Nghị định về kinh doanh xăng, dầu cần hài hòa lợi ích các bên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Xăng dầu đang là vấn đề nóng hiện nay. Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. 

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng và hết sức nhạy cảm. Thị trường xăng dầu thế giới luôn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính trị. Trong điều hành giá xăng dầu, cơ quan điều hành phải luôn đảm bảo mục tiêu làm sao đáp ứng được nguồn cung, bám sát các biến động thị trường. Bên cạnh việc đảm bảo mục tiêu quản lý Nhà nước, phải tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, hài hoà giữa lợi ích của doanh nghiệp và người dân.

Vì vậy, Nghị định kinh doanh xăng dầu sẽ tác động rất lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này, tác động gián tiếp đến những doanh nghiệp đang sử dụng nguồn cung xăng dầu và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Các doanh nghiệp cho rằng, nếu được tự quyết giá xăng, thị trường sẽ minh bạch. Ảnh minh hoạ

Các doanh nghiệp cho rằng, nếu được tự quyết giá xăng, thị trường sẽ minh bạch. Ảnh minh hoạ

Thời gian qua, Bộ Công Thương ngăn chặn tình trạng thiếu xăng bán lẻ bằng cách xử phạt những cây xăng đóng cửa. Những cây xăng khác chấp nhận mở cửa nhưng cố tình bán nhỏ giọt cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn. Nếu tình trạng giá bán thấp hơn chi phí kéo dài thì các doanh nghiệp sẽ không chỉ bán hàng nhỏ giọt trước mắt mà sẽ không đầu tư mới, thậm chí rời bỏ thị trường trong dài hạn. Khi đó, hạ tầng năng lượng của quốc gia sẽ bị xuống cấp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân và an ninh năng lượng quốc gia.

Trong phương thức điều hành giá, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án. Phương án 1 là Nhà nước tiếp tục định giá xăng dầu và sửa đổi công thức tính giá để bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở. Công thức tính cụ thể sẽ do Bộ Tài chính đề xuất. Phương án 2 là Nhà nước không định giá xăng dầu mà sẽ do cung cầu của thị trường quyết định. Tại Văn bản số 288/BCT-TTTN ngày 18/01/2023, Bộ Công Thương ưu tiên lựa chọn phương án 1.

Nhiều doanh nghiệp lo ngại về tính hợp lý và khả thi của phương án 1. Theo đó, tinh thần “tính đúng, tính đủ” chi phí cho doanh nghiệp không phải đến bây giờ mới được đưa ra khi xây dựng công thức tính giá. Các Nghị định 95/2021/NĐ-CP, Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các văn bản trước đó đều coi việc “tính đúng, tính đủ” chi phí cho doanh nghiệp là nguyên tắc khi xây dựng công thức tính giá.

Tuy nhiên, trên thực tế điều này đã không làm được vì nhiều lý do: như tính toán chi phí này rất phức tạp, nhiều thông số đầu vào không có cơ sở tham chiếu hoặc rất dễ bị báo cáo sai lệch. Hơn nữa, các chi phí này thường được ghi theo năm kế toán, tức là phải đợi hết năm mới có con số chính xác, trong khi chi phí thực có thể biến đổi mạnh vào bất kỳ thời điểm nào trong năm…

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xây dựng kế hoạch cung ứng xăng dầu. Ảnh: TH

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xây dựng kế hoạch cung ứng xăng dầu. Ảnh: TH

Đối với phương án 2, giá bán do cung cầu quyết định thì sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường. Nếu thị trường có mức độ cạnh tranh cao thì giá bán sẽ rất sát với chi phí. Ngược lại, nếu thị trường có ít nhà cung cấp hoặc các nhà cung cấp bắt tay với nhau để nâng giá thì giá bán sẽ cao hơn chi phí. Để khắc phục tình trạng này, cần thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường bằng nhiều biện pháp như cho phép mở các cây xăng gần nhau, cho phép nhập hàng từ nhiều nguồn, hạ rào cản gia nhập thị trường xăng dầu và điều tra hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh khi có dấu hiệu.

Theo VCCI, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc lựa chọn phương án 2. Lý do lựa chọn là vì có biện pháp khắc phục nhược điểm của phương án 2, trong khi phương án 1 không có biện pháp hiệu quả để khắc phục nhược điểm. Trong trường hợp lần sửa đổi này, tạm thời lựa chọn phương án 1 thì cần có lộ trình để sớm sửa đổi theo phương án 2. Bởi nếu cơ chế quản lý giá này kéo dài thì an ninh năng lượng luôn bấp bênh và hạ tầng năng lượng sẽ không được đầu tư, phát triển.

