Nghệ An: Thiếu giải pháp nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn

(Baonghean) - Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã đem lại những kết quả tích cực, trong cả công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đổi ruộng đất, trong cả phối hợp doanh nghiệp triển khai, ký kết hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề nhân rộng và kế thừa những thành công của các CĐML vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. 
Hiệu ứng tích cực
Là một trong những địa phương đầu tiên tiếp cận và đạt được những kết quả nổi bật trong xây dựng CĐML, hiện tại mỗi vụ sản xuất xã Phúc Thành (Yên Thành) có trên 100 ha sản xuất theo mô hình CĐML.
Ông Nguyễn Văn Quyết - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: CĐML ở Phúc Thành chủ yếu là sản xuất lúa giống, với trên 80 ha liên kết với các doanh nghiệp như Tổng Công ty CP VTNN Nghệ An, Công ty giống Thái Bình… sản xuất lúa giống, đem lại thu nhập rất cao cho nông dân, cao hơn từ 10 - 12 triệu đồng so với sản xuất lúa thường.
Mía sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn ở huyện Tân Kỳ đạt 100 tấn/ha. Ảnh: Châu Lan
Mía sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn ở huyện Tân Kỳ đạt 100 tấn/ha. Ảnh: Châu Lan
Trên địa bàn huyện Tân Kỳ, một số cánh đồng mẫu lớn sản xuất mía giống mới đang cho năng suất 100 tấn/ha, tạo hiệu quả cao gấp đôi so với sản xuất mía bình thường. 
Bắt tay vào xây dựng các CĐML, Nghệ An gặp khá nhiều khó khăn cả trong việc lựa chọn địa điểm, cả trong thống nhất với các hộ dân tham gia xây dựng mô hình do yêu cầu về quy mô diện tích, công tác chuyển đổi ruộng đất, hạ tầng đồng ruộng và một số tiêu chí khác.
Dù vậy, Nghệ An vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực khi ngay từ năm đầu tiên triển khai (năm 2013), toàn tỉnh đã xây dựng được 15 mô hình CĐML gồm 10 mô hình sản xuất lúa sử dụng các giống lúa thuần chất lượng cao như AC5, Vật tư NA2, DT68..., với năng suất bình quân vụ xuân đạt 67 - 70 tạ/ha, vụ hè thu - mùa 58 tạ/ha.
3 mô hình sản xuất ngô năng suất bình quân đạt 76,98 tạ/ha, riêng CĐML sản xuất ngô tại huyện Con Cuông vụ xuân 2013 năng suất ngô lai K9955 đạt 100 tạ/ha. 2 mô hình sản xuất lạc năng suất bình quân vụ xuân đạt 45 tạ/ha. Những năm tiếp theo, trên cơ sở thành công đó, tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng các mô hình CĐML trên các loại cây trồng như lúa, ngô và lạc.
Theo đánh giá chung, việc tổ chức sản xuất theo mô hình CĐML đã được các địa phương, đơn vị tích cực triển khai thực hiện, hiệu quả cao, tăng thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Cơ bản các mô hình CĐML đạt mức tăng từ 10 - 15% so với đại trà, năng suất cao hơn hẳn so với sản xuất đại trà, thu nhập đạt mức bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm. 
Vụ xuân 2016, Nghệ An đã thực hiện được 27 mô hình cánh đồng lớn, trong đó cây lúa 24 mô hình với tổng diện tích 1.018 ha tại 8 huyện với các giống lúa chất lượng như AC5, NA2, Thái xuyên 11, Thiên ưu 8, năng suất bình quân đạt 67- 74 tạ/ha và lợi nhuận thu được tăng 7- 10% so với sản xuất bình thường. Cùng với đó là 2 mô hình trồng lạc tại huyện Nghi Lộc với tổng diện tích 20 ha, năng suất đạt 35 tạ/ha; 1 mô hình rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Quỳnh Lưu với diện tích 1 ha, năng suất đạt 200 tạ/ha. 
Gắn kết lỏng lẻo
Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương chia sẻ: Việc xây dựng các CĐML đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thay đổi phương thức sản xuất truyền thống và tạo khối lượng sản phẩm lớn, tập trung.
Tuy nhiên, sau khi xây dựng thành công mô hình thì sự liên kết, phối hợp giữa “4 nhà” còn lỏng lẻo và bất cập. Nông dân hầu như chỉ được tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật chứ chưa được trang bị các kiến thức về thị trường, gắn kết tiêu thụ sản phẩm.
Doanh nghiệp chủ yếu mới làm tốt khâu cung ứng đầu vào như phân bón, giống, kỹ thuật, chưa làm tốt vai trò “bà đỡ”, tiêu thụ sản phẩm.
“Để nhân rộng mô hình các CĐML chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn do truyền thống canh tác manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Thời gian tới, huyện Thanh Chương chủ trương tiếp tục tuyên truyền, vận động trong nhân dân, chọn những sản phẩm đặc trưng, giá trị cao để đầu tư xây dựng các CĐML như chè, cam… gắn với xây dựng thương hiệu.
Tuy nhiên để thành công, các doanh nghiệp cũng phải thể hiện được vai trò trong phối hợp với chính quyền địa phương và nông dân trong cả chuỗi sản xuất, đặc biệt là khâu tiêu thụ sản phẩm”- ông Lê Đình Thanh cho hay. 
Cánh đồng lúa một giống hiệu quả cao ở huyện Diễn Châu. Ảnh: Mai Sao
Cánh đồng lúa một giống hiệu quả cao ở huyện Diễn Châu. Ảnh: Mai Sao
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Hoàng Nghĩa Hiếu, thì việc tổ chức sản xuất theo mô hình CĐML đã đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất nông nghiệp tập trung trong giai đoạn hiện nay. Đây là cơ sở để chuyển nhanh sang nông nghiệp hàng hóa, tăng năng suất, chất lượng các loại cây trồng, tăng sức cạnh tranh của nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, tính bền vững của một số mô hình chưa cao, một số CĐML được xây dựng thành công, đạt hiệu quả cao, nhưng nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ phía doanh nghiệp thì việc duy trì và nhân rộng gặp rất nhiều khó khăn, thực tế việc nhân rộng mô hình nhất là ở các huyện miền núi còn hạn chế.
Sự liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại một số mô hình chưa chặt chẽ, một số mô hình  như ngô, lạc chủ yếu chỉ tập trung  ở các yếu tố đầu vào của sản xuất như cung ứng giống, cho vay phân bón... 
Thời gian tới, để phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục phát triển, nhân rộng các mô hình CĐML, nhằm thực hiện tốt chủ trương về tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng CĐML, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng CĐML để người dân hiểu và tích cực, tự giác tham gia.
Phú Hương
TIN LIÊN QUAN

Tin mới