Nghệ An tập trung xóa 22 'điểm đen' giao thông

(Baonghean) - Những tháng đầu năm 2018, số vụ tai nạn giao thông giảm đáng kể nhưng số người chết vẫn không giảm. Điều đáng lo ngại là phần lớn các vụ tai nạn thường xảy ra tại các “điểm đen” giao thông...
Quốc lộ 1A đoạn qua Khu công nghiệp Nam Cấm (Nghi Lộc) bao gồm ngã tư đường N5 và ngã ba Bãi Lữ, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông, trong đó có nhiều vụ gây thương vong (2 trường hợp gây chết người tại vị trí giao cắt).
Nguyên nhân là do mật độ phương tiện qua lại cung đường này lớn, chưa có biển báo và đèn tín hiệu giao thông, chủ phương tiện thường chạy với tốc độ cao, dẫn đến không làm chủ được tốc độ nên dễ xảy ra tai nạn. 
Một số đoạn đường xuống cấp. Ảnh: Mạnh Cường
Một số đoạn đường xuống cấp. Ảnh: Mạnh Cường
Tương tự, tuyến đường tránh Vinh thuộc huyện Hưng Nguyên và huyện Nghi Lộc cũng là “điểm đen” giao thông đáng lo ngại cho lái xe. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, tại ngã tư giao nhau giữa đường tránh Vinh với Quốc lộ 46B đã xảy ra 3 vụ, làm chết 3 người, bị thương 1 người.
Điển hình, vào 8h ngày 27/6/2018, trên tuyến đường tránh TP.Vinh, xe khách BKS 36B-005.67 chở khoảng 30 hành khách chạy hướng Bắc - Nam bỗng mất lái lật xuống bên đường. Vụ tai nạn khiến 2 người tử vong tại chỗ, 7 người khác bị thương.
Hiện trường vụ lật xe khách trên đường tránh Vinh. Ảnh tư liệu
Hiện trường vụ lật xe khách trên đường tránh Vinh khiến 2 người tử vong tại chỗ, 7 người bị thương. Ảnh tư liệu
Anh Võ Trọng Quyền, lái xe cho biết: “Thường xuyên đi qua đoạn ngã tư giao nhau giữa đường tránh Vinh với Quốc lộ 46B (ngã 4 Hưng Tây), tâm trạng  tôi lúc nào cũng thấy lo sợ, một số người dân chưa ý thức được mức độ nguy hiểm khi họ đi không đúng luật, dẫn đến xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm trên đoạn đường này…” .
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Nghệ An và Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, tỉnh Nghệ An hiện nay có 22 “điểm đen” giao thông. Từ tháng 5/2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 98 vụ tai nạn giao thông làm chết 70 người, bị thương 77 người.
Hầu hết các điểm đen giao thông đều có tầm nhìn hạn chế, bị che khuất, nhất là tại vị trí các góc của ngã ba, ngã tư; góc cua hẹp, không có hệ thống đèn chiếu sáng về ban đêm; không có hệ thống đèn tín hiệu giao thông, các đường giao nhau với Quốc lộ tại ngã tư không đồng nhất. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, chất lượng mặt đường không đảm bảo, hệ thống biển báo, vạch sơn giải phân cách mờ có nơi không có, mặt đường nhỏ hẹp, xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ gà, nhiều rãnh sâu khá dài. Nhiều nhà thầu xây dựng trên địa bàn còn chưa có giải pháp đảm bảo ATGT...
Lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, điều tiết giao thông mỗi khi thời tiết xấu, giờ cao điểm tại các “điểm đen” giao thông. Ảnh: Mạnh Cường
Lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, điều tiết giao thông mỗi khi thời tiết xấu, giờ cao điểm tại các “điểm đen” giao thông. Ảnh: Mạnh Cường
Đây cũng là một phần nguyên nhân dễ dẫn đến các vụ tai nạn thương tâm cho người dân. Để hạn chế tình trạng này, lực lượng CSGT Công an tỉnh Nghệ An đã tăng cường lực lượng, tổ chức tuần tra khép kín địa bàn, xử lý các trường hợp vi phạm. Kịp thời điều tiết giao thông mỗi khi thời tiết xấu hoặc vào giờ cao điểm. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Luật Giao thông đường bộ đến từng phường xã, cơ quan, doanh nghiệp và trường học...
Tuy nhiên  số tai nạn giao thông và số người chết vì tai nạn giao thông không giảm. Theo ông  Lê Thanh Nghị - Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt: “TNGT xảy ra trong thời gian qua phụ thuộc vào 4 yếu tố: Điều kiện hạ tầng, con người, phương tiện, môi trường dân cư. Việc tập trung xóa “điểm đen” là cần thiết, song phân tích những vụ tai nạn xảy ra gần đây nhất là với xe khách liên tỉnh cho thấy lỗi do người điều khiển phương tiện.
Do đó, việc xóa “điểm đen” chỉ là hỗ trợ, chứ không phải cứ xóa “điểm đen” là sẽ hết tai nạn mà quan trọng hơn là ý thức của người tham gia giao thông. Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an Nghệ An đã khảo sát các điểm đen và các bất hợp lý về tổ chức giao thông trên các tuyến đường để đề xuất các ngành chức năng khắc phục, sửa chữa. Đồng thời chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; kết hợp xử lý nghiêm các lỗi vi phạm, như chạy quá tốc độ, sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện, đi không đúng phần đường, vượt đèn đỏ...”. 
Còn ông Võ Minh Đức - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh  cho hay: “Tại các điểm đen giao thông trên địa bàn, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp các ban, ngành liên quan kiểm tra, khảo sát thực tế, đồng thời có công văn đề nghị Cục Đường bộ 2, đơn vị quản lý tuyến có báo cáo với Tổng cục Đường bộ lập thành dự án điểm đen, trong đó sẽ có nhiều giải pháp đi kèm, ví dụ như xử lý độ cong cua, mở rộng tầm nhìn, mở rộng làn đường và bổ sung các thiết bị phụ trợ đi kèm để xử lý dứt điểm các yếu tố bất cập về hạ tầng giao thông”.
Lực lượng CSGT xử lý các trường hợp vi phạm. Ảnh: Mạnh Cường
Lực lượng CSGT xử lý các trường hợp vi phạm. Ảnh: Mạnh Cường
Thiết nghĩ, đã đến lúc ngoài việc duy tu, sửa chữa các tuyến đường xuống cấp hoặc nắn lại các cung đường gấp khúc, ngành Giao thông công chính cần lắp đặt thêm các dải phân cách, sơn thêm vạch giảm tốc, đèn tín hiệu, lắp đặt bổ sung hệ thống chiếu sáng công cộng, trạm điều hòa giao thông, biển báo… để ngăn ngừa các tai nạn giao thông thương tâm.
Mặt khác, lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường tuần tra và xử phạt thật nặng những trường hợp vi phạm ATGT để người tham gia giao thông chấp hành Luật Giao thông một cách có ý thức. Các cơ quan, ban, ngành cùng vào cuộc một cách quyết liệt để xóa dứt điểm các “điểm đen” giao thông trên địa bàn, nhằm mang lại sự an toàn cho những người tham gia giao thông.

Tin mới