Nghệ An thắt chặt thẩm định, chống sao chép sáng kiến kinh nghiệm, gần 400 đề tài bị loại

(Baonghean.vn) - Việc sơ loại này sẽ góp phần nâng cao chất lượng của các SKKN và tránh tình trạng sao chép, đối phó ở các giáo viên và các nhà trường.

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa hoàn thành vòng thẩm định về các đề tài "Sáng kiến kinh nghiệm" (SKKN) do các trường học đăng ký trong năm 2020. 

Cụ thể, trong năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã nhận được 1.435 đề cương sáng kiến kinh nghiệm của các trường THPT và các Trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh. Qua thẩm định, đánh giá, Hội đồng thẩm định đề cương sáng kiến cấp Sở đã loại 387 đề cương vì không đạt các tiêu chí đề ra như bị trùng đề tài, cấu trúc đề cương chưa hợp lý. Số đề cương được tiếp tục vào vòng 2 để tiến hành triển khai là những đề cương có đề tài mới, sát với thực tiễn và được đúc kết từ trong quá trình giảng dạy.

Đây là năm đầu tiên Nghệ An tiến hành “sàng lọc” đề cương SKKN nhằm mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc viết SKKN ở cơ sở, tránh tình trạng viết đối phó hoặc sao chép các công trình đã có trên mạng Internet. Hoặc, có một số SKKN được chuyển từ các đề tài NCKH, luận văn thạc sỹ chưa đúng với yêu cầu hay một số SKKN đề ra một số giải pháp chưa phù hợp với thực tế của các nhà trường.

Tiết học Tiếng Anh của học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: Mỹ Hà
Tiết học Tiếng Anh của học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Năm 2019, đây là ngôi trường có số lượng SKKN được công nhận nhiều nhất  trong ngành, trong đó có 6 SKKN loại A và 13 SKKN loại B. Ảnh: Mỹ Hà
Trước đó, nói về những thay đổi trong việc triển khai viết SKKN trong năm nay, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu: Sáng kiến kinh nghiệm phải là các ý tưởng, sáng kiến mới do tác giả đúc rút kinh nghiệm, sáng tạo từ thực tế.
Bên cạnh đó, sáng kiến không nhất thiết phải viết dài đến 100 trang, không cần phải viết lý luận. Ngoài ra, sáng kiến phải đi từ vấn đề cụ thể hàng ngày như công tác giáo dục, công tác dạy học để khích lệ giáo viên và phải phổ biến được cho toàn ngành. Trong trường hợp, nếu vi phạm tác giả phải chịu xử lý theo quy định của ngành.

Sáng kiến kinh nghiệm là một trong những tiêu chí để đánh giá  và phân loại cán bộ công chức, viên chức theo Nghị định số  56/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, để được công nhận xuất sắc nhiệm vụ thì cán bộ, giáo viên phải có  ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận.

Thầy giáo Phan Hoàng Thạch (Trường THPT Bắc Yên Thành) - người có nhiều SKKN được đánh giá cao. Ảnh: Mỹ Hà
Thầy giáo Phan Hoàng Thạch (Trường THPT Bắc Yên Thành) - người có nhiều SKKN được đánh giá cao. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Nghệ An, trong năm 2019, đã có 482/724 SKKN được Sở Giáo dục và Đào tạo xếp loại, chiếm 66,6%: Trong đó có 58 SKKN xếp loại A, chiếm 8,0%; 424 SKKN xếp loại B, chiếm 58,6%. Con số này nhiều gần gấp đôi so với năm 2018 (259 SKKN được xếp loại).

Năm 2020, việc thay đổi phương thức chấp SKKN nhận được sự hưởng ứng của đông đảo giáo viên trong toàn ngành và trên thực tế số đề tài đăng ký đã tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Đây là một tín hiệu tích cực và kỳ vọng sẽ đem đến nhiều kết quả tốt trong việc triển khai viết SKKN ở các đơn vị.

Liên quan đến SKKN, ngày 20/2/2020, UBND tỉnh vừa công nhận 140 SKKN cấp tỉnh trong năm 2019. Trong đó,  ở lĩnh vực Quản lý giáo dục và đào tạo có 36 sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) được công nhận; Lĩnh vực Toán- Tin có 15 SKKN; Lĩnh vực Vật lý- Hóa học có 8 SKKN; Lĩnh vực Sinh học, GDCN, Mỹ thuật, Thể dục có 22 SKKN; Lĩnh vực Ngữ văn, tiếng Anh có 18 SKKN; Lĩnh vực Lịch Sử, Địa Lý có 18 SKKN; Lĩnh vực Mầm non có 8 SKKN; Lĩnh vực Tiểu học có 11 SKKN; Lĩnh vực Kết quả nghiên cứu khoa học cấp bộ, ngành có 4 SKKN được công nhận.

Tin mới