Nghệ An: Tín dụng chính sách góp phần đẩy lùi cho vay nặng lãi

(Baonghean) - Hoạt động tội phạm núp bóng tín dụng đen, cho vay nặng lãi diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, nguồn vốn ngân hàng chính sách ở Nghệ An đã đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, phát triển KT-XH ở địa phương.

Từng bước đẩy lùi hoạt động cho vay nặng lãi

Theo số liệu tổng hợp, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 113 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, 102 cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính có biểu hiện nghi vấn hoạt động tín dụng đen, trong đó riêng địa bàn TP Vinh có 60 cơ sở kinh doanh cầm đồ, 71 cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính. Trong thời gian qua, hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ và cho vay lãi tín dụng đen trên diễn biến khá phức tạp; một số cơ sở núp bóng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ tài chính để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, hỗ trợ tài chính với thủ tục nhanh gọn, lãi suất vay cao, vượt hàng chục lần so với mức pháp luật cho phép. Tình trạng xiết nợ, đòi nợ thuê, đe dọa khủng bố về tinh thần, ném chất bẩn vào nhà con nợ, đánh đập, bắt cóc, gây sức ép về vật chất, tinh thần để đòi tiền gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Trước tình hình hoạt động “tín dụng đen” gây ảnh hưởng đến ANTT địa bàn, Công an phối hợp với cơ quan chức năng: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước đã đồng loạt kiểm tra đột xuất, công khai các cơ sở dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính trên địa bàn thành phố Vinh, tạm giữ các giấy tờ liên quan đến hoạt động cầm đồ, hỗ trợ tài chính của các cơ sở kinh doanh có biểu hiện vi phạm.

Các hoạt động thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ hỗ trợ tài chính, chủ động phát hiện, đấu tranh xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến tín dụng đen, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Anh Lương Hữu Phương - Xóm Tân Thọ, xã Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn thoát nghèo từ vốn vay ngân hàng chính sách. Ảnh: Thu Huyền
Anh Lương Hữu Phương ở xóm Tân Thọ, xã Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn thoát nghèo từ vốn vay ngân hàng chính sách. Ảnh: TH
Đặc biệt, nhằm hạn chế hoạt động của loại tội phạm này, nhất là ở khu vực nông thôn, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra quy định lãi suất cho vay, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng chính thức mở chi nhánh ở địa bàn, thông qua các kênh cho vay, nhằm góp phần giải quyết nhu cầu tiếp cận vốn của nhân dân.

Để siết chặt quản lý tín dụng đen, giải pháp hữu hiệu nhất là tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của người dân thông qua các tổ chức tín dụng đã được cấp phép. Ngân hàng có độ phủ lớn như Ngân hàng CSXH với đặc thù mạng lưới và sản phẩm cho vay linh hoạt đến được các địa bàn phường, xã sẽ là một trong những kênh cho vay được định hướng tham gia trên phạm vi rộng hơn.

Ông Cao Văn Hợi - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An 

Tín dụng chính sách vào cuộc

Tại Nghệ An, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, Ngân hàng CSXH tại các địa phương đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Thương binh Phan Viết Hài - Xóm 6, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn vay vốn ưu đãi đầu tư chăn nuôi bò. Ảnh: Thu Huyền
Thương binh Phan Viết Hài - xóm 6, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn vay vốn ưu đãi đầu tư chăn nuôi bò. Ảnh: TH
Trong những năm qua, Đô Lương là một địa bàn khá phức tạp về phường, hụi, tín dụng đen cả về số lượng và quy mô làm cho nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Để hạn chế việc cho vay nặng lãi trên địa bàn toàn huyện, đơn vị đã tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị ban hành các văn bản chỉ đạo cũng như thông qua Nghị quyết của các phiên họp Ban đại diện để tuyên tuyền cho các thành phần kinh tế nắm rõ tác hại của việc tham gia phường, hụi cũng như hậu quả của việc vay vốn tín dụng đen.

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã chỉ đạo cán bộ tín dụng phục vụ địa bàn đáp ứng kịp thời cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vốn, đủ điều kiện đều được vay vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng như 100% hộ vay chưa có công trình nước sạch và vệ sinh môi trường có nhu cầu vay đều được vay vốn, để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Hữu Kỳ - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đô Lương.

Mặt khác, các Ban quản lý tổ vay vốn có liên quan chủ phường, hụi đều tham mưu Chủ tịch UBND xã thay thế để hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình đầu tư cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Kết quả đến nay chưa phát hiện hộ gia đình vay vốn Ngân hàng CSXH bị vỡ nợ do phường, hụi và tín dụng đen trên địa bàn toàn huyện.

Ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho hay: Thời gian qua, vốn tín dụng chính sách đã thực sự là kênh cho vay hiệu quả, giúp nhiều gia đình chính sách xóa nghèo vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững. Tín dụng chính sách không những đã đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Anh Sơn giải ngân vốn cho bà con tại điểm giao dịch xã xã Đức Sơn. Ảnh: Thu Huyền
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Anh Sơn giải ngân vốn cho bà con tại điểm giao dịch xã xã Đức Sơn. Ảnh: TH
Đến 31/12/2018, tổng dư nợ đạt 7.744 tỷ đồng (+544 tỷ đồng), tăng 7,56% so với năm trước, hoàn thành 99,9% chỉ tiêu được giao. Cơ cấu dư nợ tiếp tục chuyển biến nhanh theo hướng phù hợp, dư nợ 05 chương trình cho vay là hộ cận nghèo, hộ nghèo, hộ thoát nghèo, nước sạch và SXKD vùng khó khăn tiếp tục dẫn đầu trong số 18 chương trình, đạt 6.412 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 82,8%, tăng thêm 703 tỷ đồng đồng so với năm 2017).
Năm 2018 là năm có doanh số cho vay, thu nợ cao nhất từ trước đến nay, trong đó: cho vay đạt 2.616 tỷ đồng; thu nợ đạt 2.072 tỷ đồng. Doanh số hoạt động của 05 chương trình dẫn đầu là: cho vay hộ cận nghèo (cho vay 840 tỷ đồng/thu nợ 572 tỷ đồng), hộ mới thoát nghèo (455/168 tỷ), hộ nghèo (408/547 tỷ đồng), SXKD vùng khó khăn cho vay 356 tỷ đồng/thu nợ 193 tỷ đồng, HSSV (64/296 tỷ đồng, dư nợ giảm trên 232 tỷ đồng so với đầu năm).
Đến nay chất lượng tín dụng toàn chi nhánh tiếp tục chuyển biến, ổn định trên nhiều mặt, các chỉ tiêu phản ánh chất lượng đã được nâng lên đáng kể. Nợ quá hạn tiếp tục giảm mạnh, hiện còn 10.515 triệu đồng, chiếm chưa đến  0,14%, giảm 0,03% so với năm 2017. Hiện không có đơn vị nào có tỷ lệ nợ quá hạn vượt quá 0,7%.

“Thời gian tới, cùng với các chính sách của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Nghệ An sẽ tiếp tục tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách để nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn biết tới sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn vay lãi suất thấp, không phải đi vay nóng nặng lãi, tránh sập bẫy tín dụng đen…”- lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.

Tin mới