Nghệ An: Vẫn còn tình trạng xây dựng trường chuẩn theo kiểu 'ôn thi đại học'

(Baonghean.vn) - Trao đổi với đoàn giám sát, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Thái Văn Thành thừa nhận, việc xây dựng trường chuẩn lâu nay ở các địa phương, trường học đang theo kiểu “ôn thi đại học”, tập trung làm cật lực và đến khi đạt chuẩn rồi thì “xả hơi”, chứ không có ý thức xây dựng trường đạt chuẩn mang tính đẳng cấp, nổi trội.
Chiều 6/11, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh có cuộc làm việc với Sở Giáo dục – Đào tạo theo chương trình giám sát công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa
Chiều 6/11, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh có cuộc làm việc với Sở Giáo dục - Đào tạo theo chương trình giám sát công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Trường chuẩn chưa có sự khác biệt, nổi trội 

Trên cơ sở kết quả giám sát tại 4 huyện Quế Phong, Quỳnh Lưu, Thanh Chương và thành phố Vinh, tại cuộc làm việc, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan nêu lên thực tế cả 4 huyện đều không đạt chỉ tiêu đại hội đề ra.

Cụ thể như huyện Quế Phong chỉ đạt 27/33 trường; Quỳnh Lưu đạt 69/80 trường và thành phố Vinh 67/90 trường. Điều đáng quan tâm, trong số trường đạt chuẩn được tính lũy kế tại các địa phương thì có nhiều trường đã quá thời hạn được công nhận đạt chuẩn nhưng chưa được thẩm định và công nhận lại.

Đơn cử như Quế Phong có 9/27 trường; Quỳnh Lưu 17/69 trường; Thanh Chương có 24/90 trường; Thành phố Vinh có 11/67 trường. Như vậy, thực chất số trường đang trong thời hạn công nhận đạt chuẩn ở các địa phương chỉ còn khoảng 49 - 52%. 

Đoàn giám sát một tiết học tin học tại Trường THPT Quỳnh Lưu 1. Ảnh: Mai Hoa
Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát một tiết học tại Trường THPT Quỳnh Lưu 1. Ảnh: Mai Hoa

Bên cạnh đó, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng chỉ ra tình trạng nể nang và "cho nợ chuẩn" trong công tác thẩm định và thẩm định lại.

Ví dụ, tại Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1 (thành phố Vinh) mặc dù được thẩm định và công nhận lại vào năm 2016 nhưng hiện tại khu vực nấu ăn cho học sinh chưa đảm bảo; hay ở Trường THPT Thanh Chương 1 được công nhận đạt chuẩn hơn 15 năm nhưng nợ chuẩn về diện tích đến nay vẫn chưa được trả…

Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Thái Văn Thành thừa nhận, việc xây dựng trường chuẩn lâu nay ở các địa phương, trường học đang theo kiểu “ôn thi đại học”, tập trung làm cật lực và đến khi đạt chuẩn rồi thì “xả hơi”, chứ không có ý thức xây dựng trường đạt chuẩn có đẳng cấp, chuẩn mực nổi trội hơn các trường chưa đạt chuẩn.

Chính vì vậy, sau khi đạt chuẩn, nhiều địa phương, trường học coi như xong nhiệm vụ nên chưa quan tâm để củng cố, nâng cấp các tiêu chuẩn, dẫn đến xuống cấp. Đây là bài toán khó cho các địa phương, trường học để được thẩm định, công nhận lại.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 1.099 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 72,2%; trong đó có 318 trường đạt chuẩn trên 5 năm chưa được thẩm định, công nhận lại. Như vậy, nếu trừ số trường chưa được công nhận lại theo quy định thì thực chất số trường đạt chuẩn toàn tỉnh chỉ còn 781/1.524 trường, chiếm 51,24%
Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Thái Văn Thành tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh. Ảnh: Mai Hoa
Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Thái Văn Thành cho rằng có tình trạng "xả hơi" sau khi đạt chuẩn quốc gia ở nhiều địa phương, nhiều trường học. Ảnh: Mai Hoa

Cần đầu tư đúng đắn cho chất lượng đội ngũ

Kết luận tại cuộc làm việc, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hường khẳng định, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đưa vào chỉ tiêu nghị quyết đại hội, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kết quả số trường đạt chuẩn mới tăng lên hàng năm.

Chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại trong xây dựng trường chuẩn quốc gia, nhất là các trường chuẩn được công nhận giai đoạn trước nhưng hiện nhiều chỉ tiêu không đạt, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị ngành Giáo dục - Đào tạo cần có các giải pháp nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền và các nhà trường trong xây dựng trường chuẩn; tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chỉ tập trung xây dựng cơ sở vật chất mà không đầu tư nâng cao chất lượng, ý thức trách nhiệm, không vì học sinh và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hường. Ảnh: Mai Hoa
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hường lưu ý, tránh chỉ tập trung xây dựng cơ sở vật chất mà không đầu tư đúng về nâng cao chất lượng giáo dục , ý thức trách nhiệm đối với ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh. Ảnh: Mai Hoa

Sở Giáo dục - Đào tạo cũng cần rà soát, đánh giá lại các cơ chế, chính sách xây dựng trường chuẩn để chủ động tham mưu tỉnh tháo gỡ; gắn xây dựng trường chuẩn với xây dựng nông thôn mới và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Sở cũng có kế hoạch rà soát lại các trường đạt chuẩn đang trong thời hạn, trường đạt chuẩn nhưng đã hết hạn và trường chưa đạt chuẩn. Trên cơ sở đó có lộ trình đầu tư bổ sung, xây dựng các tiêu chuẩn, làm rõ thẩm quyền trách nhiệm trong xây dựng trường chuẩn giữa địa phương và nhà trường.

Bên cạnh chú trọng chất lượng xây dựng trường chuẩn, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội cũng lưu ý Sở Giáo dục - Đào tạo quan tâm giám sát, chỉ đạo việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các trường bán trú; đảm bảo an toàn giao thông; vệ sinh môi trường trong các nhà trường, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh…

Tin mới