Nghề tay trái của các nữ cầu thủ tuyển Việt Nam

Tuyết Dung bán mỹ phẩm, tư vấn xuất khẩu lao động; Huỳnh Như kinh doanh các sản phẩm liên quan tới dừa; Thái Thị Thảo bán hàng online.


Tuyết Dung mở quán ăn ở quê cho bố mẹ đỡ vất vả ruộng đồng. Cô thỉnh thoảng về nhà phụ giúp chạy bàn mỗi khi được nghỉ tập. Ảnh: FB Nguyễn Thị Tuyết Dung
Tuyết Dung mở quán ăn ở quê cho bố mẹ đỡ vất vả ruộng đồng. Cô thỉnh thoảng về nhà phụ giúp chạy bàn mỗi khi được nghỉ tập. Ảnh: FB Nguyễn Thị Tuyết Dung

Bóng đá nữ Việt Nam gặt hái được nhiều thành công ở đấu trường khu vực trong những năm qua. Mới nhất, đoàn quân của HLV Mai Đức Chung vừa giành vé dự vòng chung kết World Cup 2022 sau các chiến thắng trước Thái Lan (2-0) và Đài Loan (2-1) ở vòng play-off khu vực châu Á. Tuy nhiên, so với những đồng nghiệp nam, cuộc sống của các tuyển thủ nữ còn nhiều khó khăn. Một số người phải làm thêm nghề tay trái để có thêm thu nhập cho bản thân và phụ giúp gia đình.

Năm 2018, tiền vệ Nguyễn Thị Tuyết Dung bắt đầu làm thêm với công việc bán mỹ phẩm online. Cầu thủ người Hà Nam được đồng nghiệp Đỗ Thị Yến (đá cho CLB Hà Nội) rủ bán hàng vì có nguồn cung mỹ phẩm từ Nhật Bản. Thời gian đầu tập tành buôn bán, Tuyết Dung chủ yếu bán cho bạn bè, đồng nghiệp. Sau này, khi Đỗ Thị Yến nghỉ đá bóng, Dung cũng thôi bán mỹ phẩm.

Tháng 9/2019, Tuyết Dung tiếp tục thử sức với nghề tư vấn xuất khẩu lao động. VĐV bóng chuyền Trần Thị Tươi - một trong những người bạn của Dung khi đó đang ở Nhật Bản, làm thêm xuất khẩu lao động nên rủ cô làm cùng. Dù vậy, dịch Covid-19 khiến công việc này của nữ tuyển thủ từng hai lần giành Quả bóng vàng Việt Nam (2014, 2019) đình trệ suốt hai năm qua.

Hiện tại, Tuyết Dung đã tốt nghiệp Đại học TDTT, là viên chức của của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Nam, vừa đá bóng vừa học làm HLV. Thời gian rảnh, tiền vệ sinh năm 1993 về nhà "chạy bàn không lương" cho bố mẹ. Hơn hai năm trước, dành dụm được ít tiền thưởng từ đội tuyển nữ Việt Nam, cô mở một quán ăn nhỏ để bố mẹ đỡ phải lam lũ với ruộng đồng. Nhà hàng lấy tên "Tuyết Dung 7" chuyên phục vụ các món ăn về vịt như tiết canh, bún, miến, cháo... Bên cạnh đó, Tuyết Dung còn mở một trung tâm bóng đá cộng đồng mang tên mình dành cho các em học sinh từ 6 - 12 tuổi tại quê nhà.

Giống Tuyết Dung, đội trưởng tuyển nữ Việt Nam Huỳnh Như cũng có một quán riêng với thương hiệu "Nàng 9 dừa sáp Trà Vinh". Đây là công việc Huỳnh Như rất tâm đắc. Dù bận tập luyện và thi đấu, cô vẫn thường xuyên đăng bài quảng cáo cho quán và bán hàng trên trang cá nhân. "Quán đang trong thời gian đầu hoạt động nên chưa có nhiều khách, tôi cũng đi thi đấu nhiều nên ít có thời gian cho nó", Huỳnh Như trả lời truyền thông trước ngày lên đường sang Ấn Độ thi đấu vòng chung kết Asian Cup 2022.

Huỳnh Như bán các sản phẩm liên quan tới dừa. Ảnh: Facebook Huỳnh Như
Huỳnh Như bán các sản phẩm liên quan tới dừa. Ảnh: Facebook Huỳnh Như

Tiền vệ Thái Thị Thảo cũng rất chăm chỉ bán hàng online sau thời gian tập luyện và thi đấu. Cầu thủ của CLB Hà Nội bán nhiều mặt hàng từ đồng hồ, mỹ phẩm, giày dép, nước hoa...

Với chiến tích giành vé dự vòng chung kết World Cup 2023, tuyển nữ Việt Nam hiện được thưởng hơn 14 tỷ đồng. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới. Bên cạnh đó, đoàn quân của HLV Mai Đức Chung còn được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng thưởng Huân chương Lao động, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt tuyên dương. Ngày 11/2, VFF đã tổ chức lễ vinh danh đội tuyển tại trụ sở ở Hà Nội.

Tin mới