Nghề đan ở bản Diềm

(Baonghean) - Nghề đan lát ở bản Diềm, xã Châu Khê (Con Cuông) từng đứng trước nguy cơ mai một. Tuy nhiên, hiện nay nghề truyền thống ấy đang dần hồi sinh, góp phần giúp bà con bản Diềm xóa đói, giảm nghèo. 

Từ thị tứ khe Choăng (xã Châu Khê), men theo con đường quanh co bên dòng khe Choăng, qua bản Châu Sơn, Châu Định, bản Bủng, bản Xát, chúng tôi đến với bản Diềm bình yên và tĩnh lặng. Những ngôi nhà sàn trầm mặc dưới tán cây cổ thụ, những cụ già ngồi trước hiên bỏm bẻm nhai trầu và dạy các cháu nhỏ hát khúc đồng dao, câu lăm, điệu xuối là vốn quý được tổ tiên trao truyền từ bao đời. Đầu bản, có một ngôi nhà lợp bằng lá cọ, vách phên nứa, hàng ngày rộn rã tiếng nói cười. Ấy chính là “công xưởng” của tổ mây - tre đan bản Diềm, nơi tập hợp những người con của bản có chung niềm yêu thích nghề đan lát truyền thống. 

Các thành viên Tổ Mây - tre đan bản Diềm, xã Châu Khê (Con Cuông) miệt mài với công việc. Ảnh: Công Kiên
Các thành viên Tổ Mây - tre đan bản Diềm, xã Châu Khê (Con Cuông) miệt mài với công việc đan lát. Ảnh: Công Kiên

Chúng tôi bước vào “xưởng” lúc mọi người đang miệt mài với những con dao, sợi nan và các sản phẩm đang dần được hoàn thiện. Các loại rổ rá, ép xôi, oi đựng cá, mâm mây, ép xôi và các loại vật dụng gia đình đã được gia công hoàn chỉnh được đặt trên giá và treo lên vách như để trưng bày. Chiêm ngưỡng những sản phẩm ấy, cảm nhận được những gửi gắm niềm đam mê, tâm huyết và tình cảm qua từng chiếc nan và họa tiết. Khó ngờ, dưới những đôi bàn tay thô ráp ấy, những sản phẩm giản dị mà tinh tế lại cất lên tiếng nói khẳng định giá trị, trở thành những vật dụng hữu ích mang giá trị thẩm mỹ cao. 

Vừa tranh thủ hoàn thiện chiếc mâm mây, chị Lang Thị Hoa - Tổ trưởng Tổ mây - tre đan bản Diềm vừa chuyện trò: “Ngày xưa, ở bản Diềm nghề đan lát rất phát triển, già, trẻ, gái trai hầu như ai cũng biết đan. Sống giữa núi rừng, nguyên liệu đan rất sẵn, từ cây luồng, cây giang đến sợi mây chỉ cần bước ra sau núi. Các vật dụng trong nhà chủ yếu do mọi người tự đan lát, vừa tiết kiệm được chi phí, vừa an toàn khi sử dụng”. Nhưng rồi, không ngờ có lúc vốn rừng cạn kiệt, cây giang, sợi mây phải vào tận rừng sâu, đi mất cả ngày trời mới lấy được một ít, nguyên liệu đan bị thiếu trầm trọng. Đúng lúc ấy, các mặt hàng đồ nhựa, đồ sắt tràn về bản, người ta chở đến tận ngõ, lên đến tận nhà để bán, giá rẻ, lại tiện lợi, không mất thời gian cặm cụi ngồi đan nên bà con chuyển sang dùng cái rổ, cái rá, chiếc mâm, cái ghế bằng nhựa và bằng sắt. Từ đó, nghề đan lát trở nên khó khăn vì vừa thiếu nguyên liệu, vừa không còn nơi tiêu thụ, các nghệ nhân buồn nản, người già về với tổ tiên mang theo cả nỗi niềm đau đáu về nguy cơ nghề truyền thống bị mai một, thất truyền. 

Nhà nước thực hiện chủ trương khoanh nuôi, bảo vệ rừng, giao đất, giao rừng cho từng hộ gia đình khoanh nuôi, quản lý, những cánh rừng nằm dọc khe Choăng dần được hồi sinh. Dưới những tán cây gỗ lớn, các loại tre, luồng, nứa, giang, mây phủ kín cả những khoảnh rừng, góp phần làm nên màu xanh - sắc màu của sự sống nơi vùng biên xa xôi. Rồi, qua một thời gian sử dụng các loại vật dụng gia đình được làm từ nhựa và sắt, người bản nhận thấy ít nhiều tiện lợi nhưng khó kiểm chứng được độ an toàn. Những thứ người bản tự tay đan lấy, được chế tác từ những thứ nguyên liệu gần gũi, thân thiện với môi trường mới thực sự tin tưởng. Đó chính là nguyên cớ, động lực cho nghề đan lát truyền thống được hồi sinh và phát triển, giúp bà con tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào, tranh thủ thời gian rảnh rỗi để kiếm thêm nguồn thu nhập. 

