Nghệ An xây dựng và phát huy 'pháo đài chống dịch'

(Baonghean.vn) - Khi dịch Covid-19 trong tỉnh tạm yên thì nỗi lo lớn nhất bây giờ là dịch có thể thẩm thấu từ ngoại tỉnh. Để phòng chống dịch trong giai đoạn này, vai trò của người dân là rất quan trọng...

PGS.TS. Dương Đình Chỉnh - Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An trao đổi với Báo Nghệ An về một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Xay dung va phat huy “phao dai chong dich”-hinh-anh-1
PGS.TS Dương Đình Chỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại tâm dịch Diễn Châu. Ảnh: Thành Cường
P.V: Sau khi các ổ dịch ở miền xuôi đã được khống chế thì lại xuất hiện ổ dịch mới tại khu vực miền núi phía Tây Nghệ An, ông có thể cho biết rõ hơn về ổ dịch mới này?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Trong tháng 6 và tháng 7, Nghệ An đồng loạt xuất hiện nhiều trường hợp nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, với sự chung sức, đồng lòng, cả tỉnh đã quyết liệt triển khai các giải pháp chống dịch. Và đến thời điểm này, các ổ dịch cũ đều đã được giải quyết, khống chế tốt, đặc biệt là các ổ dịch tại thành phố Vinh, huyện Diễn Châu, Nam Đàn, Nghi Lộc...
Ổ dịch cũ vừa được dập tắt, thì những ngày gần đây, Nghệ An lại xuất hiện thêm ổ dịch mới tại các huyện Tương Dương và Kỳ Sơn với 29 người mắc. Ổ dịch mới có những sự phức tạp; để khống chế hoàn toàn cũng gặp khó khăn nhất định. Thứ nhất, nguồn lây của ổ dịch chưa thực sự xác định được rõ ràng, dẫu rằng ổ dịch xảy ra trên cộng đồng người dân tộc Khơ mú với đặc tính ít giao tiếp ra ngoài. Nguồn lây có thể xuất phát từ việc giao lưu, giao tiếp với người dân ở Lào, hoặc có thể xuất phát từ việc những người từ địa phương khác đến. Truy vết bằng công nghệ thông tin qua thuê bao điện thoại cho thấy nhiều trường hợp F0 đã từng đến khu vực dọc biên giới. Cũng cần lưu ý thêm về lịch sử của các bản nơi xuất hiện F0 đợt này vốn là bản từng có tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội hoành hành.
Xay dung va phat huy “phao dai chong dich”-hinh-anh-2
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân bản Chăm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Ảnh: Thành Cường
Thứ hai, ở khu vực miền núi phía Tây Nghệ An nói chung và khu vực 2 xã Lượng Minh (Tương Dương), xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) nói riêng, người dân sống tương đối biệt lập; địa bàn rộng, địa hình hiểm trở… Điều này khiến việc điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm gặp khó khăn. Người dân vẫn thường rời bản lên làm nương rẫy trên đồi núi cao dài ngày. Các lực lượng chống dịch đã phải trèo đèo, lội suối cả buổi trời chỉ để lấy mẫu xét nghiệm, điều tra lịch sử tiếp xúc của 2-3 người. Việc điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ dân cư ở bản bị phong tỏa là rất vất vả, kéo dài hơn so với vùng dịch ở miền xuôi.
Thứ ba, việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch ở miền núi không hề đơn giản. Nếu như ở khu vực miền xuôi, khi giãn cách, người dân vốn có điều kiện kinh tế hơn thì có thể ở nhà cầm cự lâu dài để chống dịch thì ở miền núi, giãn cách xã hội đồng nghĩa với việc người dân lâu nay vốn kiếm ăn từng bữa không có lương thực, thực phẩm để duy trì cuộc sống. Cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị phải lo vấn đề lương thực, thực phẩm cho người dân an tâm ở nhà chống dịch. Bên cạnh đó, còn có nhiều yếu tố ảnh hưởng làm hạn chế hiệu quả của biện pháp khống chế, dập dịch như ngôn ngữ, phong tục tập quán, trình độ nhận thức, đời sống kinh tế.
Xay dung va phat huy “phao dai chong dich”-hinh-anh-3
Đoàn công tác của huyện lên núi tìm người dân về xét nghiệm, khai báo y tế. Ảnh: Thành Cường
Bên cạnh khó khăn, thì công tác dập dịch ở khu vực miền núi cũng có những thuận lợi, đó là: Cộng đồng dân cư thưa; dân ở các bản ở khu trú hơn… Khi phát hiện ổ dịch tại đây thì cơ quan chức năng có thể khoanh vùng, khống chế dễ hơn so với miền xuôi. Để dập tắt ổ dịch ở xã Lượng Minh và Chiêu Lưu, tỉnh Nghệ An đã điều động một lực lượng lớn là cán bộ y tế, quân sự, công an tham gia. Các lực lượng chống dịch đã thực hiện nhiệm vụ rất tích cực, hiệu quả, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng ổ dịch ở đây sẽ sớm được khống chế, dập tắt một cách triệt để.
P.V: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, vai trò của người dân trong công tác phòng, chống là rất quan trọng. Ông có thể nói rõ hơn chiến lược phòng, chống dịch hiệu quả dựa vào nhân dân mà Nghệ An đang triển khai?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Trong những ngày tháng chống dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta đã thấy rõ vai trò quan trọng, tinh thần chống dịch của người dân Nghệ An. Người dân Nghệ An đã rất tích cực chấp hành, thực hiện các quy định phòng chống dịch, cũng như tích cực hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Mỗi khi Ủy ban MTTQ tỉnh phát động kêu gọi thì người dân trong tỉnh đã nhường cơm, sẻ áo để ủng hộ chống dịch, dẫu cho cuộc sống, điều kiện kinh tế vẫn còn khó khăn. Các vùng dịch như thành phố Vinh, xã Lượng Minh…đã nhận được nhiều sự yêu thương, hỗ trợ đó. Và ngay bây giờ, rất nhiều chuyến tàu, xe từ Nghệ An đã và đang chở lương thực, thực phẩm từ Nghệ An vào Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ địa phương này chống dịch.
