Nghệ An: Xóm có 28 xe tải và 400 lao động trồng và khai thác keo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Làng Cầu, xã Lăng Thành (Yên Thành) trước đây được biết đến là một xóm khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo nhiều nhất xã. Nhưng từ năm 2000 trở lại nay, nhờ trồng keo và làm nghề khai thác keo, người dân làng Cầu dần vươn lên khá giả.
Những đồi keo bạt ngàn ở làng Cầu, xã Lăng Thành. Ảnh: Thanh Phúc

Những đồi keo bạt ngàn ở làng Cầu, xã Lăng Thành. Ảnh: Thanh Phúc

“Nay trời mưa, chị đến xóm còn gặp chúng tôi ở nhà chứ vào ngày nắng, trong làng chỉ có người già và trẻ nhỏ. Người đang độ tuổi lao động, đang có sức khoẻ thì đi làm keo hết”, ông Trần Văn Khương, người dân làng Cầu cho biết.

Ngoài đất đồi, đất rừng bản địa thì người dân làng Cầu còn mua đất rừng ở các xã lân cận như Kim Thành, Tiến Thành và cả ở huyện Tân Kỳ để trồng keo. Có những hộ, diện tích keo lên đến hàng chục ha, quay vòng 5 năm thu hoạch 1 lứa, bán cả nghìn tấn keo mang lại thu nhập tiền tỷ như hộ ông Trần Văn Khương, Trần Nguyên Sơn, Đào Chính Thái, Đào Chính Bình…

Cả làng có 28 xe tải chuyên chở keo. Ảnh: Thanh Phúc

Cả làng có 28 xe tải chuyên chở keo. Ảnh: Thanh Phúc

Đặc biệt, hiện ở làng Cầu có 28 xe tải, 28 tổ khai thác keo với 300 lao động và 10 tổ chuyên trồng và làm cỏ keo với gần 100 lao động. Nghề trồng keo, khai thác keo công việc quanh năm, suốt tháng, chỉ những ngày mưa bão mới nghỉ ở nhà. Từ 5h sáng, các tổ làm keo đã kéo nhau đi, nếu trồng hay khai thác ở các đồi trong xã hoặc các xã bên thì sáng đi, tối về. Còn nếu đi làm các huyện xa, có khi dăm bữa, có khi cả nửa tháng mới về.

28 tổ khai thác keo tạo việc làm cho 300 lao động địa phương với mức thu nhập từ 300.000-500.000 đồng/ngày/lao động. Ảnh: Thanh Phúc

28 tổ khai thác keo tạo việc làm cho 300 lao động địa phương với mức thu nhập từ 300.000-500.000 đồng/ngày/lao động. Ảnh: Thanh Phúc

Nghề khai thác keo trở thành nghề chính, mang lại thu nhập khá cho người dân làng Cầu. Trung bình mỗi ngày công, một lao động làm nghề khai thác keo được trả 350.000 - 500.000 đồng tiền công. Nếu chăm chỉ, chuyên cần, làm đủ ngày công thì mỗi tháng cũng mang lại thu nhập 10-15 triệu đồng/lao động.

“Cả xóm có 230 hộ trồng keo với diện tích gần 3.000ha. Không chỉ trồng keo, trong xóm còn có khoảng 30 hộ chuyên thu mua keo; hàng chục hộ chuyên cung ứng giống keo cho người dân trồng keo trong tỉnh. Những năm 2000 trở về trước, đất rừng ở làng Cầu chủ yếu trồng sắn, trồng dứa và cây dại như sim, mua mọc dày nên người dân đói nghèo thì từ năm 2000 trở lại nay, cây keo và nghề keo đã giúp người dân làng Cầu “đổi đời”.

Trồng keo, khai thác keo trở thành nghề chính của người dân làng Cầu. Ảnh: Thanh Phúc
Trồng keo, khai thác keo trở thành nghề chính của người dân làng Cầu. Ảnh: Thanh Phúc

Làng Cầu từ một xóm khó khăn đã vươn lên khá giả, với mức thu nhập đầu người đạt 60 triệu đồng/năm, cả xã chỉ còn 6 hộ nghèo”, ông Trần Văn Thọ - xóm trưởng làng Cầu cho biết./.

Tin mới