Nghề đánh đu với 'tử thần' ở Nghệ An

(Baonghean) - Ngồi vắt vẻo trên chiếc ghế sắt buộc với sợi dây thừng cỡ lớn, hai bên gắn 2 thùng sơn, tay cầm cọ lăn sơn và chiếc chổi lăn, những người thợ sơn cặm cụi sơn từng mảng tường. Chỉ cần sợi dây thừng có vấn đề là tính mạng người thợ khó được bảo toàn.

Xưa nay, với những nghề thông thường, người đời cho rằng nguy hiểm nhất là nghề đào giếng, thường gọi là “ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ”, chỉ cần không may giếng bị sạt lúc người thợ còn làm việc, hậu họa thực sự khó lường.

So về mức độ rủi ro, những người thợ sơn khi làm việc ở độ cao hàng chục mét cũng chẳng kém mấy phần, chỉ có sự đối nghịch về chiều không gian so với mặt đất, nghĩa là một bên là chiều sâu, bên kia là chiều cao. 

Số người theo được nghề sơn tường không nhiều vì không chịu được độ cao. Ảnh: Công Kiên
Số người theo được nghề sơn tường không nhiều vì không chịu được độ cao. Ảnh: Công Kiên
Một tòa chung cư cao tầng cũ ở thành phố Vinh đang được sơn lại, hàng ngày cư dân của tòa nhà này, nhất là bọn trẻ thường tụ tập để xem những người thợ sơn hành nghề. Lúc chứng kiến, gần như ai cũng phải thán phục sự khéo léo và độ gan lỳ của những người thợ, lũ trẻ con thì hô vang: “Người nhện! Người nhện là có thật!”. 

Tranh thủ giờ nghỉ ngắn ngủi, chúng tôi trò chuyện với hai “người nhện” là Nguyễn Văn T. và Lê Văn P.. Câu đầu tiên mà 2 người mở lời đó là xin được giấu tên vì không muốn người thân biết mình làm việc trong điều kiện nguy hiểm. Cả hai đều quê ở huyện Nghi Lộc, cách Vinh không xa, ruộng đất ít nên khăn gói theo nghề xây dựng, rồi “bén duyên” với công việc thợ sơn. “Làm cái nghề này không khi nào được sạch sẽ, quần áo cứng đơ vì sơn bám chặt, chân, tay cũng bám đầy những lớp sơn. Ngay cả khi đã tắm rửa kỹ càng, có lúc các con cũng không dám ngủ cùng vì chê bố mùi sơn nồng nặc”, anh T. nói.

Những người thợ sơn đánh đu bên bức tường tòa chung cư cao tầng. Ảnh: Công Kiên
Những người thợ sơn đánh đu bên bức tường tòa chung cư cao tầng. Ảnh: Công Kiên

Ngồi bên cạnh, anh P. phụ họa thêm về nỗi vất vả, nhọc nhằn: “Có những hôm làm quá mệt, về ăn uống qua quýt rồi ngả lưng xuống giường. Trong cơn mơ chập chờn thấy mình lơ lửng trên cao cùng với sợi dây và thùng sơn, miệng không ngừng la hét, đến lúc con lay dậy mới biết mình vừa mơ”. 

Với những ngôi nhà bình thường (nhà cấp 4 và nhà thấp tầng), việc lăn và quét sơn không quá khó khăn, những người thợ thường chỉ cần dựng giàn giáo để đứng nên khá an toàn. Nhưng khi sơn nhà cao tầng, nhất là sơn ở mặt ngoài lại hoàn toàn khác, việc dựng giàn giáo cao hàng chục mét không khả thi, chỉ có cách đu dây là hợp lý nhất, vì tiết kiệm được cả chi phí và thời gian. Sợi dây thừng cỡ lớn được buộc chặt tại một vị trí ở sân thượng, chiếc ghế sắt và 2 thùng sơn được gắn vào dây thừng. Người thợ ngồi vào ghế, tay cầm cọ lăn và chổi quét sơn vào bức tường, di chuyển theo hướng từ trên xuống dưới. Và để di chuyển theo mức độ thấp dần, người thợ dùng tay nới nút thắt của sợi dây và chiếc ghế. Cứ thế, gần như suốt buổi, những người thợ sơn làm việc trong tình trạng lơ lửng giữa không trung, chỉ xuống mặt đất nghỉ ngơi chút xíu trong quãng ngắn giữa hai đợt đu dây. 
Anh Nguyễn Văn T. chia sẻ: “Sơn nhà bình thường không khó, ai cũng có thể làm nhưng sơn nhà cao tầng thì không hề dễ, đòi hỏi không bị ngợp với độ cao, không hợp với người yếu tim và bị bệnh huyết áp. Có khi những người trông khỏe mạnh không làm nổi, người tầm vóc nhỏ bé lại làm được, tóm lại là 10 người chỉ chọn được 2 - 3”.

