Nghệ An tham dự Hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng - 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Nghệ An có 5 doanh nghiệp tham dự Hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng - 2022. Tham gia hội nghị, Nghệ An mong muốn thúc đẩy liên kết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với nhau và với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hoàn chỉnh.

Ngày 4/11, Bộ Công Thương và UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng - 2022. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Đồng chí Phạm Văn Hóa - Giám đốc sở Công Thương Nghệ An dẫn đầu đoàn công tác Nghệ An tham dự hội nghị.

Hội nghị thu hút sự tham gia của gần 400 đại biểu. Trong đó, có hơn 100 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và gần 50 doanh nghiệp đăng ký trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực: cơ khí, điện tử, sản xuất lắp ráp ôtô, bao bì,…

Toàn cảnh hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng - 2022. Ảnh: PV

Toàn cảnh hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng - 2022. Ảnh: PV

5 doanh nghiệp của Nghệ An tham gia Hội nghị gồm: Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan; Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Công nghệ nuôi trồng thủy sản; Công ty TNHH STRONGPLUS ELEVATOR Việt - Hàn; Công ty CP Nhựa Tân Phú Miền Trung; Công ty TNHH Nagoya Việt Nam industry tại Khu Công nghiệp Nam Cấm. Tại đây, các doanh nghiệp trao đổi nhu cầu hợp tác, phát triển, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; kết nối tìm kiếm bạn hàng mới...

Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng - 2022 nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong cả nước hợp tác, liên kết. Đồng thời, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư nước ngoài để thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đoàn công tác của Nghệ An tham dự hội nghị. Ảnh: P.V

Đoàn công tác của Nghệ An tham dự hội nghị. Ảnh: P.V

Công nghiệp hỗ trợ tỉnh Nghệ An những năm gần đây phát triển khá nhanh nhờ thu hút được một số dự án FDI quy mô lớn, nhất là lĩnh vực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ kiện điện tử phục vụ ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử và công nghệ thông tin. Qua điều tra khảo sát, có khoảng 81 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chiếm 5,58% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp. Trong đó, số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa chiếm số lượng lớn, với 72 doanh nghiệp, cơ sở, nhưng chủ yếu quy mô nhỏ thuộc các ngành gia công cơ khí, sản xuất bao bì.

Giá trị sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ năm 2021 của Nghệ An đạt khoảng 7.600 tỷ đồng, chiếm 9,51% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Trong đó, giá trị sản xuất các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa khoảng 2.100 tỷ đồng, chỉ chiếm 2,63% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cùng các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: P.V

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cùng các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: P.V

Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hình thành công nghiệp hỗ trợ cho các nhóm ngành gồm: Điện tử; ngành sản xuất bao bì; dệt may; cơ khí, lắp ráp,... tuy nhiên, số lượng và quy mô các doanh nghiệp còn rất hạn chế; tiềm lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, khả năng cung ứng sản phẩm, sự hợp tác liên kết, quảng bá hiện nay nhìn chung đang ở mức thấp.

"Giai đoạn tới, Nghệ An sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành sản xuất sẵn có trên địa bàn tỉnh và thị trường cả nước đang có nhu cầu cao" - lãnh đạo sở Công Thương cho biết.

Dây chuyền sản xuất sợi tại Công ty CP Dệt may Hoàng Loan. Ảnh: Thu Huyền
Dây chuyền sản xuất sợi tại Công ty CP Dệt may Hoàng Loan. Ảnh: Thu Huyền

Thời gian qua, công nghiệp chế biến chế tạo nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và các cấp. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23 về định hướng phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá. Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt hơn 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%.

Nghị quyết số 115 của Chính phủ cũng nêu rõ, công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tin mới