Nghệ An: Yêu cầu các địa phương, ban, ngành nhuần nhuyễn hơn trong phòng, chống Covid-19

(Baonghean) - Để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, tỉnh Nghệ An yêu cầu ban chỉ đạo ở địa phương phải thật sự chủ động, nhuần nhuyễn các phương án, kế hoạch đã đề ra. Người dân cần phải nâng cao ý thức bảo vệ chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

Còn những lúng túng

Trong cuộc họp khẩn ngày 8/3 về tăng cường công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa được ngành Y tế tổ chức, PGS. TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế đã nêu lên một số vấn đề mà theo ông là Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 các địa phương làm chưa tốt.

PGS.TS Dương Đình Chỉnh cho hay: “Nhiều lãnh đạo các địa phương đã đích thân trực tiếp gọi điện cho Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An để hỏi, nhờ tư vấn về những vấn đề rất cơ bản trong công tác phòng, chống dịch ở địa phương mình. Ví dụ, các lao động về Việt Nam từ các nước như Italy, Iran, Hàn Quốc, Vũ Hán (Trung Quốc) đã thực hiện xong việc cách ly 14 ngày rồi nay về quê có phải tiếp tục cách ly nữa không? Hay người từ nước ngoài trở lại địa phương thì cách ly như thế nào? Trường hợp nào là được cách ly tại nhà, trường hợp nào phải cách ly tại cơ sở y tế?...

Sự lúng túng của địa phương cho thấy vai trò tham mưu của các đơn vị y tế tuyến huyện, tuyến xã với tư cách là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là chưa tốt. Trong khi đó, những vấn đề nói trên đã được ngành Y tế tập huấn, quán triệt rất kỹ”.

a
"Nhiều lãnh đạo các địa phương đã đích thân trực tiếp gọi điện cho Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An để hỏi, nhờ tư vấn về những vấn đề rất cơ bản trong công tác phòng, chống dịch ở địa phương mình" - PGS. TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế cho biết. Ảnh: Thành Chung

Tại cuộc họp, PGS.TS Dương Đình Chỉnh yêu cầu một lãnh đạo trung tâm y tế một huyện báo cáo về số lượng người lao động của địa phương đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, số lượng người địa phương về từ 4 nước Italy, Iran, Hàn Quốc, Vũ Hán (Trung Quốc) được cách ly sau khi xuống sân bay, số lượng người đang được cách ly tại địa phương. Lãnh đạo trung tâm y tế huyện này trả lời là chỉ có thể nắm được số lượng người lao động nước ngoài trở về hiện đang cách ly tại địa phương, còn tổng số người đi xuất khẩu lao động và người đang được cách ly tại địa phương khác thì không nắm rõ (?!).

Cũng trong cuộc họp, một số lãnh đạo y tế tuyến huyện đã đặt ra các câu hỏi liên quan đến công tác cách ly, giám sát bệnh nhân; công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị phòng dịch... Nhiều câu hỏi trực tiếp đi vào vấn đề tình huống cụ thể như: “Người lao động đã được cách ly ở Thái Lan rồi nay về có phải cách ly nữa không? Con em quê Nghệ An ở Hà Nội nay về quê thì xử lý như thế nào? Có người từ nước ngoài về chuẩn bị tổ chức đám cưới thì tổ chức ứng xử ra sao?

Làm thế nào để biết được người đó khai báo y tế đúng và không đúng? Cán bộ y tế có cần phải liên tục “cùng ăn, cùng ở” với đối tượng trong suốt quá trình 14 ngày cách ly khi mà sức khỏe họ bình thường hay không? Làm sao ngăn chặn người cách ly bỏ trốn? Những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men giải quyết như thế nào? Chế độ, chính sách cho cán bộ phòng dịch?”.

a
Cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là cuộc chiến của toàn xã hội, không phải riêng của ngành Y tế hay các cơ quan chức năng. Ảnh tư liệu Đức Anh

Đại diện Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An đã lần lượt giải đáp các câu hỏi liên của các trung tâm y tế tuyến huyện.

Đại diện Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An nêu rõ tinh thần: Cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là cuộc chiến của toàn xã hội, không phải riêng của ngành Y tế hay các cơ quan chức năng. Tất cả mọi lực lượng, toàn bộ người dân cần tích cực vào cuộc và hợp tác. Về công tác phòng, chống dịch bệnh, không được bỏ sót, bỏ lọt bất cứ một trường hợp cần cách ly, giám sát; không đưa người khỏe vào bệnh viện và ngược lại không để người yếu cách ly tại gia đình; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao ý thức cho người dân, không chủ quan và cũng không hoang mang quá.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men phòng, chống dịch, Sở Y tế Nghệ An cho biết: Ngành Y tế Nghệ An đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện vật chất để phòng, chống dịch trong giai đoạn này. Ở mỗi bệnh viện, trung tâm y tế đã chuẩn bị một cơ số thuốc, máy móc, thiết bị cần thiết. Trong điều kiện có ca bệnh, ngành Y tế sẽ chủ động điều tiết từ nơi này sang nơi khác với phương châm ưu tiên nơi tiếp nhận đông người.

