Nghệ sỹ Quế Thương: Không muốn lỡ một lời hẹn tình quê

Tôi gặp Quế Thương rất nhiều trong những hội nghị, trên những sân khấu lớn và không lần nào không thôi ngỡ ngàng bởi những nốt âm thanh ngọt lịm trong những bài hát mà em mang đến cho khán phòng. Không chỉ tôi, lúc ấy nếu hội nghị chưa được bắt đầu, hội trường không thôi những nói cười rổn rảng khi giọng hát ngọt lịm của em cất lên, không gian ấy như ngưng đọng lại.

Quế Thương đi hát từ rất sớm, từ độ tuổi 17, cô đã được đoàn Ca múa dân tộc tỉnh tuyển chọn và gửi đi học ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh. Thương còn nhớ rõ khi thi tuyển vào Đoàn, cô đã hát bài “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” (Trần Hoàn) mà còn chưa biết ngắt nghỉ ra sao cho hợp lý, chỉ là hát bằng cách cảm thụ âm nhạc của riêng mình, hát bằng trái tim, bằng những xúc cảm chân thật mà cô cảm nhận được từ bài hát. Thế nhưng cũng bởi vì sự chân thật ấy mà cô được Ban giám khảo năm ấy nhận ra tố chất, tài năng trong cô.
Quế Thương kể rằng cô mê hát từ nhỏ, đến nỗi mỗi khi cô ở nhà bố mẹ cô thường phải “khuyến cáo” hát ít thôi để cho hàng xóm ngủ. Thế nhưng khi tiếng hát mộc mạc mà da diết của cô bé mới chỉ độ tuổi trăng tròn ấy cất lên, xóm giềng “cách dậu mồng tơi” đã mê mẩn và ghiền những “Ca dao em và tôi” (An Thuyên), “Sông quê” (Nguyễn Trọng Tạo) của cô.

Trong những kẻ bị hớp hồn đó có anh chàng học trên cô một lớp đã thầm yêu trộm nhớ cô từ rất lâu.  Thay vì tán dương cô như những chàng trai khác thì anh lại tìm cách gần gũi giúp đỡ, động viên cô, giúp cô có thêm niềm tin để rèn luyện giọng hát, thực hiện giấc mơ ca sỹ.

Tình yêu tuổi học trò, tình cảm trong sáng mà đến bây giờ mỗi khi nghĩ lại cô vẫn còn thấy bồi hồi, ấy chính là hành trang đã theo suốt cô trên cả chặng hành trình thanh xuân. Chỉ một câu nói mộc mạc khi anh chở cô trên con đường đến trường quen thuộc “Anh chỉ ước được là quần áo cho em đi diễn”, đó là câu tỏ tình của anh khiến cô phải “gục ngã”.

 

“Trong suốt 10 năm yêu nhau tôi luôn được anh động viên, đồng hành, đi hát ở đâu anh cũng chở xe đạp, hoặc xe máy, ngồi chờ từ đầu buổi đến lúc người yêu hát xong. Có lúc hát xong thì đã đến 12h ra chỗ để xe vẫn thấy anh nằm vắt vẻo trên xe máy. Chính những hình ảnh đó đã khiến tôi luôn phải nỗ lực vì niềm tin vì tình yêu mà anh dành cho tôi”. Điều đặc biệt, dù không làm cùng ngành nhưng anh luôn tìm hiểu, nghiên cứu kỹ những ca khúc mà cô định hát. Thậm chí có lúc cô chưa biết phải nhấn nhá như thế nào, khai thác ý tứ ra sao để làm mới một bài hát cũ, và người yêu, sau này là chồng cô chính là người đưa ra ý tưởng để khai sáng “bế tắc nhất thời”, giúp Quế Thương thăng hoa.

Cũng chính tình yêu đó đã cho Quế Thương những xúc cảm mãnh liệt khi hát những ca khúc về tình yêu, về những cảm nhận về mảnh đất nơi mình sinh ra. Cũng vì tình yêu đó khiến cô không thôi nỗ lực để đạt được những thành quả mới trên con đường chinh phục những ước mơ.

Hát ở tỉnh, người ta đã quá quen mặt với một Quế Thương ngọt như mía lùi, màu giọng đẫm chất dân gian nhưng có quãng âm thanh rộng, nên cô có thể hát được nhiều chất liệu phát triển. Tất cả những ca khúc sáng tác về quê hương, có chất liệu dân gian, đều được Quế Thương thể hiện khó trộn lẫn. Vì thế không khó để lý giải rằng tại sao các nhạc sỹ khi có tác phẩm mới đều nhờ Quế Thương hát.

“Có lần trong một buổi báo cáo tác phẩm dự thi sáng tác, chỉ có 12 ca khúc  thì có tới 8 ca khúc do Quế Thương biểu diễn”. Dù BTC phải họp kín yêu cầu các nhạc sỹ thay đổi ca sỹ, nhưng các nhạc sỹ đều bảo vệ quan điểm, tôi đã đặt cô này cả tháng trời, cô đã ngấm tinh thần bài hát, mà chỉ có cô mới hát ra bài của tôi” thế nên sau khi thương thảo, cô chỉ còn hát tới 4 bài. “Cũng thấy ngài ngại, nhưng thực tế nỗi hân hoan được tín nhiệm được yêu mến đã khiến em càng quyết tâm trau dồi hơn, nghiêm túc hơn khi nhận ca khúc mới, khi nghiên cứu tư tưởng và câu chuyện trong mỗi ca khúc”. Quế Thương cho rằng dù thấy mình được xuất hiện trên ti vi nhiều, luôn được mời solo trong tất cả các chương trình sự kiện chính trị trong tỉnh nhưng chưa bao giờ cô thôi nỗ lực, sáng tạo và nghiên cứu kỹ cách thể hiện khi chuẩn bị trình bày một ca khúc.

