Nghệ An xóa 'lõi nghèo' vùng dân tộc thiểu số rất ít người

(Baonghean) - Với đời sống kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khắn, đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc rất ít người nói riêng lâu nay vẫn được xem là “lõi nghèo” của tỉnh. Nhằm tập trung nguồn lực hỗ trợ, đồng hành cùng bà con vươn lên ổn định cuộc sống, nhiều giải pháp cấp bách đã được triển khai thực hiện với mục tiêu nâng cao hiệu quả các chính sách dân tộc, miền núi trong thời gian tới.

Nhận diện khó khăn

Ở Nghệ An, tộc người Đan Lai và dân tộc Ơ Đu nằm trong vùng dân tộc rất ít người. Thời gian qua, với sự quan tâm cùng nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực của Đảng và Nhà nước, đời sống đồng bào Đan Lai và Ơ Đu đã có những đổi thay đáng ghi nhận. Song, do nhiều nguyên nhân, để vực dậy đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người này còn nhiều khó khăn.

Hộ ông La Văn Đoàn, đồng bào dân tộc Đan Lai ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông trồng thành công cây cam giữa đại ngàn Pù Mát. Ảnh: Thanh Quỳnh
Hộ ông La Văn Đoàn, đồng bào dân tộc Đan Lai ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông trồng thành công cây cam giữa đại ngàn Pù Mát. Ảnh: Thanh Quỳnh

Tộc người Đan Lai - tộc người "ngủ ngồi" duy nhất của Việt Nam chỉ cư trú tại Nghệ An, hiện sinh sống chủ yếu trên địa bàn huyện Con Cuông (với 3.528 nhân khẩu) và huyện Tương Dương (với 818 nhân khẩu). Bởi địa bàn sinh sống tập trung ở đầu nguồn các con khe trong Vườn Quốc gia Pù Mát với tập quán săn bắn, hái lượm nên cuộc sống của người dân Đan Lai luôn bị tình trạng đói nghèo, lạc hậu và suy thoái nòi giống bủa vây.

Trước tình hình đó, ngày 16/12/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 280/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An”.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, việc thực hiện đề án vẫn còn nhiều dang dở. Bà con Đan Lai vẫn chưa thể hòa nhập với cuộc sống mới, đời sống chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Lý do là bởi các khu tái định cư còn thiếu nguồn nước để sinh hoạt và sản xuất, đất sản xuất được cấp vừa thiếu, vừa khó canh tác, trong khi trước đó, bà con đã quen với việc khai thác các lâm sản phụ trong diện tích rừng rộng lớn nên rất khó đảm bảo đời sống sản xuất sau khi tái định cư. Cùng với đó, việc thay đổi về không gian sinh sống, văn hóa cộng đồng khiến cho bà con chưa thể hòa nhập với cuộc sống mới.

Một buổi sinh hoạt chi bộ ở bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông. Ảnh: Thanh Quỳnh
Một buổi sinh hoạt chi bộ ở bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông. Ảnh: Thanh Quỳnh

Thừa nhận những điểm bất cập trong việc thực hiện đề án trên, đại diện Ban Dân tộc tỉnh nêu rõ sự thiếu nhịp nhàng trong chính sách di dân, tái định cư, phát triển kinh tế với bảo tồn văn hóa, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Cụ thể ở đây là sự mâu thuẫn giữa việc quá chú trọng tới việc bảo tồn Vườn Quốc gia mà chưa chú ý đúng mức đến cuộc sống và sinh kế của chủ thể người dân. Đồng thời, cần phải nhận diện thẳng thắn mâu thuẫn giữa việc đầu tư quá nhiều vào các giải pháp hỗ trợ kinh tế nhằm xóa đói, giảm nghèo mà không quan tâm tới nền tảng văn hóa, tập quán sản xuất và các mối quan hệ cộng đồng.

Những khó khăn tương tự cũng diễn ra với dân tộc thiểu số rất ít người thứ 2 của tỉnh - dân tộc Ơ Đu. Hiện tại, dân tộc Ơ Đu cư trú tập trung tại địa bàn vùng núi cao của huyện Tương Dương với 179 hộ, 856 nhân khẩu. Trong đó, có hơn 445 nhân khẩu sinh sống tại Văng Môn (Nga My), số còn lại sống xen kẽ với các dân tộc Thái, Khơ mú tại 4 xã Tam Đình, Thạch Giám, Xá Lượng, Lượng Minh.

Người dân Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My (Tương Dương). Ảnh tư liệu: Đình Tuân
Người dân Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My (Tương Dương). Ảnh tư liệu: Đình Tuân

Trước đây, bà con sống chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy hoặc du canh nhưng hiện tại diện tích sản xuất lâm nghiệp đã bị khai thác cạn kiệt nên hầu như rất khó để tạo kế sinh nhai. Vì vậy, thu nhập bình quân đầu người gần như “chạm đáy” khi chỉ đạt 4,8 triệu đồng/năm, bình quân lương thực chỉ đạt 150 kg/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo lên tới trên 57%.

