Nghệ An tiếp tục giám sát, hướng dẫn khắc phục tồn tại ở các cơ sở karaoke

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Với mục tiêu ngăn chặn tình trạng cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng, từ tháng 4/2022 tới nay, Công an Nghệ An đã liên tục kiểm tra, rà soát các cơ sở karaoke, bar, vũ trường trên địa bàn.

Trong tổng số 424 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, pub, chỉ có 3 cơ sở (gồm 2 pub, 1 bar) đủ điều kiện hoạt động. Việc phải ngừng hoạt động khiến chủ các cơ sở gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chủ cơ sở kêu khó

Theo chủ một cơ sở karaoke trên địa bàn thành phố Vinh, việc đầu tư đối với cơ sở kinh doanh karaoke rất tốn kém, trong đó có vật liệu trang trí, cách âm… Kết cấu ốp tường thông thường trong phòng hát bao gồm: lớp tường bằng gạch, sau đến lớp cách âm, tiếp theo là một lớp ván ép, cuối cùng là vật liệu trang trí. Tuy nhiên, hiện nay các vật liệu nói trên không đảm bảo văn bản chứng minh là vật liệu khó cháy và không cháy nên cơ sở bị đình chỉ.

Lực lượng chức năng kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh karaoke. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên
Lực lượng chức năng kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh karaoke. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên

“Ngừng hoạt động ngày nào là tổn thất, là sốt ruột vì lãi suất ngân hàng ngày đó, tuy nhiên, hiện chúng tôi cũng chưa biết phải làm sao. Việc thay thế vật liệu trang trí, cách âm hiện có xem như bóc gỡ, làm lại từ đầu”, chủ cơ sở karaoke cho hay.

Đây cũng là khó khăn chung của các cơ sở kinh doanh karaoke. Mới đây, tại đơn kiến nghị gửi tới UBND tỉnh và các cơ quan chức năng, các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh cho rằng: Trước đây, các cơ sở đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chí về an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan chức năng yêu cầu các cơ sở kinh doanh karaoke thực hiện theo QCVN 06:2022/BXD đồng nghĩa với việc các cơ sở phải phá bỏ toàn bộ nội thất làm lại từ đầu.

Mỗi phòng đầu tư từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng giờ phải phá bỏ để đầu tư mới sẽ khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn, phá sản. Theo đó, tại đơn kiến nghị, các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn đề nghị quá trình chuyển giao từ quy chuẩn cũ sang quy chuẩn mới cần phải có thời gian…

Vật liệu dùng cách âm, trang trí tại các cơ sở kinh doanh karaoke hiện không đạt tiêu chuẩn. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên
Vật liệu dùng cách âm, trang trí tại các cơ sở kinh doanh karaoke hiện không đạt tiêu chuẩn. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, chủ doanh nghiệp karaoke Apec kiêm Chủ tịch Hiệp hội Karaoke Nghệ An cho biết, đơn cử như cơ sở của ông sau thời gian 2 năm phải đóng cửa vì dịch Covid-19, nay tiếp tục phải ngừng hoạt động không có nguồn thu nhưng vẫn phải chi trả phí thuê đất, lãi vay ngân hàng... Riêng tiền nhân công để duy tu bảo dưỡng loa máy cũng 50 triệu đồng/tháng nên rất khó khăn.

Công an TP.Vinh dán thông báo cơ sở karaoke không đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và an ninh trật tự. Ảnh tư liệu: Đ.C
Công an TP.Vinh dán thông báo cơ sở karaoke không đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và an ninh trật tự. Ảnh tư liệu: Đ.C

Tìm hiểu được biết, với thực tế nêu trên, có những cơ sở karaoke đã buộc phải đóng cửa, chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác. Như cơ sở karaoke Khánh Nhi trên địa bàn phường Trường Thi, TP.Vinh hiện đã thanh lý toàn bộ các thiết bị loa đài, bàn ghế… để dừng hẳn việc kinh doanh dịch vụ này sau 11 năm hoạt động.

Tiếp tục giám sát, hướng dẫn khắc phục

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn ( PCCC & CNCH) Công an Nghệ An: Riêng triển khai Kế hoạch số 513 ngày 07/10/2022 của Bộ Công an về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên phạm vi toàn quốc, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xử phạt 140 trường hợp vi phạm về PCCC đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, pub, với số tiền trên 700 triệu đồng.

Thế nhưng, qua công tác kiểm tra việc chấp hành quyết định đình chỉ và dừng hoạt động do cơ quan công an yêu cầu, đến thời điểm tháng 2/2023, lực lượng chức năng vẫn phát hiện 21 cơ sở kinh doanh karaoke lén lút hoạt động nên đã lập biên bản xử phạt với lỗi không chấp hành quyết định đình chỉ và tạm đình chỉ hoạt động với số tiền 480 triệu đồng.