Người dân đổ xăng ở thành phố VInh. Ảnh: Quang An

Người dân đổ xăng ở thành phố VInh. Ảnh: Quang An

Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ phản ánh tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm. Điều này khiến các cửa hàng bán lẻ không muốn bán hàng, nhưng buộc phải bán vì nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt. Trong trường hợp giá bán lẻ điều hành thấp hơn toàn bộ chi phí của chuỗi cung ứng thì các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sẽ không có động lực để kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương phải quy định mức chiết khấu tối thiểu cho các cửa hàng bán lẻ.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án: Phương án 1 là không quy định cụ thể mức chiết khấu. Phương án 2 là quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu. Bộ Công Thương lựa chọn phương án 1 với lý do đây là quan hệ dân sự, giành quyền chủ động cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với cách thức này thì Nhà nước đang can thiệp vào thị trường một cách nửa vời. Một mặt Nhà nước tôn trọng quan hệ dân sự bằng cách không quy định chiết khấu tối thiểu hay giá bán buôn tối đa và không xử phạt bên bán buôn khi dừng bán hàng. Mặt khác, Nhà nước lại can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ bằng cách quy định giá bán lẻ tối đa và xử phạt khi cửa hàng bán lẻ ngừng bán. Chính sự thiếu nhất quán trong chính sách này đã gây ra những hệ quả như trên đã trình bày và phân tích. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng, trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu; trong trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ thì cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng còn khá nhiều điểm bất cập như: Bộ Công Thương đưa ra hai phương án, không cho phép (phương án 1) và cho phép (phương án 2) các cửa hàng bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn. Trong Tờ trình, Bộ Công Thương vẫn thể hiện sự lo ngại nếu quy định như vậy sẽ trái Luật Thương mại, khó kiểm soát chất lượng xăng dầu và không có đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp xăng cho cửa hàng bán lẻ khi nguồn cung khan hiếm.

Tình trạng nhiều doanh nghiệp bán lẻ đệ đơn dừng bán xăng dầu được dự báo có thể sẽ còn xảy ra khi doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh không có lãi. Ảnh tư liệu: Hoàng Minh

Tình trạng nhiều doanh nghiệp bán lẻ đệ đơn dừng bán xăng dầu được dự báo có thể sẽ còn xảy ra khi doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh không có lãi. Ảnh tư liệu: Hoàng Minh

Bộ Công Thương dự định sẽ bổ sung quy định thương nhân phân phối chỉ được phép nhập hàng của 03 thương nhân đầu mối và không được lấy hàng từ thương nhân phân phối khác. Quy định này được thuyết minh là nhằm gắn trách nhiệm của thương nhân đầu mối cung cấp hàng cho các thương nhân phân phối khi nguồn cung xăng dầu khó khăn. VCCI cho rằng, lo ngại này là không thực sự cần thiết. Để xử lý vấn đề các bên găm hàng thì cần tăng tính linh hoạt của thị trường nhằm tạo thuận lợi cho các thương nhân chuyển hàng từ nơi thừa đến nơi thiếu, chứ không nên hạn chế, cản trở chuỗi phân phối.

Cũng theo Bộ Công Thương, mục tiêu của Quỹ bình ổn giá xăng dầu là nhằm khiến giá xăng dầu không tăng và giảm quá mạnh, từ đó giúp tránh lạm phát kỳ vọng, lạm phát tâm lý. Theo đó, nếu không có Quỹ thì khi giá xăng tăng sẽ khiến giá cả hàng hoá khác tăng theo, nhưng khi giá xăng giảm thì giá cả hàng hoá khác không giảm theo. Cơ quan Nhà nước kỳ vọng rằng, Quỹ bình ổn sẽ giúp làm giảm biên độ biến động giá xăng dầu trong nước. Đây là mong muốn hợp lý. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu thì việc điều hành Quỹ trong thời gian qua đã không đạt được mục tiêu này.

Nguyên nhân là do nhà điều hành không thể tiên đoán được giá xăng dầu trong tương lai. Như vậy, cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy Quỹ bình ổn không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá như mong muốn của Nhà nước. Do đó, nhiều doanh nghiệp đề nghị bỏ Quỹ này.

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 của Bộ Công Thương lần này là rất rõ ràng, thẳng thắn và cầu thị. Dự thảo đã thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và nhu cầu sửa đổi Nghị định này trong cộng đồng doanh nghiệp là rất lớn. Chúng tôi cho rằng, về quan điểm trong việc soạn thảo Dự thảo Nghị định lần này, cần nhất quán quan điểm về cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai minh bạch. VCCI tin rằng khi mà đáp ứng yêu cầu này thì sẽ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người dân" - ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho biết.

Tin mới