Nghề phụ thu nhập khá ở các vùng nguyên liệu mía

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Thời tiết nắng mưa thất thường, khí trời oi bức, cả ngày luồn trong ruộng mía rậm rạp, lá mía cắt vào tay, quệt vào người cùng mồ hôi chát mặn khiến da thịt bỏng rát. Mỗi ngày công được trả 200.000-250.000 đồng, khá cao trong thời điểm nông nhàn nhưng khá vất vả, nhọc nhằn mà những người làm “phu mía” ở các địa phương vùng nguyên liệu phải nếm trải…
Hiện đang vào mùa cao điểm bóc lá mía ở các vùng nguyên liệu. Hầu hết chủ ruộng mía đều phải thuê nhân công bóc lá để kịp thời vụ. Ảnh: Thanh Phúc

Hiện đang vào mùa cao điểm bóc lá mía ở các vùng nguyên liệu. Hầu hết chủ ruộng mía đều phải thuê nhân công bóc lá để kịp thời vụ. Ảnh: Thanh Phúc

Từ 4h30 sáng, chị Nguyễn Thị Thu ở xã Tân Long (Tân Kỳ) đã trở dậy, ăn vội bát cơm nguội và chuẩn bị ra đồng cùng với chị em trong tổ bóc lá mía thuê. Trời nắng, lại đang thời điểm “nông vụ tấn thời”, chủ ruộng mía đốc thúc chị em đẩy nhanh tiến độ nên họ phải ra đồng từ sớm. Trang bị cho mình khăn trùm đầu, khẩu trang vải 2 lớp, găng tay vải dày và cả đôi ủng ni-lông cao quá đầu gối. Công việc tưởng chừng như đơn giản, chỉ là dùng tay, dùng liềm róc hết lá mía già trên cây xuống là xong nhưng “có làm mới biết” sự vất vả, nhọc nhằn, thấm được sự mệt mỏi của công việc này.

Những luống mía dày, rậm rạp, ken kín cả lối đi, người bóc lá phải dùng câu liêm ngoặc hết lá che kín trước mặt, sau đó, dùng tay cẩn thận tuốt hết phần gốc của lá còn lại trên cây, đến khi nào, gốc cây được dọn sạch sẽ, thân cây mía nhẵn bóng thì thôi.

Những ruộng mía thoáng đãng, sạch sẽ sau khi được bóc lá giúp cây mía đón ánh sáng tốt hơn, sinh trưởng nhanh và tích đường tốt. Ảnh: Thanh Phúc
Những ruộng mía thoáng đãng, sạch sẽ sau khi được bóc lá giúp cây mía đón ánh sáng tốt hơn, sinh trưởng nhanh và tích đường tốt. Ảnh: Thanh Phúc

Ngày nắng, dưới tán lá mía dày, không khí ngột ngạt, oi bức; ngày mưa, ruộng mía lầy lội, dưới chân là bùn nhão, trên đầu nước từ lá mía rỏ xuống long tong. Những cây mía cao gấp đôi người, lá lòa xòa che kín mặt, những lá mía dài, sắc nhọn cứa vào da thịt thì đau, rát như dao cắt. Khi bóc lá, do bị tác động mạnh, lông tơ của cây mía bay tứ tung, bay vào mũi, vào miệng, ngứa ngáy...

“Trùm kín mít, chỉ trừ 2 con mắt, chứ không lá mía, lông mía cọ xát vào da thịt xót lắm. Nhưng trời nắng nóng thế này, bịt kín quá mồ hôi ướt đẫm, người bức bí, mất nước”, chị Thu cho biết.