Thiết lập khu cách ly ở diễn châu.
Thiết lập khu cách ly ở huyện Diễn Châu. Ảnh tư liệu Đức Anh

Nghệ An đang nâng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 lên 1 cấp, song không vì thế mà chúng ta “cường điệu hóa” về vấn đề máy móc, thiết bị, thuốc men... Sở Y tế yêu cầu các trung tâm y tế phải chủ động tham mưu cho huyện, thị bố trí các địa điểm cách ly phù hợp, đảm bảo cách biệt xa khu dân cư, có đủ lực lượng phục vụ. Các địa điểm lý tưởng là trạm y tế ít sử dụng, phòng khám đa khoa khu vực không sử dụng. Các trung tâm y tế cần tiếp tục tập huấn nghiệp vụ cho các nhân viên y tế ở trạm y tế; sẵn sàng tiếp nhận ca bệnh đầu tiên, phát hiện sớm và xử lý đúng..., chuẩn bị các phương án phòng, chống dịch dài lâu hơn nữa.

Nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch

Tại cuộc họp, Sở Y tế Nghệ An đã biểu dương, hoan nghênh tinh thần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu khi đã chủ động triển khai các kế hoạch, phương án, bố trí đầy đủ về cơ sở vật chất, địa điểm cách ly; tham mưu tốt cho Ban Chỉ đạo huyện bố trí, sử dụng ngân sách mua sắm hóa chất, trang thiết bị phòng, chống dịch.

Thời điểm này, ngoài khu cách ly ở huyện, mỗi trạm y tế xã ở huyện Diễn Châu đều thiết lập 2 phòng sẵn sàng đón người cách ly; hoan nghênh tinh thần của huyện Kỳ Sơn khi chủ động dành riêng Trạm Y tế Chiêu Lưu làm khu vực cách ly; thị xã Cửa Lò đã chỉ đạo các nhà xe du lịch, vận chuyển hành khách thực hiện khai báo tên tuổi, lộ trình, địa chỉ, số điện thoại cũng như phát khẩu trang cho hành khách và thực hiện vệ sinh phòng dịch ở xa...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị y tế phải nhuần nhuyễn các phương án chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị y tế phải nhuần nhuyễn các phương án chống dịch. 

Dự và chỉ đạo cuộc họp khẩn của ngành Y tế, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo: Ngành Y tế đóng vai trò tham mưu số 1 trong cuộc phòng, chống dịch hiện nay, vậy nên, đề nghị các đơn vị phải thật sự nhuần nhuyễn nắm bắt các văn bản, kế hoạch chỉ đạo của Trung ương, bộ, tỉnh và Sở Y tế, các phương án và kịch bản phòng, chống dịch của tỉnh đã ban hành.

Trong tình huống chưa có người nhiễm Covid-19 xuất hiện này, ngành Y tế cần tiếp tục tham mưu cho Ban chỉ đạo địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động mọi người không tụ tập đông người, thực hiện tốt việc khai báo y tế, tố giác người về không khai báo hoặc không tuân thủ quy định cách ly; thực hiện tốt việc tẩy uế, khử trùng.

Các đơn vị y tế thực hiện hướng dẫn đúng cho người dân trong việc cách ly tại nhà. Ngành Y tế chuẩn bị sẵn sàng tâm thế cách ly điều trị người bệnh với phương châm: điều trị, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, thuốc men tại chỗ; chuẩn bị đầy đủ quy trình, phác đồ và cả phương án bảo vệ cán bộ y tế; tăng cường giám sát hướng dẫn các đơn vị y tế...

Phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 vào chiều 9/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ: Chúng ta cần nhìn nhận trạng thái mới của dịch bệnh Covid-19 ở nước ta một cách bình tĩnh. Việt Nam đủ năng lực, đủ nguồn lực và tinh thần, kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh. Chính phủ sẽ không bị động, bất ngờ trên mặt trận bảo vệ sức khỏe của nhân dân, tuy nhiên, người dân không chỉ nâng cao kiến thức y tế mà cần phải nâng cao ý thức bảo vệ chính bản thân gia đình, bảo vệ cộng đồng.

Tin mới