Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 2/11

(Baonghean.vn) - Dòng thông tin, sự kiện chủ đạo được đăng tải trên báo Nghệ An điện tử ngày 2/11 vẫn tập trung đi sâu phản ánh về tình hình khắc phục hậu quả do đợt mưa lũ những ngày qua gây ra.

* Theo đó, sáng 2/11, đoàn công tác của tỉnh Thanh Hóa do Phó Bí thư Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên dẫn đầu đã vào Nghệ An thăm, động viên, trao ủng hộ, góp phần giúp tỉnh khắc phục hậu quả do mưa, lũ, ngập lụt gây ra.

Tại trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, đồng chí Lại Thế Nguyên - Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã trao hỗ trợ số tiền 500 triệu đồng để góp phần giúp đồng bào tỉnh Nghệ An khắc phục thiệt hại do hoàn lưu bão số 9 gây ra những ngày qua.

Đồng chí Lại Thế Nguyên - Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trao ủng hộ tỉnh Nghệ An khắc phục hậu quả do mưa, lũ, ngập lụt gây ra. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Lại Thế Nguyên - Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trao ủng hộ tỉnh Nghệ An khắc phục hậu quả do mưa, lũ, ngập lụt gây ra. Ảnh: Thành Duy

Trước đó, đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa đã đến thăm, tặng quà cho cán bộ, Nhân dân xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên. Đây là một trong những vùng vừa bị ảnh hưởng bởi ngập lụt của tỉnh Nghệ An. Tại đây, đoàn đã trao hơn 2 tấn gạo, hơn 200 thùng mỳ tôm, 500 bộ quần áo và trao 5 suất quà, mỗi suất 2 triệu đồng cho 5 hộ dân bị thiệt hại.

Thay mặt Đảng bộ, lãnh đạo và Nhân dân tỉnh Nghệ An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông chân thành cảm ơn sự quan tâm, sẻ chia khó khăn của Đảng bộ, lãnh đạo và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đối với tỉnh Nghệ An. Đây là những tình cảm hết sức quý báu, sự động viên kịp thời, có ý nghĩa đối với tỉnh.

Đồng chí Lại Thế Nguyên - Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trao quà hỗ trợ cho 5 hộ của xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An . Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Lại Thế Nguyên - Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trao quà hỗ trợ cho 5 hộ của xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An . Ảnh: Thành Duy

* Sáng 2/11, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại do bão, lũ và trao hỗ trợ cho một số trường bị thiệt hại nặng tại các huyện: Đô Lương, Yên Thành, Thanh Chương,…

Ở huyện Đô Lương, qua báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, hiện đang còn 12 trường học sinh chưa đi học trở lại do địa hình đang bị chia cắt. Trên toàn huyện, trong đợt lũ này, có 7 trường bị ảnh hưởng do đổ tường rào và bị ngập lụt. Đến thời điểm này, về cơ bản công tác khắc phục đã hoàn thành.

Tại huyện Yên Thành, trong đợt lũ vừa qua, ngành Giáo dục của huyện cũng bị thiệt hại hơn 700 triệu đồng. Tại thời điểm này, 3 trường mầm non, tiểu học và THCS ở xã Long Thành vẫn đang bị ngập lụt và học sinh chưa thể đi học trở lại.

Thanh Chương là một trong những huyện bị thiệt hại nặng nề với tổng số tiền hơn 900 triệu đồng. Đến thời điểm này vẫn còn khoảng 60 trường đang bị ngập lụt hoặc đang bị chia cắt nên học sinh chưa đi học trở lại…

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cùng chính quyền huyện Yên Thành trao quà hỗ trợ cho Trường THCS Hoàng Tá Thốn. Ảnh: M.H
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cùng chính quyền huyện Yên Thành trao quà hỗ trợ cho Trường THCS Hoàng Tá Thốn. Ảnh: M.H

* Liên quan đến tình hình khắc phục mưa lũ ở huyện Thanh Chương, sau gần 5 ngày bị ngập, nước lũ rút dần khỏi các xóm, làng, người dân các địa phương đang tích cực khắc phục hậu quả lũ lụt.

Thiệt hại do hoàn lưu bão số 9 và đợt lũ này ở huyện Thanh Chương là vô cùng lớn. Toàn huyện có 4 người bị lũ cuốn trôi, 3 người bị thương, gãy tay, chân, di dời hàng nghìn hộ dân bị ngập, hàng trăm hộ dân bị sạt lở đất, 34 nhà dân bị đổ tường, cây đè, tốc mái; 1.400 ha cây trồng, 46.000 con gia cầm và hàng trăm con lợn bị chết; 8 chiếc cầu bị cuốn trôi.

Nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, núi Nguộc bị sạt lở mạnh, hàng nghìn m3 đất đá tràn lấp lòng đường gây ách tắc hoàn toàn Quốc lộ 46.

Nói về việc khắc phục hậu quả lũ lụt trên địa bàn, ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Huyện đề nghị các địa phương, nước rút đến đâu thì làm vệ sinh, dọn dẹp đến đó, cần làm sạch môi trường sau lũ. Huy động các lực lượng hiện có phối hợp với các lực lượng quân đội, công an… trong tỉnh tiến hành các hoạt động hỗ trợ người dân. Quan tâm giúp đỡ các gia đình chính sách, neo đơn, hoàn cảnh đặc biệt...

