Nghệ An: Ứng dụng KHCN nâng tầm sản phẩm OCOP

(Baonghean.vn) - Có thể thấy rằng, từ khi Nghệ An triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), việc đầu tư ứng dụng KHCN ngày càng được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở nông thôn chú trọng, điều này không chỉ đảm bảo uy tín sản phẩm mà còn góp phần khẳng định thương hiệu các sản phẩm OCOP không chỉ là cách làm “ngày một ngày hai”.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản phẩm OCOP
Sản phẩm “tảo xoắn Spirulina” của Công ty CP Khoa học xanh Hidumi Pharma ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) là một sản phẩm OCOP được đầu tư bài bản với công nghệ tiên tiến bậc nhất với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. 
Tổng đầu tư vốn của cơ sở hơn 15 tỷ đồng và nay đã được Bộ Y tế chứng nhận chất lượng, được nhiều người tiêu dùng biết tới. Sau nhiều năm thử nghiệm, Công ty này đã sản xuất được 3 dòng sản phẩm chức năng có xuất xứ 100% từ thiên nhiên gồm tảo xoắn Spirulina Michio, đậu tương lên men Natto Kinaza và Đông trùng hạ thảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế ban hành.
Công nhân đang chăm sóc “tảo xoắn Spirulina” tại xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu). Ảnh: Văn Trường
Công nhân đang chăm sóc “tảo xoắn Spirulina” tại xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu). Ảnh: Văn Trường

Mô hình nuôi trồng tảo bắt đầu vận hành từ năm 2016, theo đó đã thu hút các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực Công nghệ nuôi trồng, chế biến, sản xuất tảo xoắn spirulina. Trong đó, GS.TS Franz Peter Monforts (CHLB Đức) đã trực tiếp về tận nơi để chuyển giao công nghệ, tất cả các khâu từ sản xuất giống tảo, quy trình nuôi, mở rộng sản xuất, thu sinh khối, xử lý sinh khối, thu sản phẩm, sấy, xay… đến khâu cuối cùng là cho ra sản phẩm. Đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe này nếu như không ứng dụng khoa học công nghệ liệu có thành công và có được người tiêu dùng tin tưởng. Đến thăm cơ sở sản xuất tất cả các khâu đều được vô trùng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Một sản phẩm nữa cũng có vai trò của khoa học đó là trà gạo thảo dược Vĩnh Hòa của Công ty TNHH khoa học CN Vĩnh Hòa xã Vĩnh Thành, Yên Thành. Đây là 1 trong 48 sản phẩm OCOP được tỉnh Nghệ An công nhận năm 2019 đạt 3 sao trở lên.
Ông Phan Văn Hòa - Giám đốc Công ty TNHH KH&CN Vĩnh Hòa cho biết: Xác định KHCN là chìa khóa thành công cho các sản phẩm, trong năm 2016, Công ty đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các trung tâm nghiên cứu thực hiện dự án, nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất, chế biến và phát triển trà gạo thảo dược Vĩnh Hòa tại huyện Yên Thành.

Các bước nghiên cứu rất công phu, như nghiên cứu xác định phương pháp, thiết bị làm sạch nguyên liệu trước khi chế biến, nghiên cứu các thông số công nghệ tối ưu cho quá trình làm khô nguyên liệu. Xác định tỷ lệ tối ưu trong phối trộn giữa các thành phần nguyên liệu trong thành phần trà gạo… Theo như các kết quả kiểm nghiệm thì trà túi lọc thảo dược có tác dụng hỗ trợ chữa các loại bệnh, ung thư, loãng xương… bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. 

