Nghệ An: Trình phương án tinh giản hơn 1.000 định biên cán bộ, viên chức

(Baonghean.vn) - Đây là nội dung được đề cập tới trong buổi thẩm tra các tờ trình, báo cáo trước kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII của Ban Pháp chế sáng ngày 2/12.

Đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì buổi họp. Tham dự còn có đồng chí Cao Thị Hiền – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND tỉnh và các Ủy viên Ban Pháp chế. Ảnh: Mỹ Nga.
Đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì buổi họp. Tham dự còn có đồng chí Cao Thị Hiền – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND tỉnh và các Ủy viên Ban Pháp chế. Ảnh: Mỹ Nga.

Tinh giản biên chế công chức, viên chức 

Tại buổi thẩm tra, các đại biểu nghe và góp ý vào các tờ trình về: giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước tỉnh Nghệ An năm 2018; tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2018. 

Theo báo cáo, năm 2015, Nghệ An được Bộ Nội vụ giao 3.799 biên chế công chức. Theo Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị đến năm 2021 cần giảm 380 biên chế công chức.

Theo đó, trong năm 2015 và 2016, tỉnh đã giảm 119 biên chế và giai đoạn 2017-2021 cần giảm 261 biên chế.

Số biên chế sự nghiệp năm 2018 là 62.253 biên chế, cụ thể: giao cho các đơn vị sự nghiệp và tổ chức hội là 55.794 biên chế (giảm so với số giao cuối năm 2017 là 1.115 biên chế) và dự phòng 6.459 biên chế.

Tổng biên chế công chức trong cơ quan quản lý Nhà nước tỉnh Nghệ An năm 2018 là 3.615 biên chế (thấp hơn 2017 là 65 biên chế) và không có dự phòng.

Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh băn khoăn, trong Nghị quyết không có số lượng dự phòng biên chế công chức. 

Đại biểu Trần Đình Toàn - Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đặt ra những vấn đề về tinh giản biên chế viên chức tại các đơn vị công lập. "Trong khi ngân sách bao cấp của Nhà nước thì hạn hẹp, lực lượng tại các sự nghiệp công lập lại quá đồ sộ” - đại biểu nhận định.

Do đó, đại biểu đề nghị, cần phải rà soát, tính toán lại, thành lập đoàn kiểm tra để giám sát, làm rõ nhu cầu của các đơn vị sự nghiệp công lập.       

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong "bài toán" tinh giản biên chế. Ảnh: Mỹ Nga.

Giám đốc Sở Nội vụ Đậu Văn Thanh chia sẻ, từ nay đến 2021, phải xác định tỉ lệ tinh giản biên chế công chức tối thiểu 10%, và tương tự cho giảm biên chế viên chức.

Thời gian qua, phương thức giảm biên được thực hiện bằng cách: nghỉ hưu đúng tuổi, nghỉ theo Nghị định 108 của Chính phủ, đánh giá năng lực công chức, viên chức; hoặc điều chuyển cán bộ giữa các ngành. Song quá trình này gặp không ít khó khăn vì “đụng đến bất kỳ ngành nào, ngành đó cũng phản ứng, bởi chức năng nhiệm vụ của các ngành ngày càng tăng” - ông Thanh chia sẻ.

Cuộc họp thống nhất trình HĐND tỉnh tổng số biên chế sự nghiệp năm 2018 là 62.253 biên chế, cụ thể: giao cho các đơn vị sự nghiệp và tổ chức hội là 55.794 biên chế (giảm so với số giao cuối năm 2017 là 1.115 biên chế) và dự phòng 6.459 biên chế.  

Trước chủ trương phải tinh gọn biên chế, Trưởng Ban Pháp chế Phan Đức Đồng đề nghị Sở Nội vụ phối hợp với UBND tỉnh để thống nhất phải đưa ra dự phòng biên chế công chức. Đồng thời, Sở Nội vụ cũng cần xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế toàn tỉnh giai đoạn 2016-2021, có kế hoạch cho từng giai đoạn để trình HĐND tỉnh.

Tại buổi làm việc, các đại biểu còn đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết quy định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về nội dung và mức chi kinh phí đảm bảo hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nhiều chuyển biến trong cải cách hành chính

Sau khi nghe báo cáo công tác cải cách hành chính tỉnh Nghệ An năm 2017, các đại biểu đánh giá cao chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn các cấp, ngành được điều chỉnh, sắp xếp cơ bản phù hợp, hoạt động có hiệu quả.

Trưởng Ban Pháp chế Phan Đức Đồng chủ trì buổi thẩm vấn. Ảnh: Mỹ Nga.
Trưởng Ban Pháp chế Phan Đức Đồng chủ trì buổi thẩm tra. Ảnh: Mỹ Nga.

Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, chất lượng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại các địa phương, đơn vị được nâng lên, bước đầu tạo sự hài lòng cho tổ chức, công dân. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Việc phê duyệt phương án giao quyền tự chủ tài chính cho một số đơn vị sự nghiệp công lập đã tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động sử dụng nguồn kinh phí được giao, tích cực khai thác nguồn thu, cũng như chủ động trong sắp xếp, bố trí vị trí việc làm.

Đặc biệt, tiến độ tự chủ đang được thực hiện nhanh, dự kiến đến năm 2018, có 21 đơn vị tự chủ, góp phần vào việc tinh giản biên chế.

cán bộ, công chức
Theo dự kiến năm 2018, Nghệ An giảm trên 1.000 định biên cán bộ, công chức. Ảnh tư liệu

Góp ý vào báo cáo, các đại biểu đề nghị bổ sung một số nội dung như: chính sách cải cách cụ thể để nâng cao năng lực thu hút đầu tư nhằm tăng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); cụ thể hoá các trọng tâm nhiệm vụ của năm 2018; lấy ý kiến từ doanh nghiệp, người dân về đánh giá trách nhiệm của các đơn vị; đưa ra phương án giảm hội họp.

Trưởng Ban Pháp chế Phan Đức Đồng đề nghị Sở Nội vụ và các sở, ban, ngành tăng cường tuyên truyền về cải cách hành chính, đặc biệt là các dịch vụ công trực tuyến đến người dân; bổ sung vào báo cáo phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính, thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XII); quan tâm giải quyết các vấn đề dôi dư trong trường học; đẩy mạnh tăng cường tự chủ. 

Mỹ Nga

TIN LIÊN QUAN

Tin mới