Việc khắc phục, sửa chữa hệ thống cơ sở vật chất sẽ diễn ra sau đó. Đồng thời hỗ trợ nguồn giống cây, con cho các địa phương, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân…

Người dân xã Thanh Giang vệ sinh sân thể thao khi nước lũ rút. Ảnh: Huy Thư
Người dân xã Thanh Giang vệ sinh sân thể thao khi nước lũ rút. Ảnh: Huy Thư

* Rất khó để đong, đếm những thiệt hại của người dân mà cơn bão số 9 và hoàn lưu của nó đã gây ra cho các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đợt mưa lũ đi qua, hàng chục tỷ phú nông dân bỗng chốc trắng tay, nhiều tài sản bị cuốn trôi theo dòng lũ dữ.

Hàng loạt gia trại, trang trại và mô hình kinh tế nông nghiệp của người dân thành phố Vinh và các huyện như: Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nghi Lộc… đã bị phá hủy; hàng vạn vật nuôi bị lũ cuốn trôi và bị chết.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 2/11, toàn tỉnh Nghệ An có diện tích thủy sản bị ngập 6.354 ha; diện tích lúa bị ngập: 885,3 ha; diện tích ngô, rau màu các loại bị thiệt hại: 9.215,6 ha; cây trồng hằng năm bị gãy đổ: 274 ha; diện tích cây trồng lâu năm bị gãy đổ: 157,1 ha; cây ăn quả bị gãy: 125,0 ha; đất ruộng bị sạt lở: 5,2 ha; gia cầm cuốn trôi: 132.992 con; gia súc bị cuốn trôi: 457 con; chuồng trại bị hư hỏng: 17 cái.

Trang trại của ông Tương ở xóm Phong Thuận, xã Hưng Hòa (TP. Vinh) cũng mất trắng sau lũ, thiệt hại khoảng 15 triệu đồng tiền tôm và gà, vịt. Ảnh: Trân Châu
Trang trại của ông Tương ở xóm Phong Thuận, xã Hưng Hòa (TP. Vinh) cũng mất trắng sau lũ, thiệt hại khoảng 15 triệu đồng tiền tôm và gà, vịt. Ảnh: Trân Châu

* Sáng 2/11, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức ra mắt mô hình "Cán bộ, giảng viên, học viên Trường Chính trị tỉnh Nghệ An chủ động nêu gương trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".

Việc xây dựng và đưa vào hoạt động của mô hình "Cán bộ, giảng viên, học viên Trường Chính trị tỉnh Nghệ An chủ động nêu gương trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, quy định của Bộ Công an, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.

Mô hình được thành lập với 5 tổ tự quản có nhiệm vụ triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, kế hoạch về công tác đảm bảo an ninh, trật tự của lãnh đạo nhà trường; Ban chỉ đạo xây dựng mô hình đề ra, đồng thời duy trì nề nếp hoạt động của các tổ tự quản theo quy chế tổ chức và hoạt động của mô hình.

Các tổ tự quản ký cam kết xây dựng mô hình. Ảnh: Trọng Tuấn
Các tổ tự quản ký cam kết xây dựng mô hình. Ảnh: Trọng Tuấn

* Một trong những bài viết nhận được sự quan tâm của độc giả và dư luận trong ngày 2/11 là: “Chiêu kê gạch gây nhiều vụ trộm bánh xe ô tô ở Nghệ An” Theo phản ánh của bài viết, chỉ tính riêng trong tháng 10/2020, trên địa bàn thành phố Vinh liên tục xảy ra tình trạng bị mất cắp bánh xe ô tô. Lãnh đạo xã Nghi Phú cho biết, vào tối 12/10, lợi dụng đêm tối, kẻ trộm đã dùng gạch kê xe lên, sau đó tháo bánh 2 chiếc xe ô tô của người dân tại Khu đô thị Minh Khang và xóm 18, xã Nghi Phú (TP. Vinh).

Sau địa bàn xã Nghi Phú, vào ngày 25/10, tại đường Nguyễn Cảnh Hoan (thuộc phường Quán Bàu) một vụ trộm tương tự cũng xảy ra. Tuy nhiên, khi đang thực hiện hành vi tháo lốp xe, do bị phát hiện nên kẻ trộm đã vội vàng bỏ chạy, để lại một bộ dụng cụ kích xe và lốp xe đã tháo hết ốc. Tiếp đó, tối 26/10, trên địa bàn phường Đông Vĩnh (TP. Vinh) cũng xảy ra vụ trộm bánh xe. Khi một chiếc mazda CX5 để qua đêm ở ngoài đã bị trộm cả 4 chiếc bánh xe. Thực tế đã từng là vụ việc hi hữu trước đây nhưng hiện nay khá phổ biến, liên tục trong một thời gian ngắn, bởi vậy, khi phát hiện đều được người dân chụp hình ảnh đưa cảnh báo lên mạng xã hội. 

Hình ảnh một số vụ trộm bánh xe từ đầu năm đến nay trên địa bàn TP. Vinh. Ảnh: CSCC
Hình ảnh một số vụ trộm bánh xe từ đầu năm đến nay trên địa bàn TP. Vinh. Ảnh: CSCC

Tin mới