Anh vẫn còn nhớ như in khi lần đầu đu dây sơn tường cho một tòa chung cư, ngay từ khi ngồi lên chiếc ghế từ mép tầng thượng, đưa mắt nhìn phía dưới chợt thấy khoảng không thăm thẳm, tim bỗng đập thình thịch, tay chân cũng bắt đầu run lẩy bẩy. Nghĩ mình không thể trụ được với công việc, anh T bám dây leo trở lại và định rút lui. Những người trong tổ làm động viên và chia sẻ cho một ít kinh nghiệm, lấy lại can đảm, anh lại ngồi vào ghế, lần này không nhìn xuống mặt đất, tập trung nhìn bức tường trước mắt và thao tác với chiếc cọ lăn sơn. Sang buổi thứ hai thì quen dần, cảm giác rợn ngợp trước độ cao cũng giảm và anh đã bám trụ với việc lăn sơn đã được gần 5 năm. 

Vất vả nhất của những người thợ sơn nhà cao tầng là phơi mình giữa những ngày nắng nóng gay gắt. Ảnh: Công Kiên
Vất vả nhất của những người thợ sơn nhà cao tầng là phơi mình giữa những ngày nắng nóng gay gắt. Ảnh: Công Kiên 
Thông thường, việc sơn nhà phải chọn thời điểm thời tiết nắng ráo để tránh nguy cơ ẩm mốc, trời càng nắng to, nhiệt độ càng cao sơn càng nhanh khô và đảm bảo chất lượng. Vì vậy, mùa hè là thời điểm thợ sơn ăn nên làm ra, nhưng cũng là mùa nhọc nhằn, gian nan nhất. Nhọc nhằn bởi chang mình giữa cái nắng xấp xỉ 40 độ, có cảm giác như đứng trước cửa lò nung, toàn thân rám nắng. Đã thế, lại thêm gió Lào thổi khô rát, có lúc lên cấp 5 - 6 khiến sợi dây đu và chiếc ghế đung đưa, có khi xoay tít.
Công việc sơn nhà cao tầng luôn tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh: Công Kiên
Công việc sơn nhà cao tầng luôn tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh: Công Kiên

Anh Lê Văn P. đã từng gặp tình huống này, khi gió thổi mạnh làm xoay sợi dây thừng, nút thắt bỗng dưng bị nới ra khiến chiếc ghế tuột dần. Không khỏi hốt hoảng, nhưng rất may chiếc ghế va vào một cửa sổ ở tầng 12. May nữa là cửa không đóng, anh P với tay nắm lấy một chiếc song cửa và bám chặt vào cửa sổ, chờ gió lặng dần mới tiếp tục trở lại với công việc. “Lúc dây đung đưa mạnh, ghế bị tụt, tôi đã nghĩ khôn, nghĩ dại, thậm chí nghĩ mình đã đứng trước mặt tử thần” - anh P. nói. 

Cũng theo anh P., một vài người bạn của anh từng bị rủi ro, thương tích như bị gió mạnh khiến dây và ghế thốc vào bức tường làm gãy xương sườn; tụt dây bị ngã gãy tay, chân. Có điều, công việc này cho thu nhập khá, thường mỗi ngày công chủ đầu tư trả mức khoảng 1 triệu đồng, cao hơn nhiều so với công xây dựng, phụ hồ. Vả lại, đây không phải công việc thường xuyên, có khi vài tháng mới có một đợt nên những người thợ sơn như anh P. và anh T. phải tranh thủ để có nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình.
Sau một lúc nghỉ ngơi, hai người thợ sơn lại lên sân thượng để đu dây, tiếp tục với công việc thường ngày. Anh P. chợt ngoái lại: “Biết là vất vả, nguy hiểm, là đánh đu trước mặt “tử thần” nhưng vì cuộc sống mưu sinh, vì cơm áo nên phải theo đuổi với công việc”. 

Tin mới