Nghệ An yêu cầu các sở, ngành, đơn vị khẩn trương giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính quá hạn

(Baonghean.vn) - Các sở, ngành, đơn vị chưa có văn bản trả lời đối với 36 hồ sơ thủ tục hành chính quá hạn khẩn trương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để có Văn bản trả lời trước ngày 14/4/2022 để giải quyết thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư theo đúng quy định.
Đó là một trong những nội dung mà Văn phòng UBND tỉnh vừa đề xuất trong Báo cáo tình hình thực hiện thủ tục hành chính cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh (tính từ ngày 15/02/2022 đến ngày 14/3/2022).

Theo báo cáo, kết quả tiếp nhận và xử lý hồ sơ của các sở, ngành liên quan trong thời gian qua:

-  Tổng số hồ sơ mới tiếp nhận: 213 hồ sơ, trong đó:

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư: 55 hồ sơ (chủ trương đầu tư: 49 hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: 6 hồ sơ);

+ Sở Xây dựng: 53 hồ sơ (Thẩm định quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500: 15 hồ sơ; thẩm định thiết kế cơ sở: 38 hồ sơ);

+ Sở Tài nguyên và Môi trường: 25 hồ sơ (Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, xác định giá đất: 19 hồ sơ; Đánh giá tác động môi trường/Kế hoạch bảo vệ môi trường: 6 hồ sơ);

+ Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam: 37 hồ sơ;

+ Cảnh sát PCCC: 43 hồ sơ.

-Tổng số hồ sơ đã có kết quả: 134 hồ sơ, trong đó: Số hồ sơ trả kết quả đúng hạn là 134 hồ sơ, số hồ sơ trễ hạn là 0 hồ sơ:

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư: 18 hồ sơ;

+ Sở Xây dựng: 44 hồ sơ;

+ Sở Tài nguyên và Môi trường: 25 hồ sơ;

+ Ban quản lý KKT Đông Nam: 23 hồ sơ;

+ Cảnh sát PCCC: 24 hồ sơ.

- Tổng số hồ sơ đang xử lý: 79 hồ sơ.

-  Tổng số hồ sơ tồn đọng của các kỳ báo cáo trước cộng dồn lại: Tính đến ngày 15/02/2022, có 36 hồ sơ tồn đọng. Trong đó, trách nhiệm cụ thể như sau:

-  Trách nhiệm của nhà đầu tư: 15 hồ sơ (trong quá trình thẩm định các sở, ngành yêu cầu bổ sung điều chỉnh nhưng nhà đầu tư chưa bổ sung theo yêu cầu và bổ sung theo NĐ31).

-Các huyện, thành, thị: 21 hồ sơ, trong đó: Quỳnh Lưu (6 hồ sơ), Nam Đàn (5 hồ sơ), Quỳ Hợp (3 hồ sơ), TP. Vinh (2 hồ sơ), Đô Lương (1 hồ sơ), Hưng Nguyên (1 hồ sơ), Quế Phong (1 hồ sơ), Tân Kỳ (1 hồ sơ), Tương Dương (1 hồ sơ).

Về ưu điểm: Việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư đã được thực hiện tập trung tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Việc hướng dẫn hồ sơ của các sở, ngành tại Trung tâm bảo đảm đúng quy định về thủ tục và yêu cầu cơ bản về nội dung, thực hiện đúng nguyên tắc mỗi hồ sơ chỉ hướng dẫn 01 lần. Trong tháng, 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn.

Việc theo dõi và đôn đốc quá trình xử lý hồ sơ đối với các sở chủ trì được thực hiện thường xuyên và kịp thời. Do vậy, đã tăng cường trách nhiệm của các sở chủ trì trong việc chỉ đạo xử lý hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức.

Các cán bộ, công chức, viên chức chấp hành tốt quy chế làm việc của Trung tâm và kỷ cương, kỷ luật hành chính; có phương pháp giao tiếp, ứng xử đúng mực, xác định rõ vai trò đồng hành cùng nhà đầu tư trong giải quyết thủ tục hành chính, không có tình trạng gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu đối với nhà đầu tư.

Phần lớn các sở, ngành (nhất là các sở chủ trì) đã nghiêm túc, tích cực và trách nhiệm cao trong việc chỉ đạo và phân công xử lý hồ sơ đầu tư; chủ động tham mưu ƯBND tỉnh, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết vướng măc, khó khăn liên quan về áp dụng pháp luật vào giải quyết thủ tục đầu tư. Nhiều hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết và xử lý dứt điểm.

Về tồn tại hạn chế: Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong giải quyết thủ tục hành chính liên thông cho các nhà đầu tư còn chưa nghiêm túc, chưa đúng quy định dẫn đến hồ sơ tồn đọng trong giải quyết thủ tục hành chính còn nhiều và kéo dài thời gian; mặt khác, một số doanh nghiệp, nhà đầu tư còn thiếu chủ động, phối hợp với cơ quan liên quan trong việc bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến hồ sơ tồn đọng nhiều (có 15/36 hồ sơ tồn đọng do lỗi của nhà đầu tư). Bên cạnh đó, một số đơn vị cấp huyện chưa thực sự làm đúng trách nhiệm phối hợp, chậm trả lời đối với các nội dung liên quan dẫn đến thiếu cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hồ sơ cho nhà đầu tư, các đơn vị có nhiều hồ sơ chưa trả lời gồm UBND các huyện: Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Quỳ Hợp...

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:  Đề nghị các sở, ngành, đơn vị chưa có văn bản trả lời đối với 36 hồ sơ thủ tục hành chính quá hạn thuộc các lĩnh vực: chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Khẩn trương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để có Văn bản trả lời trước ngày 14/4/2022 để giải quyết thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư theo đúng quy định.
Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục tham mưu UBND tỉnh các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng tập trung tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng, đẩy mạnh CCHC; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp;

Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trọng tâm là triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An;

Thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, thay đổi cách thức quản trị hành chính từ truyền thống sang hiện đại, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyên số. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ dịch vụ công của các cơ quan đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn;

-Các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát các quy chế nội bộ, quy trình thực hiện thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp phép... tại cơ quan, đơn vị đảm bảo đúng thời gian theo quy định của pháp luật;

Một góc Khu công nghiệp VSIP Nghệ An hôm nay. Ảnh tư liệu
Một góc Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh minh họa

- Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát đối với việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức; rà soát thực hiện việc định kỳ chuyển đổi cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại một số vị trí liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân theo đúng quy định;

- Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công; bộ phận một cửa các cấp và tại các phòng, ban, đơn vị thường xuyên tiếp xúc, giải quyết hồ sơ, thủ tục cho nhà đầu tư. Ưu tiên bố trí cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm, kỹ năng giao tiếp tốt;

-  Tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên cổng Dịch vụ công Quốc gia, cổng Dịch vụ công của tỉnh và tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian cho tổ chức, cá nhân, đồng thời đảm bảo sự công bằng, minh bạch;

-  Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng lộ trình các nội dung theo Kế hoạch triển khai Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện gắn kết việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với quá trình tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã theo hướng dẫn tại Công văn số 95 8/UBND-KSTT ngày 17/02/2022 của UBND tỉnh về việc hướng dẫn số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.

Tin mới