Vì thế, để không thôi củng cố bản thân, cô đã tham gia rất nhiều cuộc thi chuyên nghiệp về thanh nhạc. Đó là Tiếng hát Học sinh sinh viên các trường Văn hoá nghệ thuật toàn quốc (2004) là Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 và lần nào cô cũng được HCV trong sự ngưỡng mộ của các bạn đồng nghiệp và sự ghi nhận  của ban giám khảo. Thế nhưng ở cuộc thi Tiếng hát truyền hình toàn quốc 2005, dù Quế Thương đoạt giải Nhất ở tỉnh nhưng chỉ được chọn vào đến vòng chung kết khu vực, là bởi, “em non nớt và khờ dại khi đi thi, nên thử sức ở sân chơi đó cũng là một trải nghiệm quý báu trong cuộc đời làm nghề của em.” Vì thế cô cho rằng mình cần phải được đào tạo chuyên nghiệp hơn, phải tự nâng cấp giọng hát của mình bằng con đường học hành bài bản.

Phấn đấu không thôi ngừng nghỉ, năm 2013 Quế Thương thi đỗ vào Học viện Âm nhạc Quốc gia, và bắt đầu con đường chinh phục bản thân trên chặng đường thử thách mới. Dù quyết tâm, nỗ lực để đạt được mục tiêu có bằng đại học thanh nhạc ở một ngôi trường danh tiếng. Thế nhưng những ngày đầu nhập cuộc đã khó khăn hơn nhiều so với tưởng tượng của cô. Nỗi nhớ nhà, nhớ chồng con khiến Quế Thương như muốn lùi bước, lại còn những môn học nhập môn chuyên ngành tự nhiên “khó ơi là khó”, đã khiến cô vốn thiên về các môn xã hội chẳng hiểu gì. Thế rồi, được sự động viên của chồng, của cả bố mẹ chồng, Quế Thương đã cố gắng từng ngày, từng ngày để có thể quên đi câu chuyện “đã già còn đi học thì học làm sao nổi”.

Để xua đi cảm giác muốn bỏ cuộc, Quế Thương nghĩ ra một cách, không để thời gian chết, không cho phép mình nghỉ, kể cả khi hết giờ học. Ngoài giờ lên giảng đường, Quế Thương lao ngay vào thư viện, làm bài tập về nhà, ôn lại bài nhạc giáo viên vừa mới thị phạm lúc chiều. Cứ thế ngày qua ngày, tuần qua tuần trôi đi lúc nào không hay. Đền đáp cho những nỗ lực đó là kết quả học tập đáng nể của Thương. “Đến lúc nhận điểm bài kiểm tra, hay bài thi hết môn, thầy cô giáo và bạn bè trong lớp tròn mắt vì điểm số của em. Nhiều người xì xào, sao nó già mà nó học giỏi thế”. Cũng từ đấy thương hiệu gái Nghệ Quế Thương chăm chỉ chỉn chu và học giỏi được lan truyền. Trong lúc bạn bè mải “chạy xô”, mải đi các event thì Quế Thương vùi đầu vào học, vào luyện thanh để có thể đạt được kỹ năng khó, “kéo dãn nốt âm thanh như một sợi dây chun”; để có thể “bỏ nhỏ” và chinh phục được những quãng âm thanh rộng. “So với trước đây, giờ em có thể hát ngay cả lúc em mệt hay vừa chạy xe cả quãng đường dài, vì hình như sự khổ luyện đã cho em khả năng đó ”

Dù ham học, dù đã định ra cho mình mức phấn đấu nhưng nếu có sự kiện quan trọng của tỉnh Quế Thương cũng cố gắng thu xếp. Chính những nỗ lực sự làm nghề chuyên nghiệp đó đã giúp  Quế Thương có được sự đánh giá trọn vẹn cả đức lẫn tài trong nghề nghiệp. Vì vậy chuyến đi mang câu dân ca đến với kiều bào ở 8 nước Châu Âu (năm 2016), Quế Thương được chọn để lan toả đến kiều bào ở nước ngoài những tinh tuý của dân ca Xứ Nghệ, đó là vinh dự tự hào, nhưng cũng là trọng trách mà Quế Thương và đoàn phải thực hiện. Và cũng trong dịp đó nhà trường cũng chọn cô sinh viên xứ Nghệ ưu tú là 1 trong 2 đại diện tham gia Ngày hội văn hoá tại Belarus.

Tốt nghiệp Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia với tấm bằng loại ưu, Quế Thương được nhiều đoàn trung ương mời đầu quân như :Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà hát ca múa nhạc Trung ương, …Thế nhưng cô chỉ chọn “về quê”, để tiếp tục được cống hiến và toả sáng. Bởi, “hình như câu hát “Đừng lỡ hẹn người ơi” trong bài hát “Lời hẹn tình quê” Thơ: Nguyên Hùng, Nhạc: Lê An Tuyên đã ngấm vào trong em, nếu mình lỡ hẹn một chút thôi, thì mình đã xa ngái cả quãng đường, quê hương mới là nơi để mình được thăng hoa”.

Hồ sơ vinh danh Nghệ sỹ ưu tú Quế Thương đang chờ được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn nhưng trong lòng khán giả xứ Nghệ,  Quế Thương đã là nghệ sỹ ưu tú từ rất lâu.