyến giao thông đi qua, gồm cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường thủy nội địa; hoạt động giao thương buôn bán động vật diễn ra thường xuyên, có nhiều chợ buôn bán gia súc; hình thức chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chiếm phần lớn với trên 70%. 
Những năm qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành thú y đã có những nỗ lực và giải pháp quyết liệt, công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện kịp thời.
Chủ trang trại gà ở Diễn Châu rắc vôi tiêu độc xung quanh chuồng trại.
Chủ trang trại gà ở Diễn Châu rắc vôi tiêu độc xung quanh chuồng trại. Ảnh: Phú Hương

Điều đầu tiên mỗi khi dịch bệnh xảy ra, là chỉ đạo lực lượng cơ sở lập tức lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, xác định nguyên nhân gây bệnh, type gây bệnh; ngay khi có kết quả dương tính thì phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý dứt điểm ổ dịch trong diện hẹp, tiêu hủy ngay các đàn gia cầm có kết quả dương tính với bệnh cúm gia cầm; tổ chức vệ sinh phun tiêu độc khử trùng vùng dịch, vùng uy hiếp 2 lần/tuần đầu và 1 lần trong 2-3 tuần tiếp theo đồng thời tổ chức tiêm phòng vắc xin CGC bao vây ổ dịch.

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh

Từ chỗ dịch bệnh xảy ra thường xuyên trên diện rộng, những năm gần đây hầu hết các ổ dịch đã được phát hiện kịp thời, khống chế trong diện hẹp. Năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 ổ dịch cúm gia cầm tại 4 huyện là Quỳnh Lưu, Yên Thành và thị xã Hoàng Mai, Diễn Châu, số gia cầm buộc phải tiêu hủy 12.633 con, tuy nhiên cơ bản đều ở quy mô hộ chứ không lan rộng ra cả xóm, cả xã như trước đây.
Công tác giám sát lâm sàng được thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt đối với đàn gia cầm mới nuôi, đàn gia cầm trong vùng có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao. Do thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh gia cầm và tuyên truyền các giải pháp phòng, chống dịch đến người dân, chính quyền  nên công tác dập dịch hiệu quả hơn. 
Gà chết hàng loạt tại xã Diễn Trung (Diễn Châu) do dịch bệnh. Ảnh: Phú Hương
Gà chết hàng loạt tại xã Diễn Trung (Diễn Châu) do dịch bệnh. Ảnh: Phú Hương
Gia cầm mắc bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 01 đến 03 ngày và có thể dài hơn tùy theo độc lực của vi rút. Do vậy, vật nuôi mắc bệnh thường bị chết đột ngột và không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tỷ lệ chết có thể lên tới 100% tổng đàn trong vòng vài ngày.
Nâng cao tỷ lệ tiêm phòng
Để phòng tránh hiệu quả bệnh cúm gia cầm, phòng bệnh bắt buộc bằng vacxin hiện được coi là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu. Theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, tại các trang trại, cơ sở nuôi gia cầm tập trung, bắt buộc tiêm phòng gia cầm giống, gia cầm thương phẩm, gia cầm nuôi thịt với thời gian nuôi trên 45 ngày, trừ trường hợp được miễn tiêm phòng theo quy định. 
Với đàn gia cầm nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình, phải tiêm phòng các đối tượng gà, vịt, ngan, chim cút và một số đối tượng gia cầm mẫn cảm khác do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xác định. Khu vực tiêm phòng được xác định là khu vực có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao. Theo đó, tổ chức tiêm phòng theo quy trình nuôi và định kỳ tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm nuôi mới, đàn gia cầm hết thời gian còn miễn dịch bảo hộ hoặc theo hướng dẫn của cơ quan thú y. 
Cán bộ thú y tiêm phòng vắc xin dịch cúm gia cầm H5N6. Ảnh: Xuân Hoàng
Cán bộ thú y tiêm phòng vắc xin dịch cúm gia cầm H5N6. Ảnh: Xuân Hoàng
Khi có ổ dịch cúm gia cầm xảy ra, phải khẩn cấp tiêm phòng cho gia cầm khỏe mạnh tại các thôn, ấp, bản nơi xảy ra dịch; đồng thời tiêm phòng bao vây ổ dịch theo hướng từ ngoài vào trong đối với gia cầm mẫn cảm tại các xóm chưa có dịch trong cùng xã và các xã tiếp giáp xung quanh xã có dịch; người trực tiếp tham gia tiêm phòng phải là nhân viên thú y hoặc người đã qua tập huấn về tiêm phòng. 
Đến nay, toàn tỉnh mới tiêm được 127.000 liều vacxin trong đợt tiêm phòng vụ thu. Ngoài các trang trại lớn tự mua vacxin về tiêm, Nghệ An còn khoảng 19 triệu con gia cầm được nuôi nhỏ lẻ trong dân thuộc đối tượng tiêm phòng, và như vậy tỷ lệ tiêm phòng mới chỉ đạt 0,6%.
Để  có thể nâng cao tỷ lệ đàn gia cầm được tiêm phòng, đòi hỏi chính quyền địa phương phải quyết liệt chỉ đạo bằng các biện pháp hành chính, trong đó tập trung xử phạt đối với các trường hợp không thực hiện tiêm phòng, không thực hiện hướng dẫn tổ chức phòng chống dịch của chính quyền địa phương, tuyệt đối không lập hồ sơ hỗ trợ khi có dịch cúm gia cầm xảy ra; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được tầm quan trọng của tiêm phòng và chủ động phối hợp thực hiện“- ông Ngô Đức Quỳnh chia sẻ. 
Đến nay, toàn tỉnh mới tiêm được 127.000 liều vacxin trong đợt tiêm phòng vụ thu. Ảnh: Quang An
Đến nay, toàn tỉnh mới tiêm được 127.000 liều vacxin trong đợt tiêm phòng vụ thu. Ảnh: Quang An
Mới đây nhất, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại xã nuôi gà lớn nhất huyện Diễn Châu là Diễn Trung, làm trên 9.000 con gà bị buộc phải tiêu hủy. Theo nhận  định chung, thời gian sắp tới trong điều kiện thời tiết chuyển mùa, sức đề kháng và miễn dịch của đàn gia cầm giảm, sau mùa mưa lũ, mầm bệnh phát tán đi nhiều nơi theo nguồn nước; qua lấy mẫu giám sát, tỷ lệ mang mầm bệnh của thủy cầm chiếm 13%, trong khi tỷ lệ tiêm phòng rất thấp, không đủ để tạo miễn dịch; giai đoạn gần tết nguyên đán, lưu lượng  vận chuyển buôn bán gia cầm tăng cao... là những điều kiện thuận lợi để dịch bệnh tiếp tục bùng phát.
Các địa phương và người dân cần tiếp tục các biện pháp chủ động, hạn chế thiệt hại do bệnh dịch nguy hiểm này gây ra trong dịp cuối năm; ngoài tiêm phòng, cần ưu tiên đầu tư thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học khác.
Ngoài việc gây chết nhanh chóng và đồng loạt đàn vật nuôi, cúm gia cầm còn là loại bệnh rất nguy hiểm khi vi rút có thể lây nhiễm và gây bệnh cho người. Một số chủng vi rút không gây bệnh cho gia cầm nhưng có thể lây truyền bệnh cho người và gây tử vong như vi rút cúm A/H7N9. 
 

Tin mới