Nghệ An tiếp tục rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay ODA

(Baonghean.vn) - Trước tình hình giải ngân đầu tư công từ nguồn tài trợ ODA và vay ưu đãi nước ngoài còn nhiều khó khăn, vướng mắc và chậm tiến độ, trên cơ sở Công điện số 307/CĐ-TTg ngày 8/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vừa có Văn bản số 3055/UBND-KT đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài năm 2022.

Theo đó, trên cơ sở đánh giá thực trạng và những vướng mắc đến hết quý 1 và tháng 4 năm 2022, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thành, thị; các chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài tiếp tục quán triệt nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA nói riêng; coi nhiệm vụ giải ngân vốn ODA là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 và những năm tiếp theo. 

Thi công hạng mục cống và trạm bơm công suất lớn đưa nước biển vào đầm nuôi tôm xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) là công trình sử dụng vốn vay ưu đãi ODA năm 2022. Ảnh: Nguyễn Hải
Thi công hạng mục cống và trạm bơm công suất lớn đưa nước biển vào đầm nuôi tôm ở xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) là công trình sử dụng vốn vay ưu đãi ODA năm 2022. Ảnh: Nguyễn Hải

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn ODA, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún và kéo dài. Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các văn bản đôn đốc, điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ và Thủ tướng; triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Mặt khác, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị giải ngân chậm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và làm rõ trách nhiệm, đề ra giải pháp phân bổ phù hợp và giải ngân trong thời gian tới; rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn, chống lãng phí thất thoát, tham nhũng.

Một đoạn đê quai sông Thai thuộc địa bàn xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu) được nâng cấp nhờ vốn vay ưu đãi giai đoạn trước năm 2020.Ảnh Nguyễn Hải
Một đoạn đê quai ngăn mặn tại sông Thai thuộc địa bàn xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu) được nâng cấp từ vốn vay ưu đãi giai đoạn trước năm 2021. Ảnh: Nguyễn Hải

Cụ thể hơn, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án ODA, nhất là các dự án vốn lớn, phân công lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp phụ trách từng dự án, thường xuyên kiểm tra tiến độ thực địa, tổ chức giao ban định kỳ với Ban Quản lý các dự án và các nhà thầu để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý nội dung vượt thẩm quyền; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về đất đai, tài nguyên; kịp thời báo cáo UBND tỉnh các nội dung vượt thẩm quyền; thực hiện nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng, chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn đối với các dự án giải ngân chậm; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 đối với các dự án ODA đã đủ điều kiện.

Đê bao sông Mơ thuộc địa bàn xã Quỳnh Yên đang được gấp rút thi công nhằm hoàn thiện tuyến đê chống xâm nhập mặn ven biển Quỳnh Lưu và đầu tư hạ tầng đầm tôm Quỳnh Yên- Quỳnh Đôi. Ảnh Nguyễn Hải
Đê bao phía Nam sông Mơ thuộc địa bàn xã Quỳnh Yên đang được gấp rút thi công nhằm hoàn thiện tuyến đê chống xâm nhập mặn ven biển Quỳnh Lưu và đầu tư hạ tầng đầm tôm Quỳnh Yên - Quỳnh Đôi. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại văn bản trên, UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm cho Sở Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, tham mưu cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án ODA chậm giải ngân sang dự án ODA có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn và ưu tiên bố trí đủ vốn cho các Hiệp định kết thúc năm 2022,2023; trường hợp khó khăn, vướng mắc thì báo cáo UBND tỉnh tổng hợp trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có phương án xử lý.

Do đầu tư chưa đồng bộ nên cầu sông Thai nối Quỳnh Hưng và Quỳnh Diện qua kênh cầu Hào trở thành vật cản gây ùn ứ nước khiến Quỳnh Lưu bị ngập lụt lịch sử vào tháng 9/2021. Ảnh Nguyễn Hải
Do đầu tư chưa đồng bộ nên cầu sông Thai nối xã Quỳnh Hưng và xã Quỳnh Diễn qua kênh cầu Hào trở thành vật cản gây ùn ứ nước khiến huyện Quỳnh Lưu bị ngập lụt lịch sử vào tháng 9/2021. Ảnh: Nguyễn Hải
UBND tỉnh giao Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Kho bạc các huyện, thành, thị căn cứ cam kết và đăng ký kế hoạch giải ngân của các chủ đầu tư để sắp xếp, cân đối đảm bảo đủ nguồn nhập tabmis cho các dự án, công trình, không để việc nhập tabmis làm ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn; tiếp tục đẩy mạnh việc rút ngắn thời gian kiểm soát chi; các sở chuyên ngành tập trung, ưu tiên rút ngắn thời gian xử lý các hồ sơ liên quan đến công tác GPMB, thẩm định, điều chỉnh dự án, thẩm định thiết kế - dự toán… của các dự án có kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 nói chung và các dự án vốn ODA nói riêng góp phần sớm thi công công trình và giải ngân vốn./.
                                         (Trích Văn bản số 3055/UBND-KT ngày 29/4/2022)

Tin mới