Nghi Lộc: Chuyển biến tích cực từ thu hút đầu tư

(Baonghean.vn) - Nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn từng bước tiếp đà cho kinh tế- xã hội huyện Nghi Lộc phát triển.
Động lực từ những công trình trọng điểm
 Dấu ấn đầu tiên và nổi bật nhất của bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội huyện Nghi Lộc năm 2017 đó là một loạt công trình hạ tầng trọng yếu của tỉnh trên địa bàn huyện được đưa vào sử dụng. Sau một thời gian thi công khẩn trương, công trình đường N5 dài 29 km, nối Hòa Sơn (Đô Lương) qua Quốc lộ 1A tới cảng nước sâu Nghi Thiết (Nghi Lộc) đã hoàn thành. Việc đưa công trình này vào sử dụng không chỉ thu hẹp khoảng cách giữa các xã phía Tây với phía Đông huyện Nghi Lộc, mà còn là động lực kết nối kinh tế của vùng miền Tây của tỉnh, với điểm đầu là Đô Lương về gần hơn với Khu kinh tế Đông Nam. Đây là niềm vui, thành tựu của không riêng Nghi Lộc mà còn của cả tỉnh Nghệ An. 
Cảng Vissai (Nghi Thiết- Nghi Lộc) đưa vào khai thác tháng 10/2017. Ảnh: Mạnh Hùng
Cảng Vissai (Nghi Thiết- Nghi Lộc) đưa vào khai thác tháng 10/2017. Ảnh: Mạnh Hùng
Qua trao đổi, ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc khẳng định, những công trình trên đã giúp huyện khai thác hiệu quả nguồn lực; đồng thời mở ra các cơ hội, tiềm năng mới cho huyện. Minh chứng rõ nét nhất là sau khi đường N5 hình thành, một dự án tạo điểm nhấn mới cho hạ tầng kinh tế huyện là Khu công nghiệp Hemaraj được Tập đoàn đến từ Thái Lan vào đầu tư.
 Những năm vừa qua, để phục vụ cho các dự án lớn của tỉnh, nhiều diện tích đất của huyện Nghi Lộc bị thu hồi nên sức ép trong giải quyết việc làm cho người dân của huyện khá lớn. Sau khi tập trung dồn sức giải phóng, bàn giao mặt bằng cho dự án Cảng biển, Trạm nghiền xi măng Nghi Thiết, hiện nay, huyện đang tích cực giải phóng để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư Thái Lan, lập quy hoạch chi tiết 2 bên đường N5 để ban hành danh mục kêu gọi dự án đầu tư. Cùng đó, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC ở Nghi Tiến với quy mô trên 10.500 tỷ đồng đang tích cực xúc tiến đầu tư hứa hẹn là dự án tạo ra điểm nhấn mới cho kinh tế du lịch, dịch vụ của cả tỉnh.
Trong năm 2017 huyện Nghi Lộc cũng đã đưa cầu vượt đường sắt tại thị trấn Quán Hành vào sử dụng, giúp kết nối Tỉnh lộ 534, đường tránh Vinh với Quốc lộ 1A và vùng kinh tế phía Đông huyện được thuận lợi, an toàn hơn. Bên cạnh đó, cũng trong năm, cụm công trình Trạm nghiền xi măng The Vissai và 2 cầu của Cảng biển quốc tế Nghi Thiết cho tàu trên 70.000 tấn cập cảng đã đi vào hoạt động, hứa hẹn mang lại nguồn thu cho ngân sách và phát triển các dịch vụ hậu cần, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động quanh vùng.
Tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển bền vững
Nghi Lộc được đánh giá là huyện gặp nhiều khó khăn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng vì một số lý do khách quan; trong đó có lý do là có nhiều dự án thu hồi đất lớn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân. Chính vì vậy, trên cơ sở thực hiện đúng quy định chung của pháp luật, huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và triển khai đầy đủ, nghiêm túc; mặt khác, tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ của tỉnh và nhà đầu tư và tiếp xúc, lắng nghe những kiến nghị hợp pháp của người dân để tiến hành giải phóng mặt bằng cho các công trình dự án.
Nghi Lộc:  Chuyển biến tích cực  từ thu hút đầu tư ảnh 2
Nghi Lộc:  Chuyển biến tích cực  từ thu hút đầu tư ảnh 3
Sản xuất ở Trạm nghiền xi măng Nghi Thiết Ảnh: Nguyên Sơn
Theo ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện, với cách làm đó, những năm gần đây, Nghi Lộc không chỉ bàn giao giải phóng mặt bằng đúng hẹn cho các dự án lớn của tỉnh, mà còn có những diện tích đất mời gọi, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào địa bàn.
Năm 2017, sau khi hoàn thành cơ bản việc giải tỏa nút giao đường N5 và bàn giao mặt bằng Trạm nghiền xi măng cho Tập đoàn Xi măng The Vissai và cảng biển ở Nghi Thiết, huyện đang tích cực giải tỏa mặt bằng cho Khu công nghiệp Hemaraj tại xã Nghi Thuận và xã Nghi Long và tiếp tục xúc tiến chuẩn bị các thủ tục thu hồi đất một số dự án lớn khác. 
Đến thời điểm này, Nghi Lộc là một trong những huyện có số lượng dự án đầu tư vào địa bàn lớn nhất tỉnh với 60 dự án, số vốn đăng ký là 2.187 tỷ đồng, trong đó năm 2017 là 542 tỷ đồng. 21 dự án khác đang làm thủ tục trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. 
Nghi Lộc chú trọng cải thiện môi trường, tích cực tạo điều kiện thu hút thêm các dự án đầu tư vào địa bàn nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển và tạo thêm việc làm cho người lao động. Ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc chia sẻ thêm: Hy vọng với những công trình đầu tư sẽ tạo đà cho kinh tế - xã hội huyện nhà chuyển biến tích cực và bền vững. Điều đó, bên cạnh góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện đặt ra trong giai đoạn 2015 – 2020, còn làm nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo.

Tin mới