Xay dung va phat huy “phao dai chong dich”-hinh-anh-4
Người dân Nghệ An ủng hộ lương thực, thực phẩm cho khu vực tâm dịch. Ảnh: Đức Anh
Vai trò hết sức quan trọng của người dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 còn thể hiện ở việc người dân phát hiện, khai báo những trường hợp nghi ngờ, người về từ vùng dịch, ngoại tỉnh. Sự phát hiện, khai báo đó đã giúp cho tỉnh nhà chủ động phòng, chống dịch và ngăn chặn sự lây lan, dập tắt cả ổ dịch.
Bây giờ, về cơ bản dịch “nội tại” ở Nghệ An đã được kiểm soát (chỉ còn một vài ổ dịch ở khu vực miền núi có thể khống chế sớm). Thì điều đáng lo nhất là dịch từ nơi khác về (đơn cử như trường hợp thai phụ làm xét nghiệm ở Thành phố Hồ Chí Minh thì âm tính, về Nghệ An mới phát bệnh). Nghệ An đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát tàu xe, sân bay, cửa khẩu song bằng cách nào đó thì người đến/về từ vùng dịch vẫn có thể lọt qua. Lúc này, cần phải phát huy hơn nữa vai trò người dân, Tổ Covid-19 cộng đồng trong việc đối phó với dịch bệnh. Họ chính là người trực tiếp chống dịch ở khu dân cư, đấu tranh với các trường hợp này.
Xay dung va phat huy “phao dai chong dich”-hinh-anh-5
Chốt phòng, chống dịch Covid-19 bản La Ngan, xã Hữu Kiệm. Ảnh: Thành Cường
Chống dịch dựa vào nhân dân, tỉnh Nghệ An rất mong muốn người dân tỉnh nhà tiếp tục ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch trong đó có chiến dịch tiêm vắc-xin sắp tới; không chủ quan lơ là với dịch; không nên bi quan, sợ sệt khiến các biện pháp chống dịch trở nên bị vô hiệu hóa; thực hiện tốt khuyến cáo 5K; tuân thủ quy định chống dịch của địa phương; tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ công cuộc phòng, chống dịch... “Mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi gia đình là một pháo đài” để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, người về từ vùng dịch, các địa phương khác đến mà không khai báo y tế.
P.V: Vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ phát động Chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 toàn quốc năm 2021 - 2022. Nghệ An đã xây dựng kế hoạch tiêm như thế nào?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Phải nói rằng tiêm vắc-xin là một chiến lược hết sức quan trọng trong việc phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay. Bây giờ, tỷ lệ tiêm vắc-xin của Nghệ An mới đạt hơn 3,3% dân số; thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tiêm trong nước và thế giới. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đã làm văn bản kiến nghị, đề xuất cho Chính phủ, Bộ Y tế sớm cung ứng nguồn vắc-xin để tiêm.
Thực hiện Chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 toàn quốc năm 2021 - 2022. Trong tuần qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và ngành Y tế đã xây dựng dự thảo kế hoạch, xin ý kiến các ban, ngành để trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, ban hành quyết định. Sau khi dự thảo được ban hành, ban chỉ đạo tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của tỉnh và các huyện, thành, thị cũng được thành lập, triển khai nhiệm vụ.
Xay dung va phat huy “phao dai chong dich”-hinh-anh-6
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho lực lượng phòng chống dịch ở thành phố Vinh. Ảnh: Thành Chung
Theo dự thảo kế hoạch, Nghệ An dự kiến triển khai 500 điểm tiêm trên địa bàn tỉnh. Ngành Y tế được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh giao trách nhiệm phụ trách về công tác chuyên môn. Khối lượng công việc là rất lớn, như bố trí nhân lực tiêm; đội cấp cứu ở các điểm tiêm; bố trí các địa điểm tiêm; công nghệ thông tin để báo cáo và nắm bắt số liệu; truyền thông như thế nào để người dân tích cực hưởng ứng đến tiêm trong thời gian ngắn vì vắc-xin có thời hạn bảo quản nhất định… Tất cả đều phải tính đến, lên kế hoạch sớm. Ngành Y tế đang cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Cần phải nói rõ, Chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 toàn quốc năm 2021 - 2022 không phải là câu chuyên riêng của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hay ngành Y tế mà là trách nhiệm chung. Trong đó, Ban chỉ đạo của các địa phương cũng phải chuẩn bị rất kỹ nhất là công tác hậu cần, truyền thông, công nghệ thông tin… Nghệ An đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 30-40% dân số; không tiêm dàn trải mà sẽ tiêm tuần tự cho các đối tượng theo Nghị quyết 21, ưu tiên tiêm cho người dân các địa bàn có nguy cơ cao.
P.V: Xin cảm ơn ông!

Tin mới