Ông Phan Văn Hòa - Giám đốc Công ty TNHH KH&CN Vĩnh Hòa cho biết thêm

Sản phẩm trà túi lọc cà gai leo dây thìa canh của dược liệu Pù Mát… là  một trong những sản phẩm OCOP giai đoạn đầu của tỉnh Nghệ An đến nay đã được người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng phổ biến. Nguyên liệu cà gai leo, cây thìa canh được trồng tại Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây dược liệu miền Tây Nghệ An thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, trên độ cao hơn 800 m so với mặt nước biển.
Đây là vùng khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt của vùng Vườn Quốc gia Pù Mát, bởi vậy, hàm lượng dược tính của dược liệu cao hơn hẳn vùng đất khác (theo kết quả phân tích, kiểm nghiệm của Viện Dược Liệu - Bộ Y tế).
Bên cạnh đó dược liệu được trồng theo công nghệ Nhật Bản có các chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ. Quá trình trồng và chăm sóc, đơn vị áp dụng quy trình theo tiêu chuẩn GACP (thực hành tốt trồng trọt và thu hái). Ứng dụng công nghệ phơi nguyên liệu bằng năng lượng mặt trời. Thiết kế mẫu mã, bao bì nhãn mác khá đẹp mắt, nên sản phẩm này, được người tiêu dùng ưa chuộng trong thời gian qua, tăng doanh thu cho doanh nghiệp và người dân. Sự tâm huyết miệt mài đầu tư cho sản phẩm đã cho ra đời những sản phẩm uy tín. 
chú thích
Các sản phẩm OCOP được đóng gói hoàn thiện khá bắt mắt. Ảnh: Trân Châu - Văn Trường - Thanh Phúc
Đến nay, toàn tỉnh đã có 48 sản phẩm nông nghiệp được UBND tỉnh Nghệ An công nhận sản phẩm OCOP và gắn 3 - 4 sao (năm 2019). Các sản phẩm công nhận đạt các hạng sao nêu trên được UBND tỉnh cấp giấy công nhận, được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “OCOP Nghệ An” và thứ hạng sao in trên bao bì sản phẩm theo quy định tại Quyết định số 303/QĐ-UBND ngày 4/2/2020 của UBND tỉnh Nghệ An và các quy định hiện hành. Kết quả công nhận xếp hạng có giá trị trong 3 năm, kể từ ngày quyết định được ký ban hành.
Cần có giải pháp đồng bộ
Ông Hoàng Nghĩa Nhạc - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cho biết:  Hầu hết các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đều chủ động thực hiện các giải pháp về KHCN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ chú trọng hỗ trợ ngay từ khâu sản xuất đầu tiên cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở. Sở hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, khi tạo ra được sản phẩm rồi thì xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm. Hỗ trợ thương mại, giới thiệu các sản phẩm tham gia các hội chợ. Hầu hết các sản phẩm OCOP đều nâng cao được giá trị kinh tế. 
Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ thường xuyên tham mưu với tỉnh thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm OCOP. Nhằm mục tiêu hướng đến sản phẩm cụ thể, dựa trên định hướng phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng chương trình phát triển 100 sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương giai đoạn 2015 – 2020.
l Tương Nam Anh là sản phẩm nổi tiếng, đạt 4 sao OCOP trên địa bàn huyện Nam Đàn. Ảnh: Quang AnTương Nam Anh là sản phẩm nổi tiếng, đạt 4 sao OCOP trên địa bàn huyện Nam Đàn. Ảnh: Quang An

Sở Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn các huyện, thị xã và thành phố Vinh đăng ký, đề xuất các sản phẩm, trên cơ sở đề xuất và bổ sung hàng năm của các huyện, đến nay đã xác định trên địa bàn Nghệ An có 159 sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương có thể phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Trong số này, có 84 sản phẩm chế biến và 75 sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Hỗ trợ 22 mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống,..

Tuy nhiên theo các nhà chuyên môn, mặc dù đã có nhiều chính sách liên quan đến việc hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào sản xuất, nhưng việc tiếp cận của các DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta hiện nay vẫn còn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ, kỹ thuật áp dụng không đồng bộ dẫn đến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định.
Sản phẩm nước mắm truyền thống Cửa Hội Cửa Lò được để trong các chum sành bày bán tại hội chợ Bắc Trung Bộ. Ảnh: Châu Lan
Sản phẩm nước mắm truyền thống Cửa Hội Cửa Lò được để trong các chum sành bày bán tại hội chợ Bắc Trung Bộ. Ảnh: Châu Lan

Không những vậy, công tác bảo quản, chế biến nông sản vẫn còn sơ sài, mang tính tự phát, phân tán trong dân, công nghệ lạc hậu, chất lượng hàng hóa thấp. Đặc biệt, khâu chế biến nông sản còn khá đơn giản, sản phẩm đưa ra thị trường dưới dạng thô, giá trị kinh tế thấp. Vì vậy phát triển sản phẩm OCOP chủ yếu là các sản phẩm từ nông nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận khoa học công nghệ và đặc biệt là khâu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. 

Có thể khẳng định, ứng dụng KHCN là một trong những giải pháp quan trọng giúp sản phẩm OCOP của Nghệ An ngày càng nâng cao về chất lượng và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Thời gian tới các cơ sở sản xuất OCOP cần tiếp tục tiếp cận với các chương trình KHCN để nâng tầm sản phẩm.

Tin mới