Nghệ An: Trâu, bò 'rớt' giá mạnh vẫn 'tắc' đầu ra

(Baonghean.vn) - Hiện nay, giá trâu bò giảm mạnh song vẫn không tiêu thụ được. Các hộ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, các phụ phẩm phục vụ chăn nuôi cũng tăng “phi mã”.
Hiện tại, giá trâu, bò thịt giảm mạnh, xuống còn 60.000 đồng - 70.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi thua lỗ. Ảnh: Thanh Phúc
Hiện tại, giá bò thịt giảm mạnh, xuống còn 60.000 - 70.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi thua lỗ. Ảnh: Thanh Phúc

Từ năm 2010, gia đình ông Vương Văn Hoàn (xóm 7, Nghĩa Đồng, Tân Kỳ) chuyển sang chăn nuôi trâu vỗ béo. Cao điểm trong chuồng luôn có 40 con trâu mộng. Trung bình, nếu chăm sóc tốt và đầu ra ổn định cũng mang lại cho gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Vậy nhưng, từ cuối năm 2021 đến nay, trâu ế ẩm, giá xuống thấp nhưng không tiêu thụ được. 

“Trước Tết, giá trâu đang ở mức 100.000-110.000 đồng/kg, con trâu 6-7 tạ bán với giá 70-80 triệu đồng. Vậy nhưng sau Tết đến nay, giá trâu thịt giảm xuống 90.000 đồng rồi 80.000 đồng và nay chỉ còn 70.000 đồng. Mỗi con trâu như vậy, “mất trắng” 35 triệu đồng. Mà muốn bán cũng không thể bán vì không có ai hỏi mua. 20 con trâu đã quá kỳ xuất bán mà ế 7-8 tháng nay”, ông Vương Văn Hoàn cho biết.

Nhiều trang trại nuôi trâu vỗ béo hiện tồn đọng không thể xuất chuồng do không có thương lái thu mua. Ảnh: Thanh Phúc
Giá trâu thịt cũng giảm mạnh. Ảnh: Thanh Phúc

Chăn nuôi trâu bò vỗ béo từ trước đến nay là thế mạnh của huyện Tân Kỳ, trong đó tập trung nhiều nhất ở các địa phương: Nghĩa Hoàn, Nghĩa Đồng, Nghĩa Bình… đem lại thu nhập không nhỏ cho người dân nơi đây. 

Ông Nguyễn Công Trung - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết: “Toàn huyện có tổng đàn trâu bò trên 52.000 con, chủ yếu chăn nuôi nông hộ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và lao động nhàn rỗi. Hầu như hộ nào cũng nuôi 2-3 con trâu, bò; riêng chăn nuôi trâu bò vỗ béo theo hình thức trang trại hướng công nghiệp có khoảng 100 hộ với quy mô nhỏ và vừa từ 20-100 con.

Trung bình, 6 tháng một lứa, mỗi năm 2 lứa, đem lại lãi ròng cho người nuôi khoảng 10 triệu đồng/con, nếu nuôi 20 con có thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Vậy nhưng, 2 năm nay, đặc biệt là từ cuối năm 2021 đến nay, người chăn nuôi trâu bò gặp khó do bí đầu ra, giá cả xuống thấp, không ít trang trại thua lỗ”.

Hàng chục con trâu đã quá trọng lượng nhưng vẫn không có nơi tiêu thụ. Ảnh: Thanh Phúc
Hàng chục con trâu đã quá trọng lượng nhưng vẫn không có nơi tiêu thụ nên không thể xuất chuồng. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Nguyễn Văn Công, chủ một trang trại chăn nuôi bò vỗ béo ở Hiến Sơn (Đô Lương) cho biết: “Giá bò thịt “lao dốc” từ 110.000-120.000 đồng/kg nay “chạm đáy” còn 55.000-60.000 đồng/kg. Đã thế cũng không có người hỏi mua, phải mổ thịt bán lẻ ở các chợ. Hiện có 10 con bò quá trọng lượng vẫn đang còn tồn đọng trong chuồng không thể xuất bán”. 

Nguyên nhân của việc trâu bò thịt rớt giá nhưng khó tiêu thụ là do lâu nay, đầu ra của trâu bò thịt chủ yếu là xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Nay, do dịch Covid-19, Trung Quốc đóng biên nên trâu bò không có đầu ra, chỉ xuất bán nhỏ giọt thị trường trong tỉnh.  

Tăng cường thức ăn xanh để giảm chi phí chăn nuôi, hạn chế thua lỗ. Ảnh: Thanh Phúc
Tăng cường thức ăn xanh để giảm chi phí chăn nuôi, hạn chế thua lỗ. Ảnh: Thanh Phúc

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay, tổng đàn trâu trên địa bàn tỉnh hơn 268.256 con, đàn bò 503.386 con. Những năm qua, chăn nuôi trâu, bò phát triển ổn định, là nghề đem lại thu nhập cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh. Do hạn chế về bãi chăn thả, những năm qua, người chăn nuôi ở các địa phương đã chú trọng trồng cỏ để phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hình thức nuôi nhốt vỗ béo hoặc bán chăn thả. So với nuôi lợn hoặc gia cầm, đầu ra của con trâu, con bò ổn định hơn, giá bán ít biến động.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 đến nay, việc tiêu thụ trâu, bò gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong khi giá bán giảm mạnh so với trước, người chăn nuôi trâu, bò vỗ béo không có lãi, thậm chí thua lỗ. 

Ảnh: Thanh Phúc
Tăng nguồn thu từ việc chế biến phân vi sinh từ chất thải chăn nuôi trâu, bò. Ảnh: Thanh Phúc

Đặc biệt, hầu hết trâu bò tiêu thụ sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, do đó, khi ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trung Quốc đóng biên thì việc tiêu thụ trâu, bò gặp rất nhiều khó khăn; nhiều trang trại trâu bò đến kỳ xuất chuồng nhưng không thể xuất bán.

Trước thực trạng tiêu thụ khó khăn như hiện nay, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi trâu, bò tiếp tục theo dõi thị trường, không nên tăng đàn trong thời điểm này. Khi trâu bò mất giá, bà con cần tập trung thực hiện các biện pháp để thích nghi như: thay đổi khẩu phần ăn, ủ chua phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn, tăng nguồn thu từ việc chế biến phân vi sinh từ chất thải chăn nuôi trâu, bò… 

Trong khi đó, giá thịt trâu, bò tại các chợ dân sinh hầu như không giảm. Ảnh: Thanh Phúc
Trong khi đó, giá thịt trâu, bò tại các chợ dân sinh hầu như không giảm. Ảnh: Thanh Phúc

Đồng thời, có giải pháp giảm đàn phù hợp, không giảm ồ ạt khiến nguồn cung bị “đứt gãy”, khi thị trường phục hồi lại không có để bán. Mặt khác, cần thành lập các tổ hợp tác, liên kết trong chăn nuôi để tránh bị ép giá, kết nối tiêu thụ để không bí đầu ra. Về phía người chăn nuôi mong muốn, các cấp chính quyền, ngành hữu quan quan tâm, kết nối thị trường để việc tiêu thụ trâu, bò thuận lợi và giá bán ổn định hơn.

Tin mới