Nghệ An với biện pháp khẩn cấp chống dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm

(Baonghean.vn) - Hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lây lan trên 13 tỉnh, thành trong cả nước. Nghệ An chưa phát hiện có lợn bị bệnh, nhưng nguy cơ xuất hiện dịch rất cao. Báo Nghệ An xin giới thiệu những nội dung chính của kịch bản chống dịch tả lợn xảy ra trên địa bàn.

1. Lấy mẫu xét nghiệm

Khi phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc… thì lấy mẫu để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh.

Cán bộ Trạm Kiểm dịch động vật Bắc Nghệ An phun thuốc khử trùng các phương tiện vận chuyển lợn qua địa bàn TX Hoàng Mai. Ảnh: Thanh Yên

Cán bộ Trạm Kiểm dịch động vật Bắc Nghệ An phun thuốc khử trùng các phương tiện vận chuyển lợn qua địa bàn TX. Hoàng Mai. Ảnh: Thanh Yên

2. Kiểm soát vận chuyển

- Thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời và tổ công tác lưu động liên ngành để kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh;

- Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốcTập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn tỉnh Nghệ An.

- Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, sân bay, cảng biển, ga tàu…, khu vực giáp ranh với các tỉnh khác đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước, các tỉnh có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập vào địa phương.

- Tổ chức kiểm soát, giám sát các phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không và khách du lịch từ các nước, các tỉnh đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín đến tỉnh Nghệ An; bao gồm cả việc kiểm soát, giám sát tại các cửa khẩu; thực hiện xử lý thức ăn thừa có nguồn gốc chế biến từ thịt lợn từ các chuyến bay, tàu biển, phương tiện vận chuyển xuất phát từ vùng, quốc gia có dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi.

- Tiêu hủy đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép vào địa bàn tỉnh.

các hộ chăn nuôi lợn ở Nghi Lộc tập trung khử trùng khu vực chuồng trại. Ảnh: Thu Hiền

Các hộ chăn nuôi lợn ở huyện Nghi Lộc tập trung khử trùng khu vực chuồng trại. Ảnh: Thu Hiền

3. Quản lý chăn nuôi, an toàn sinh học

- Tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; Xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh.

- Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất (như xút NaOH 2%, Benkocid, Iodine, Vikons…); hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.

4. Chủ động giám sát và cảnh báo dịch

Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn tại các địa phương. Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì cần lấy mẫu để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh.

-Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, vận chuyển trái phép vào địa phương; các loại lợn phát hiện bị bệnh, nghi bị bệnh tại các điểm, cơ sở giết mổ, tại các hộ, cơ sở chăn nuôi lợn hoặc trong quá trình vận chuyển; các sản phẩm thịt lợn đông lạnh, thịt lợn tươi, giăm bông, xúc xích, lạp sườn,… xuất phát từ vùng, quốc gia đang có dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tăng cường năng lực giám sát, điều tra ổ dịch và ứng phó với dịch bệnh; rà soát các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh; chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu cần thiết cho việc tổ chức giám sát, điều tra ổ dịch.

Tổ chức giám sát ở các vùng có nguy cơ cao, mật độ chăn nuôi cao…

Trực kiểm tra xe chở động vật qua Trạm kiểm dịch Nghĩa  Lâm, Nghĩa Đàn. Ảnh: TM

Trực kiểm tra xe chở động vật qua Trạm kiểm dịch xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn). Ảnh: TM

5. Truyền thông nguy cơ

- Theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, đưa tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến thú y cơ sở, người chăn nuôi và toàn dân về sự nguy hiểm của bệnh, đường lây lan bệnh và các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm, nhưng tránh hiểu lầm và gây hoang mang trong xã hội.

(Nguồn: Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn Nghệ An).

Tin mới