Nghệ An: Thị trường hoa, quà tặng 8/3 ế ẩm

(Baonghean.vn) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hoạt động tập thể cho ngày lễ 8/3 này tạm dừng, các trường học vẫn còn đóng cửa, do đó sức mua các mặt hàng của thị trường quà tặng như: Hoa, thời trang, mỹ phẩm trang sức… giảm hẳn so với mọi năm.
Để phục vụ cho ngày lễ của
Để phục vụ cho ngày lễ của "một nửa yêu thương" các tiệm hoa tung ra nhiều mẫu hoa mới, lạ, phong phú, đa dạng với giá cả khá mềm, không tăng so với ngày thường. Ảnh: Thanh Phúc

Khác với mọi năm, hoa tươi là mặt hàng chủ lực được tiêu thụ mạnh nhất trong tuần lễ 8/3, nhưng năm nay, hoa tươi lại khá ế ẩm dù trên thị trường rất đa dạng các loại hoa, giá hoa cũng không tăng so với ngày thường.

Chị Võ Thị Thu Hương, chủ một shop hoa tươi trên đường Thành Thái (TP.Vinh) cho biết: “Chỉ có hoa hồng là tăng giá nhẹ, còn các loại hoa khác như: oải hương, hướng dương, loa kèn, phi yến, thanh liễu, mao lương, ly, cúc các loại… giá khá mềm. Tuy đã chạy chương trình “Bán hàng tri ân” từ đầu tuần, nhận đặt điện hoa, hoa lẵng, hoa giỏ, hoa bó… theo yêu cầu của khách với giá khuyến mãi, song đơn đặt hàng cũng chỉ rải rác. So với các năm trước, năm nay, lượng khách giảm khoảng 40%”.

Mặc dù đã “tung chiêu” khuyến mãi giảm ngay 30.000 đồng + miễn phí ship hoặc tặng quà đi kèm/đơn hàng hoa nhằm kích cầu mua sắm, song sức tiêu thụ vẫn hoa tươi rất ì ạch.

Thị trường hoa tươi 8/3 năm nay rất ế ẩm, sức tiêu thụ giảm khoảng 40% so với những năm trước. Ảnh: Thanh Phúc
Thị trường hoa tươi 8/3 năm nay rất ế ẩm, sức tiêu thụ giảm khoảng 40% so với những năm trước. Ảnh: Thanh Phúc

Tại khu vực các trường ĐH, CĐ năm nay thị trường hoa, quà tặng cũng khá trầm lắng dù sinh viên đã quay trở lại trường sau đợt nghỉ kéo dài. Nguyên nhân được cho là khác với ngày 14/2, một ngày lễ chủ yếu dành cho giới trẻ thì ngày 8/3 là ngày lễ chung cho nhiều đối tượng mẹ, bạn, người thân, người yêu nên sinh viên không phải là khách hàng chủ lực. Do đó, thay vì tặng hoa riêng cho 1 đối tượng thì nhiều bạn sinh viên nam lại chọn phương án tự tay đi chợ, nấu ăn cho tập thể nữ trong lớp, trong nhóm hoặc trong xóm trọ.

Trong khi đó, các mặt hàng khác như: Mỹ phẩm, trang sức, quần áo, giày dép… cũng không khá hơn làm mấy. Nắm bắt tâm lý khách hàng còn ngại ra ngoài mua sắm nên các shop thời trang, mỹ phẩm đã đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng, đặt hàng qua điện thoại và thanh toán bằng hình thức chuyển khoản hoặc thu hộ qua kênh giao hàng song lượng tiêu thụ cũng ít.

Các cửa hàng thời trang nữ trên đường Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Kim Đồng… mặc dù căng biển “Tuần lễ bán hàng tri ân”, “Gửi yêu thương đến phái đẹp” với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn song lượng khách mua sắm vẫn không tăng so với những ngày trước đó.

“So với mọi năm, lượng khách giảm 20-30%. Nguyên nhân là do trong thời kỳ dịch bệnh, người dân hầu hết không có nhu cầu ra ngoài, đi chơi, đi du lịch nên sức mua giảm mạnh. Bên cạnh đó, do kinh tế khó khăn nên nhiều người thắt chặt chi tiêu, không “mạnh tay” mua sắm như trước...”.

Chị Nguyễn Hồng Vinh, chủ một shop thời trang nữ trên đường Nguyễn Văn Cừ  (TP.Vinh)

Do giá vàng lên xuống thất thường nên các mặt hàng trang sức cho phái đẹp cũng biến động theo. Để hấp dẫn người mua, các tiệm trang sức ngoài tung ra các mẫu mới, đẹp còn có chính sách giảm giá 20%, chương trình hậu mãi (đổi trả, bảo hành) hoàn toàn miễn phí song lượng khách đến mua trang sức làm quà tặng vẫn rất ít ỏi.

Kinh doanh, buôn bán, làm ăn hầu hết gặp khó nên nhiều người cắt giảm chi tiêu, không “mạnh tay” chi cho các khoản hoa, quà xa xỉ mà hướng đến những món quà thực tế hơn…

Tin mới