Đoàn liên ngành thông báo quyết định tạm đình chỉ tại một cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn TP.Vinh. Ảnh tư liệu: Đ.C
Đoàn liên ngành thông báo quyết định tạm đình chỉ tại một cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn TP.Vinh. Ảnh tư liệu: Đ.C

Qua tìm hiểu, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 424 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, pub. Trong đó, có 415 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, 9 quán bar, pub (riêng TP.Vinh có 31 cơ sở karaoke, 9 bar, pub). Hiện tại, 100% các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn đều bị đình chỉ và ngừng hoạt động để khắc phục những tồn tại liên quan đến vấn đề phòng cháy, chữa cháy.

Chỉ có 2 pub gồm: Hustle và The local đủ điều kiện hoạt động (do được xây dựng tường bằng gạch, không sử dụng vật liệu dễ cháy, lối thoát nạn đảm bảo...). Mới đây, ngày 10/4 bar July cũng đã được hoạt động trở lại sau khi chủ đầu tư đã trình hồ sơ thiết kế thẩm duyệt, nghiệm thu; cơ sở không sử dụng vật liệu dễ cháy và đã trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, trang bị họng nước vách tường…

Hiện tại, 100% các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều bị đình chỉ và ngừng hoạt động để khắc phục những tồn tại liên quan đến vấn đề phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Đ.C
Hiện tại, 100% các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều bị đình chỉ và ngừng hoạt động để khắc phục những tồn tại liên quan đến vấn đề phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Đ.C

Theo Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH (Công an Nghệ An): Trong thời gian qua, cùng với việc kiểm tra giám sát không để các cơ sở không đủ điều kiện về PCCC lén lút hoạt động, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH đã thành lập các tổ công tác để hướng dẫn các cơ sở khắc phục các tồn tại (là lý do phải ngừng hoạt động đến thời điểm hiện nay) gồm: vật liệu dùng trang trí, cách âm không đạt tiêu chuẩn; hành lang, lối thoát nạn không đảm bảo; chưa đấu nối hệ thống âm thanh với hệ thống báo cháy… Tuy nhiên, phần đa các cơ sở vẫn án binh, bất động, không làm gì.

Hiện nay, trên cơ sở chỉ đạo chung, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Nghệ An đã phân loại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, bar, pub trên địa bàn thành 3 trường hợp:

Thứ nhất, các cơ sở thuộc diện thẩm duyệt nghiệm thu đã đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy và an ninh trật tự mà vướng các vật liệu thì yêu cầu thay thế các vật liệu.

Thứ hai, cơ sở không thuộc diện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu nhưng không đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy như lối thoát nạn, hệ thống âm thanh chưa được đấu nối với hệ thống báo cháy… thì yêu cầu cơ sở thực hiện đảm bảo 2 lối thoát nạn, kết nối liên động với hệ thống âm thanh.

Thứ ba, trường hợp các cơ sở thuộc diện thẩm duyệt nghiệm thu nhưng chưa lập hồ sơ thẩm duyệt nghiệm thu, có vật liệu dễ cháy thì yêu cầu cơ sở lập hồ sơ thiết kế trình cơ quan chức năng.

Trên cơ sở phân loại như trên, tới đây Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Nghệ An sẽ tham mưu thành lập đoàn liên ngành tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở khắc phục.

Về kiến nghị của các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, bar, pub trên địa bàn Nghệ An, theo Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH (Công an Nghệ An) thì phải chờ chỉ đạo chung, nhưng chắc chắn một điều các cơ sở được phép đi vào hoạt động thì phải đảm bảo các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy và an ninh trật tự, bởi thực tế nếu hạ mức các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy thì hậu quả là rất lớn, liên quan đến tính mạng và tài sản của người dân.

Ngày 5/4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện chỉ đạo các bộ, ngành cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Bộ Công an phối hợp Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan rà soát chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy để kịp thời sửa đổi, bổ sung ngay, đồng thời cắt giảm mạnh thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.

Thủ tướng yêu cầu phân loại cụ thể theo nhóm các công trình, cơ sở có khó khăn, vướng mắc trong việc khắc phục sau kiểm tra, rà soát, từ đó chủ động, kịp thời giải đáp và hướng dẫn đầy đủ để khắc phục tổng thể các vi phạm, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy. Những việc này cần hoàn thành trước 30/4.

Đồng thời, lãnh đạo các địa phương xác định vai trò, trách nhiệm và có giải pháp cụ thể, chi tiết để xử lý dứt điểm những vi phạm và khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này. Các địa phương tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy ngoài thẩm quyền để kiến nghị Bộ Công an, Bộ Xây dựng hướng dẫn, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời giải quyết.

Tin mới