Nhưng cái khó ở đây là sau một quãng thời gian khá dài nghề đan bị rơi vào quên lãng, các bậc nghệ nhân đã về với cõi “Mường Then” mà chưa kịp truyền nghề, bỏ lại một khoảng trống. Những người đi sau chưa kịp lành nghề đã phải bỏ dở, nay không khỏi lúng túng khi xâu từng sợi nan, ghép từng đường viền. Đan để phục vụ nhu cầu gia đình thì dễ, nhưng để bán ra thị trường đòi hỏi sản phẩm vừa bền, vừa đẹp, có như vậy mới thu hút được nhu cầu của khách khắp miền ngược, miền xuôi. 

Thuở nhỏ, chị Lang Thị Hoa thường ngồi trước hiên xem người lớn vót nan và đan lát, niềm say mê nghề đan được hình thành và ấp ủ từ đó. Với niềm mong muốn và quyết tâm khôi phục nghề truyền thống, năm 2013 chị đứng ra thành lập Tổ mây - tre đan bản Diềm, tập hợp những người có tay nghề và chung niềm đam mê. Ban đầu, mới chỉ 5 - 7 người tham gia, về sau số lượng tăng dần và đến nay đã lên tới 22 thành viên. 

Sản phẩm của Tổ Mây - tre đan bản Diềm, xã Châu Khê (Con Cuông). Ảnh: Công Kiên
Các sản phẩm đan lát của Tổ Mây - tre đan bản Diềm, xã Châu Khê (Con Cuông) ngày càng được cải tiến về mẫu mã. Ảnh: Công Kiên

Có những thời điểm, chị Hoa đã bỏ cả việc nhà để đi khắp nơi xin mở lớp tập huấn kỹ thuật đan lát cho các thành viên trong tổ và thăm dò, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nơi nào tổ chức hội chợ hàng thủ công nghiệp, chị đều gồng gánh tìm đến để trưng bày các mặt hàng của tổ mình với hy vọng đáp ứng được thị hiếu của khách hàng. Chị đã từng có mặt tại Vinh, Hà Nội và Đà Nẵng để giới thiệu sản phẩm của tổ mình. Tham gia hội chợ cũng là dịp để chị nắm bắt nhu cầu, học hỏi kinh nghiệm để về trao đổi, hướng dẫn các thành viên ở bản. Chị còn bỏ công lên tận các bản làng ở các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn tìm gặp các nghệ nhân đan lát để học hỏi thêm kỹ thuật, kinh nghiệm.

Để sản phẩm ngày một hoàn thiện hơn, chị khuyến khích các thành viên trong tổ phát huy khả năng sáng tạo, mỗi người đề xuất một sáng kiến, hướng tới việc cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng. Các thành viên sôi nổi đề xuất ý tưởng của mình, trong đó nổi bật là ý tưởng của nghệ nhân Vi Thị Nội và Lương Văn Long. 

Bà Vi Thị Nội hồi còn trẻ là người dệt váy, áo đẹp nhất bản, thậm chí nhất cả vùng Châu Khê này. Cô gái bản Diềm năm xưa học được từ mẹ cách phối màu và thêu hoa văn, họa tiết trên váy một cách hài hòa và tinh tế, được mọi người xung quanh ưa dùng. Nay tuổi đã già, bà Nội tham gia tổ đan lát với mong muốn góp phần khôi phục nghề truyền thống, để con cháu đời sau thêm lối tìm về nguồn cội văn hóa.

Bà nhận thấy, lâu nay các mặt hàng đều được đan lát thông thường, chủ yếu hướng tới giá trị sử dụng nên khó khăn trong tiếp cận thị trường, vì trên thị trường không hiếm. Việc cải tiến mẫu mã, tăng cường tính thẩm mỹ, thổi “hồn” vào sản phẩm mới mong có được một chỗ đứng, tìm được đầu ra để duy trì và phát triển nghề đan lát. Một ý tưởng lóe lên trong đầu, tại sao không đưa hoa văn, họa tiết của các mặt hàng thổ cẩm sang đan lát? Nghĩ là làm ngay, bà Nội vào rừng lấy các loại cây thuốc về giã và nấu lên, nhuộm nan thành các màu sắc khác nhau để làm thành họa tiết nhiều màu sắc, rồi phối màu lên bề mặt sản phẩm. Những chiếc mâm, rổ rá và các vật dụng khác có hoa văn, họa tiết thực sự nổi bật và bắt mắt, khiến những khách hàng khó tính cũng phải ngợi khen, từ đó sáng kiến được toàn tổ triển khai và số lượng sản phẩm bán ra tăng lên rõ rệt. 

Sản phẩm của Tổ Mây - tre đan bản Diềm, xã Châu Khê (Con Cuông). Ảnh: Công Kiên
Bà Vi Thị Nội giới thiệu về các sản phẩm của Tổ Mây - tre đan bản Diềm, xã Châu Khê (Con Cuông). Ảnh: Công Kiên

Tiếp nối sáng kiến của bà Nội, ông Lương Văn Long nghĩ ra cách dùng các sợi nan đã nhuộm màu đan thành những sản phẩm có dòng chữ mang ý nghĩa. Có thể là những câu khẩu hiệu, châm ngôn hay đơn giản là tên bản, tên mường và tên của khách hàng. Sáng kiến của ông Long nhanh chóng được áp dụng, đặc biệt là khách hàng ở xa đến thường đặt đan sản phẩm có in tên mình làm kỷ niệm, nhờ đó giá thành sản phẩm được tăng lên, các mặt hàng khẳng định được vị trí tại các hội chợ hàng thủ công, mỹ nghệ và vươn rộng hơn trên thị trường... 

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới