Nghề giáo… vinh quang và trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý và là nghề luôn nhận được sự biết ơn, trân trọng. Chính vì thế, với những người thầy giáo, cô giáo, họ gắn bó với nghề, hy sinh, tận tụy với nghề, với học trò và sẵn sàng vượt qua mọi gian nan, thử thách để làm công việc thầm lặng của người lái đò sang sông. Nhân Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Báo Nghệ An ghi lại những cảm xúc của các thầy giáo, cô giáo khi nghĩ về nghề…

Thầy giáo Hoàng Đức Lục - nguyên hiệu trưởng Trường cấp 3 Thái Lão, nguyên Trưởng phòng Giáo dục - Sở Giáo dục và Đào tạo

Ảnh: Đình Tuyên

Ảnh: Đình Tuyên

Tôi bắt đầu đi dạy từ năm 1965 tại Thanh Hóa. Nhưng đến năm 1972, theo yêu cầu của đất nước, chuẩn bị giải phóng miền Nam, tôi là một trong những giáo viên được điều chiến khu Đông Nam Bộ để làm công tác dạy học.

Đó cũng chính là những năm tháng đáng nhớ nhất của tôi, để lại những ký ức đậm nét không thể nào quên, dù thời gian đi B chỉ kéo dài 4 năm. Tôi nhớ chuyến đi đó rất vất vả, băng rừng vượt suối. Gọi là thầy giáo đi B nhưng do chúng tôi nằm trong Ban Tuyên giáo của Khu ủy nên làm nhiệm vụ tuyên truyền, làm chính trị và kết hợp để làm giáo dục. Học trò của chúng tôi khi đó, thường là những cô cậu học trò tiểu học ở trong ấp, trong bản và chủ yếu là dạy xóa mù chữ. Quá trình dạy học chúng tôi tự viết tài liệu, tự dạy học dù chuyên môn của mình là giáo viên dạy cấp 3.

Việc dạy học ở trong các chiến khu, nơi chiến tranh vẫn đang còn diễn ra ác liệt thực sự đặc biệt. Có lẽ vì thế chúng tôi đón ngày giải phóng miền Nam với một cảm xúc rất riêng bởi không ai nghĩ rằng, đất nước có thể hòa bình nhanh như vậy. Những năm tháng cùng dạy học, cùng sống, cùng sinh hoạt với đồng bào miền Nam thực sự khiến chúng tôi thêm yêu công việc của mình bởi dù khó khăn, gian nan nhưng người thầy giáo luôn được bà con, được các học trò tin yêu, kính trọng.

Năm nay đã 80 tuổi, hơn 45 năm gắn bó với nghề dạy học, tôi vẫn tin rằng mình đã chọn đúng công việc của mình, tôi đã chọn nghề, nghề đã chọn tôi. Tôi còn nhớ thời chúng tôi, học sinh cấp 3 thường chọn trường Y và trường Bách Khoa. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Đoàn thanh niên khi đó thường vận động học sinh cấp 3 xung phong vào ngành Sư phạm. Tôi khi đó đã được học cảm tình Đảng, hưởng ứng lời kêu gọi đã xung phong đi học sư phạm. Chọn ngành này, cả cuộc đời tôi đã sống với nghề. Trong suốt hơn 40 năm từ khi ra nghề dạy học trò ở Thanh Hóa đến khi vào Nam vừa dạy, vừa chiến đấu và kể cả khi về quê thì chúng tôi vẫn miệt mài với nghề. Hạnh phúc là khi thầy cầm viên phấn trên bảng, học trò ở dưới vỗ tay…

Cả cuộc đời của tôi, dù là giáo viên hay làm quản lý chỉ có một suy nghĩ duy nhất là tập trung cho công việc của mình. Chính vì vậy, nghề giáo dẫu vất vả, rất nhiều đồng nghiệp cùng thời điểm với tôi đã không thể theo nghề. Nhưng dù vất vả nhưng chúng tôi vẫn say sưa, vẫn ham công tác giảng dạy, làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng học sinh thi đại học... Điều quý giá nhất mà chúng tôi nhận được đó là đã để lại một thế hệ học trò không những phục vụ cho đất nước mà quan trọng hơn là để lại một tài sản vô cùng quý giá về tình cảm giữa thầy và học trò…

Thầy giáo Hoàng Đức Lục - nguyên Hiệu trưởng Trường cấp 3 Thái Lão, nguyên Trưởng phòng Giáo dục THPT - Sở Giáo dục và Đào tạo. Clip: Đình Tuyên - Mỹ Hà

Cô giáo Dương Thị Bích Hồng - Giáo viên Trường THCS Đặng Chánh Kỷ (Nam Đàn)

Ảnh: Mỹ Hà
Ảnh: Mỹ Hà

Tất cả những người giáo viên chúng tôi, ngày Nhà giáo Việt Nam luôn luôn là một ngày đặc biệt, để lại cho mình rất nhiều xúc động, tự hào. Bản thân tôi, đến nay đã công tác với nghề 13 năm. Dù thời gian công tác chưa phải là dài nhưng tôi nghĩ rằng đây là một công việc rất phù hợp. Công việc của chúng tôi dẫu thầm lặng nhưng tôi nghĩ những gì mà người giáo viên đóng góp cho xã hội luôn được ghi nhận.

Trong thời điểm ngày nay, để có thể hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, người giáo viên cần phải trau dồi, cập nhật những kiến thức mới. Người giáo viên tốt, không phải chỉ là người biết đem đến kiến thức cho học sinh mà phải là người biết khơi dậy những ngọn lửa đam mê, khám phá chân trời kiến thức của học trò.

Thế hệ giáo viên ngày nay, chúng tôi may mắn vì có thể học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm của các thế hệ đi trước. Bên cạnh đó, với những giáo viên trẻ, việc phát triển công nghệ 4.0 giúp giáo viên giải phóng được khá nhiều trong việc soạn giáo án, đổi mới việc dạy học và chúng tôi luôn nỗ lực, cố gắng để làm chủ được công nghệ. Hơn thế, những giáo viên trẻ còn có thể phát huy được sức trẻ để có thể cống hiến lâu dài cho sự nghiệp giáo dục.

Cô giáo Dương Thị Bích Hồng - Giáo viên Trường THCS Đặng Chánh Kỷ (Nam Đàn). Clip: Đình Tuyên - Mỹ Hà

Thầy giáo Nguyễn Trọng Đại - Nguyên là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Sơn (Anh Sơn)

Ảnh: Đình Tuyên

Ảnh: Đình Tuyên

Tôi sinh ra ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) nhưng cơ duyên gắn bó với nghề đi dạy và với huyện Anh Sơn từ năm 1979 cho đến ngày hoàn thành nhiệm vụ công tác. Hạnh phúc nhất của tôi khi về hưu là được các đồng nghiệp và chính quyền sở tại yêu thương và gửi tới tôi câu nói rất ân tình: Nhà giáo ưu tú Trọng Đại - gắn bó trọn đời với với sự nghiệp giáo dục Anh Sơn.

Bây giờ dù đã về hưu được gần 10 năm nhưng mỗi khi nghĩ về nghề tôi vẫn luôn tự hào. Những năm chúng tôi mới đi dạy, điều kiện dạy học hết sức vất vả, đời sống của bà con nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, trường lớp thiếu thốn, nhà tre vách đất. Hoàn cảnh như vậy, nhưng giáo viên luôn nỗ lực, cố gắng dạy tốt, học tốt từng bước đưa chất lượng giáo dục đi lên. Hiện nay, những ngôi trường mà chúng tôi đã đi qua, tất cả đều đã thay da đổi thịt, nhiều trường được công nhận trường chuẩn quốc gia. Chúng tôi tự hào bởi đã đóng góp một phần nhỏ bé cho sự đi lên đó.

Thế hệ giáo viên đi trước cũng thường nói rằng, ngày đó quá nhiều khó khăn, nhất là với những giáo viên xa quê, lên miền cao lập nghiệp như chúng tôi. Tuy nhiên điều lạ là càng khó khăn, anh em lại càng bảo nhau phải vượt lên khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ “tất cả vì học sinh thân yêu”. Điều chúng tôi phấn khởi là học sinh tiến bộ và nhận được sự yêu thương của nhân dân sở tại. Ngay cả đến lúc này, dù chúng tôi đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng vẫn nhận được tình cảm của những đồng nghiệp, của phụ huynh, học sinh và của bạn bè.

Thầy giáo Nguyễn Trọng Đại - Nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Sơn (Anh Sơn). Clip: Đình Tuyên - Mỹ Hà

Cô giáo Lê Thị Bích Liên - Giáo viên Trường THCS Trà Lân (Con Cuông)

Ảnh: Mỹ Hà
Ảnh: Mỹ Hà

Năm 2021, tôi đã được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và đây là một danh hiệu rất cao quý, ghi nhận công lao đóng góp của mình trong sự nghiệp giáo dục. Bản thân tôi rất vinh dự, tự hào và thấy rằng mình cần phải có trách nhiệm hơn nữa trong sự nghiệp giáo dục của mình.

Gần 30 năm gắn bó với nghề, được chứng kiến sự thay đổi của giáo dục tỉnh nhà, nhất là ở những huyện miền núi cao còn nhiều khó khăn như huyện Con Cuông chúng tôi lại càng thấy vui mừng bởi công tác giáo dục đã có sự tiến bộ vượt bậc. Tôi còn nhớ, khi mình mới ra trường và được phân công về công tác tại Trường THCS Lục Dạ, điều kiện dạy học còn rất khó khăn. Để đến trường, vận động học sinh đi học, giáo viên phải trèo đèo, lội suối, bám trường, bám bản…

Vì tình yêu nghề nên chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đến việc bỏ nghề hoặc chuyển công tác đến một nơi mới thuận lợi. Để có được kết quả như ngày hôm nay là cả một quá trình rất dài, có cả những thất bại… Nhưng dù hoàn cảnh thế nào chúng tôi vẫn luôn động viên nhau, cùng nhau phấn đấu.

Công việc hiện nay, cũng đặt giáo viên trước rất nhiều áp lực. Nhưng tôi nghĩ, để đáp ứng yêu cầu đặt ra thì giáo viên phải không ngừng học hỏi, luôn tiếp cận cái mới và phải tìm tòi, sáng tạo để không tụt hậu và mở mang và làm chủ được kiến thức

Cô giáo Lê Thị Bích Liên - Giáo viên Trường THCS Trà Lân (Con Cuông). Clip: Đình Tuyên - Mỹ Hà

Tin mới