Dồn lực nâng chất lượng đời sống đồng bào

Nhận diện những khó khăn mà 2 dân tộc rất ít người ở Nghệ An đang gặp phải, tại Hội thảo “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc rất ít người, thực trạng và giải pháp” diễn ra vào ngày 24/6 vừa qua tại huyện Con Cuông, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đã nêu những giải pháp và gợi mở thiết thực, nhằm giúp cho đồng bào các dân tộc rất ít người ổn định cuộc sống.

Cụ thể, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, Nghệ An sẽ tiếp tục tập trung các nguồn lực, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bền vững để hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc rất ít người nói riêng trong thời gian tới. Trong đó, sẽ đẩy mạnh việc thực hiện Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 3829/QĐ-TTg ngày 22/8/2017 của UBND tỉnh Nghệ An về “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ đu giai đoạn 2016-2025” và Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025”. Đây là 2 đề án “then chốt” để tạo động lực phát triển cho đồng bào người Ơ Đu và Đan Lai trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh Hội thảo “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc rất ít người, thực trạng và giải pháp” tại Con Cuông, ngày 24/6/2019. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh
Quang cảnh Hội thảo “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc rất ít người, thực trạng và giải pháp” tại Con Cuông, ngày 24/6/2019. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

Cũng tại hội thảo, với mục tiêu tích cực tìm hướng đi cho cộng đồng người Đan Lai, ông Lương Thanh Hải - Trưởng ban Dân tộc tỉnh đã trình kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cho chủ trương điều chỉnh, bổ sung phạm vi, địa điểm thực hiện đề án hỗ trợ người dân Đan Lai để đồng hành với huyện Con Cuông xây dựng khu du lịch cộng đồng tại vùng sinh sống của 186 hộ trên thượng nguồn Khe Khặng. Từ đó sẽ giúp bà con vừa bảo tồn được bản sắc văn hóa, vừa tạo sinh kế để duy trì ổn định cuộc sống. Còn đối với những hộ dân đã tách khỏi đất của Vườn Quốc gia Pù Mát, cần quy hoạch để bố trí đủ đất ở, đất sản xuất và những công trình hạ tầng căn bản để cung cấp nước sinh hoạt, điện lưới cho bà con ổn định cuộc sống.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân tỉnh Nghệ An trong việc đồng lòng thực hiện các chính sách, công tác dân tộc trong thời gian qua. Thông qua hội thảo, đồng chí Tòng Thị Phóng đã thống nhất và đưa ra nhiều  giải pháp cấp bách với 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, điều cần thực hiện ngay là việc lo đất ở, nhà ở cho số đồng bào các dân tộc rất ít người gắn với việc xây dựng, hoàn thiện hạ tầng từ thôn, bản, bổ sung quy hoạch theo định hướng tiêu chí nông thôn mới. Cùng với đó là sự quan tâm đến việc phát triển sản xuất, tạo kế sinh nhai thì phải có đất sản xuất gắn với đầu tư giữ nguồn nước, nguồn sinh thủy, đặc biệt trước mắt cần có nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thăm Trường PTDTNT - THCS Con Cuông. Ảnh: Thanh Quỳnh
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thăm Trường PTDTNT - THCS Con Cuông. Ảnh: Thanh Quỳnh

Thời gian tới cần có chính sách rất đặc biệt về vốn đầu tư, vốn vay, từng bước giúp đồng bào tiếp cận hướng sản xuất hàng hóa và quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc rất ít người, giúp họ hòa nhập với cuộc sống mới. 

Đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội

Để đạt được những mục tiêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhất trí với đề nghị của các đồng chí chủ trì hội thảo là trình Quốc hội tại kỳ họp 8, Quốc hội XIV ban hành nghị quyết về chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, trong đó có đồng bào dân tộc rất ít người. Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các lực lượng vũ trang trên các địa bàn có đồng bào dân tộc rất ít người sinh sống.

Đồng chí Tòng Thị Phóng đề nghị tỉnh Nghệ An tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước với trách nhiệm cao nhất, giúp nâng cao vị thế của các dân tộc rất ít người để họ không còn là “lõi nghèo” của tỉnh. Từ đó, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bản người Đan Lai ở xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh tư liệu: Tiến Hùng
Bản người Đan Lai ở xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh tư liệu: Tiến Hùng
Việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc rất ít người tại Nghệ An trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đời sống của đồng bào ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3 - 4% mỗi năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 29,09 triệu đồng/năm. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, trên 90% hộ dân đã sử dụng điện lưới Quốc gia, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm. 

Tin mới