Công việc không nặng nhọc nhưng vất vả, cực thân vì thời tiết nắng mưa thất thường, khí trời oi bức, cả ngày luồn trong ruộng mía rậm rạp, lá mía cắt vào tay, quệt vào người cùng mồ hôi chát mặn khiến da thịt bỏng rát. Ảnh: Thanh Phúc
Công việc không nặng nhọc nhưng vất vả, cực thân vì thời tiết nắng mưa thất thường, khí trời oi bức, cả ngày luồn trong ruộng mía rậm rạp, lá mía cắt vào tay, quệt vào người cùng mồ hôi chát mặn khiến da thịt bỏng rát. Ảnh: Thanh Phúc

Công việc này không nặng nhọc nhưng lại rất vất vả. Đa phần là phụ nữ trung tuổi theo nghề. Như bà Nguyễn Thị Thịnh ở xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu) năm nay đã 60 tuổi, theo nghề bóc lá mía thuê đã 5 năm nay. Bà Thịnh chia sẻ: “Làm ruộng, không có nghề phụ nên gieo cấy xong lại chờ đến mùa gặt. Thời điểm nông nhàn này, tôi cùng một số chị em đi bóc lá mía thuê; đến mùa thu hoạch thì đi chặt mía, bốc vác mía lên xe… Tính ra, ngày công cũng được khoảng 220.000-250.000 đồng/ngày, mức công khá cao so với chạy chợ hay đi làm phụ hồ. Mặt khác, mình còn tận dụng được nguồn lá mía về làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc”.

Ở các vùng trồng mía nguyên liệu, nhiều gia đình trồng mía với diện tích lớn, nhà ít cũng dăm bảy sào, nhà nhiều lên đến cả chục ha. Đặc tính của cây mía là sau khi trồng, cây phát triển đến đốt thứ 3, thứ 4 thì phải tiến hành bóc lá để cây mọc thêm đốt, quá trình bóc lá phải được thực hiện thường xuyên cho đến khi thu hoạch. Vì thế mà công việc diễn ra gần như quanh năm, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.

Những bữa cơm ăn vội bên bờ ruộng của những "phu mía". Ảnh: Thanh Phúc
Những bữa cơm ăn vội bên bờ ruộng của những "phu mía". Ảnh: Thanh Phúc

Rộ nhất là thời điểm tháng 6 đến tháng 9 âm lịch hàng năm, giai đoạn chăm sóc mía “cao điểm”, nhất là công đoạn bóc lá mía phải được đẩy nhanh tiến độ để cây đón ánh sáng tốt, phục vụ cho quá trình tích đường và phòng trừ rệp xơ bông trắng gây hại.

Nắm bắt nhu cầu đó, ở các địa phương đều thành lập các tổ, nhóm nhận thầu khoán các công việc này. Theo đó, mỗi tổ có khoảng 10-15 người, trong đó, cử một người làm tổ/nhóm trưởng chịu trách nhiệm liên hệ, kết nối, thỏa thuận giá cả và tính toán xem mức thu nhập có đáng với công sức mình bỏ ra hay không thì mới nhận làm.

Ở các địa phương vùng nguyên liệu mía đều thành lập các tổ, nhóm nhận thầu khoán các công việc như: trồng mía, bóc lá mía và thu hoạch mía. Ảnh: Thanh Phúc

Ở các địa phương vùng nguyên liệu mía đều thành lập các tổ, nhóm nhận thầu khoán các công việc như: trồng mía, bóc lá mía và thu hoạch mía. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Nguyễn Sỹ Hải - Trưởng ban Sản xuất nguyên liệu, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con cho biết: “Ở các vùng nguyên liệu mía của nhà máy chưa có máy bóc lá mía nên công việc này vẫn làm thủ công. Các hộ thường giao khoán diện tích cho các tổ, nhóm với giá khoảng 2,6 triệu đồng/ha. Công việc có tính thời vụ nên vào những lúc cao điểm, rất khó để thuê ra nhân công. Các tổ, nhóm làm công việc này cũng không nhiều vì lao động trẻ thường đi làm công nhân, làm ăn xa, chủ yếu là người trung tuổi, phụ nữ tận dụng thời gian nông nhàn kiếm thêm thu nhập”…

Tin mới