Nghề y là giúp người

“Nghề y là giúp người” Với suy nghĩ này, Thầy thuốc Nhân dân Lê Thanh Hà đã gắn bó và có nhiều cống hiến cho công tác phòng chống dịch bệnh ở Nghệ An.

Trong ngành y tế Nghệ An lưu truyền một câu “danh ngôn”: “Có một điều chắc chắn: Trên đời này không có gì là chắc chắn!”… Câu nói này được cho là của Thầy thuốc Nhân dân Lê Thanh Hà – Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS hiện nay. Trao đổi cùng Thầy thuốc Nhân dân (TTND) Lê Thanh Hà, ông thừa nhận: “Đúng! Với riêng mình, đó là một chân lý. Tưởng chừng chỉ là một câu nói thôi nhưng nó đã vận vào cuộc đời, vào cả công việc…”.

TTND Lê Thanh Hà lý giải: “Tôi là con thứ 4 trong gia đình có tới 9 người con ở xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên. Tuổi thơ tôi gắn chặt với người anh con bác – Nhà giáo Lê Tiến Hưng (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An). Anh đi dạy ở đâu thì tôi theo đó. Anh Hưng nuôi, rèn dạy tôi mọi thứ từ kiến thức văn hóa, phong cách sống, tinh thần học hỏi. Tôi được hưởng lợi rất nhiều từ sự giáo dục này khi nhiều năm liền là học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện. Bản thân anh cũng định hướng cho tôi theo nghề sư phạm”…

Một khuôn đúc chỉ có thể cho những sản phẩm có hình dạng giống nhau, còn nội tại thì chưa hẳn. Trái lời anh, rời ghế trường phổ thông, chàng trai Lê Thanh Hà năm ấy đột ngột tự nguyện đăng ký nhập ngũ. “Hào khí chiến thắng 1975, tình hình giặc ngoài lăm le xâm phạm – đó là những yếu tố thúc giục chúng tôi thể hiện, thực hiện trách nhiệm với quốc gia, dân tộc”… Lê Thanh Hà đã có 3 năm là chiến sĩ ở Quân đoàn 1. Trong quá trình rèn luyện và phấn đấu, anh được đơn vị cử đi ôn thi và năm 1980 trúng tuyển vào Học viện Quân y. Sau 6 năm học, bác sĩ quân y Lê Thanh Hà được cử vào Quân khu 7 và sang Campuchia giúp nước bạn đánh tan quân Pôn Pốt.

Năm 1990, Thượng úy Lê Thanh Hà được điều động về nước và chuyển ngành. Thời điểm này là một thời điểm khó khăn với anh khi rất nhiều bệnh viện đang thực hiện giảm biên chế. Điều này mâu thuẫn với nguyện vọng muốn được ở gần nhà và chuyên môn bác sĩ đa khoa….TTND Lê Thanh Hà kể: “ Trong cái sự rối bời tâm tư ấy, thì bố tôi mới răn bảo rằng: Nghề y là giúp người. Con điều trị cho một người bệnh là giúp được một người. Nếu con đi theo việc phòng bệnh là giúp được nhiều người”. Lời dạy của người bố đã khai tâm, mở trí, để rồi bác sĩ Lê Thanh Hà về công tác tại Trạm vệ sinh phòng dịch (Nay là Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh), Sở Y tế Nghệ An.

26 năm (từ 1990 – 2016) gắn bó với công tác y tế dự phòng, kinh qua các nhiệm vụ công tác phòng dịch đã giúp cho TTND Lê Thanh Hà có nhiều kinh nghiệm quý và bản thân ông cũng đã có nhiều cống hiến lớn cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân. “Chân lý” riêng của ông được đúc kết trong thời gian này. TTND Lê Thanh Hà tâm tình: Làm y tế dự phòng tức là phòng chống dịch bệnh một cách chủ động và thụ động. Chủ động có nghĩa là thực hiện tuyên truyền để nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh. Thụ động có nghĩa là xử lý, bao vây, dập dịch, tuyên truyền để người dân biết tự bảo vệ mình.

Những năm 1990, các bệnh nguy hiểm như uốn ván sơ sinh, ho gà, bạch hầu, bệnh dại, sởi, bại liệt rất phổ biến, gây tử vong nhiều ở các vùng sâu, vùng xa. Bước chân TTND Lê Thanh Hà và các đồng nghiệp đã đi khắp hang cùng, ngõ hẻm của 480 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An để tuyên truyền tận nơi, hướng dẫn từng điểm, cầm tay chỉ việc nâng cao năng lực cho các cán bộ y tế cơ sở… mắc thấp.

Những nỗ lực, đóng góp của ông và các đơn vị y tế, cán bộ y tế đã giúp cho Nghệ An nhiều năm liền không xảy ra dịch lớn; các chương trình tiêm chủng đạt tỷ lệ cao; nhận thức phòng bệnh của các cấp, người dân được nâng lên; nhiều bệnh được thanh toán; các bệnh về trẻ em giảm rõ rệt, tỷ lệ

Thế nhưng, dịch bệnh chính là điều không có gì chắc chắn nhất. TTND Lê Thanh Hà chia sẻ: Nhiều dịch bệnh sau nhiều năm vắng bóng những tưởng đã được thanh toán rồi lại quay trở lại bùng phát như dịch sởi. Nhiều ổ dịch đã được bao vây, xử lý, dập tắt hoàn toàn thì tháng sau, năm sau như sốt xuất huyết lại bùng phát… Yếu tố dịch phụ thuộc nhiều yếu tố như hiệu giá kháng thể vắc xin, mầm bệnh nội tại và ngoại lai, ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân. Nỗ lực của riêng ngành y tế là chưa đủ. Phòng bệnh rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Nhận thức và hành động của người dân là điều quan trọng nhất.

Với TTND Lê Thanh Hà: Do “dịch bệnh” là sự không chắc chắn vậy nên công tác phòng chống dịch bệnh không bao giờ được phép chủ quan, cần phải duy trì liên tục, điều quan trọng nhất là cần phát hiện sớm và xử lý sớm. Khi một ổ dịch phát sinh cần làm tốt công tác chẩn đoán từ yếu tố dịch tễ, lâm sáng và xét nghiệm. Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm để “chắc chắn” thì người cán bộ y tế cũng cần phải “nghi ngờ” để có những phương án xử lý rộng và triển khai ngay nhằm tránh dịch bệnh lây lan.

26 năm làm công tác y tế dự phòng, TTND Lê Thanh Hà đã làm việc đúng theo tâm thế “không chủ quan” đó. Bản thân ông không ngừng học tập và nâng cao trình độ từ bác sĩ CK1, CK2, cũng như thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về dịch bệnh, tiêm chủng. Ở cương vị lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, ông luôn khuyến khích các cán bộ đơn vị không ngừng học tập, vươn lên để phòng bệnh giúp người. Được nhận danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân” – danh hiệu cao quý nhất của nghề y vào năm 2016 nhưng ông không tự hài lòng. Ông luôn day dứt và trăn trở!

TTND Lê Thanh Hà tâm tình nỗi niềm: Khi phong trào Anti Vacxin xuất hiện,  điều này đồng nghĩa với việc mình và đồng nghiệp mình chưa làm tốt công tác tuyên truyền và công tác an toàn tiêm chủng. Trên cương vị lãnh đạo đơn vị, mình vẫn chưa làm tốt việc mở rộng địa bàn loại hình dịch vụ tiêm vắc xin để nâng tỷ lệ tiêm chủng lên; chưa làm tốt công tác phòng chống suy dinh dưỡng khi để có nơi, có lúc chạy theo thành tích, có nhiều người dân chưa nhận thức rõ về kiến thức và thực hành dinh dưỡng cho trẻ….Mình vẫn chưa tròn trách nhiệm.

Khi đang đứng trên đỉnh cao “danh vọng” với danh hiệu cao quý vừa nhận, năm 2016, TTND được phân công sang làm Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An. Nhiều năm trước, trước khi phân tách thành một đơn vị ngang hàng trực thuộc Sở Y tế, phòng chống HIV/AIDS là mảng trong Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh. Cái sự sang đảm nhiệm công việc mới của ông đã hình thành nên một danh xưng đầy ám chỉ “Hà AIDS giai đoạn cuối”…

“Hà AIDS giai đoạn cuối! Đúng và trúng lắm” – TTND Lê Thanh Hà tự nhận. Ông giải thích: Sau hơn 10 năm giữ cương vị Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng, việc điều chuyển sang nhiệm vụ khác đúng theo nguyên tắc tổ chức cán bộ. Trúng là ở chỗ, năm 2016 mình đã 58 tuổi rồi, việc chuyển từ đảm đương nhiều lĩnh vực xuống phụ trách một lĩnh vực là rất phù hợp với “tinh lực”. Và hơn nữa, công tác phòng chống HIV/AIDS trong giai đoạn này gặp nhiều khó khăn. Công tác này cần mình!

Nói về niềm vui công việc, ông khoe: Trước làm ở Trung tâm Y tế dự phòng, mình vốn đi nhiều, nay về làm ở Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An lại được đi nhiều hơn nữa. Cái hay là mình thích đi cơ sở bởi bây giờ vừa có thâm niên công tác lại vừa có “danh” nên những gì mình tuyên truyền, truyền đạt về phòng chống dịch bệnh, về HIV/AIDS thì mọi người nghe, tin và làm theo. Hiệu quả của các chuyến đi tốt lại trở thành động lực…

Càng đi nhiều, ông lại càng “thấu” hơn về những khó khăn của công tác mình phụ trách, đó là: Các dự án phòng chống HIV/AIDS do quốc tế đã rút, kinh phí gặp khó khăn, mạng lưới cộng tác viên có nguy cơ tan rã; việc phát hiện người nhiễm mới trở nên ngày càng thêm khó, họ ở vùng sâu vùng xa, nhiều mặc cảm, điều kiện kinh tế khó khăn; xuất hiện tình trạng người nhiễm bỏ trị; việc làm cho người nhiễm; nhận thức cộng đồng về bệnh chưa tốt; các trung tâm y tế tuyến huyện sát nhập với bệnh viện đa khoa tuyến huyện, mảng dự phòng phần nào bị lơ là… Từ những khó khăn đã thấy, TTND Lê Thanh Hà thêm sức mạnh, quyết tâm giúp người bệnh.

2 năm qua, TTND Lê Thanh Hà và các cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Nghệ An đã thực sự làm được nhiều việc: Đã tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, giúp cho công tác phòng chống HIV/AIDS ở các đơn vị y tế cơ sở đạt nhiều kết quả tốt, ngày càng rộng khắp và bền vững. Với người nhiễm, đã tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế và chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng vi rút HIV cho người nhiễm; tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch tiếp nhận kết quả chuyển giao các dự án quốc tế và giải pháp đảm bảo duy trì các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh….

Năm 2019 này là năm TTND Lê Thanh Hà được nghỉ hưu theo chế độ. Cái sự Hưu sắp cận kề mà ông chưa thấy thanh nhàn, thảnh thơi mà cứ đau đáu nỗi lo: Nghệ An đã đề ra đạt mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và tiến tới thanh toán đại dịch vào năm 2030. Tính đến cuối năm 2018, Nghệ An đã có 82,6% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình; 79,6% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 92,5% số người đang điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Để đạt 90-90-90, tiền đề đặt ra phải làm tốt việc phát hiện ra người nhiễm mới…

Bây giờ, việc phát hiện người nhiễm mới ngày càng khó. Khó nhất, yếu tố xét nghiệm HIV phải là sự tự nguyện mà không phải là bắt buộc. Người nghi ngờ nếu từ chối thì cán bộ y tế không được quyền xét nghiệm. Để khắc phục khó khăn này đòi hỏi cần tăng cường việc tuyên truyền cho những đối tượng là bạn tình, bạn chích của người nhiễm. Trong khi đó, việc chi trả kinh phí cho các cộng tác viên hiện nay lại dựa vào nguồn ngân sách nhà nước, không kích thích được đội ngũ cộng tác viên cộng tác. Cho nên, để vận động xét nghiệm, phát hiện người nhiễm mới đòi hỏi cán bộ y tế cơ sở phải tích cực, tâm huyết hơn. Nhưng bất cập là chế độ của họ cũng rất thấp, thiếu cơ chế bảo đảm và bảo vệ.

Lo lắng thì nhiều nhưng TTND Lê Thanh Hà vẫn luôn một niềm tin tuyệt đối vào sự phát triển của y học, sự phát triển của ngành y tế Việt Nam, y tế Nghệ An cũng như tin vào sự thật “Hiện nay, người nhiễm HIV nếu tuân thủ điều trị tốt thì có tuổi thọ ngang bằng người không có HIV. Tương lai sẽ có vắc xin phòng chống HIV”. Với ông, dịch bệnh thì không có gì là chắc chắn nhưng đã là người cán bộ y tế thì không vì khó khăn mà lùi bước, cần phải hết sức, hết lòng để tạo nên độ an toàn, bảo vệ sức khỏe người dân!