Nghi Lộc - Điểm sáng bảo vệ môi trường

(Baonghean) - Trong những năm qua, Nghi Lộc triển khai nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp cải thiện môi trường. Chính vì vậy công tác này dù được đánh giá là khó nhưng đã đạt những kết quả quan trọng.

Gõ cửa từng nhà
Năm 2015, để từng bước được công nhận là đô thị loại 5 theo Nghị quyết HĐND huyện Nghi Lộc, UBND thị trấn huyện đã ban hành đề án dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn.
Thực hiện đề án này, mỗi năm UBND thị trấn đầu tư trên 500 triệu đồng để giải quyết vấn đề môi trường. Đồng thời, UBND thị trấn cũng đã chỉ đạo 100% khối dân cư trên địa bàn thực hiện tốt việc thu gom rác thải và phân loại rác thải.
Đối với những chai lọ có thể tái sinh được các gia đình tập trung lại một chỗ, những rác thải không thể phân hủy được đưa đến xe thu gom chuyển về bãi tập kết. 
Hàng tuần, các khối dân cư phát động các hộ gia đình ra quân tổng dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm. Bà Hồ Thị Thủy ở khối 4, thị trấn Quán Hành nói: Ở thị trấn Quán Hành thì việc thu gom rác thải được thực hiện hàng ngày.
Đoàn Thanh niên Nghi Lộc dọn vệ sinh môi trường.
Đoàn Thanh niên Nghi Lộc dọn vệ sinh môi trường.
Ở xã Nghi Long, ông Nguyễn Tứ Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ khi đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng khu công nghiệp Nam Cấm thì chăn nuôi phát triển, trở thành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Hiện toàn xã có 1.500 con lợn, 1.300 con bò, 37.000 con gia cầm. Mỗi năm, thu nhập từ chăn nuôi đạt 25 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35% nội ngành nông nghiệp.
Chăn nuôi phát triển thì ô nhiễm môi trường cũng gia tăng. Nhiều hộ dân xả chất thải chăn nuôi vào mương thoát nước làm gia tăng ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.
Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền xã Nghi Long đã tìm nhiều giải pháp khắc phục. Cán bộ môi trường tích cực tham mưu, giúp chính quyền triển khai công tác này tại các khu dân cư. Tổ chức cho các hộ dân ký cam kết phát triển chăn nuôi phải gắn liền với bảo vệ môi trường. Ai vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật
Năm 2015, Đảng ủy Nghi Long chỉ đạo UBND xã xây dựng Đề án phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường giai đoạn 2015 – 2020. Chủ trương giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, chuyển dần sang chăn nuôi gia trại, trang trại và tách khỏi khu dân cư.
Xã vận động khuyến khích hộ chăn nuôi xây bể bi ô ga để vừa tận dụng chất đốt vừa xử lý được chất thải chăn nuôi hoặc xây hầm ủ phân đảm bảo vệ sinh môi trường. Chính quyền xã hỗ trợ 1/3 tổng kinh phí đầu tư cho các hộ chăn nuôi.
Hiện, Nghi Long đã có 130 hộ chăn nuôi quy mô vừa và lớn ký cam kết bảo vệ môi trường. Toàn xã có 40 hộ xây được bể bi ô ga, 30 hộ xây được hầm ủ chất thải chăn nuôi. 
Hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Đoàn thanh niên Nghi Lộc là một trong những lực lượng tiên phong trong phong trào bảo vệ môi trường.
Cùng với việc phát động thành lập được 40 câu lạc bộ, đội nhóm bảo vệ môi trường, BTV Huyện đoàn còn chỉ đạo 100% tổ chức cơ sở đoàn xây dựng phong trào ngày thứ Bảy tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh và xây dựng đoạn đường thanh niên xanh sạch đẹp.
Chị Nguyễn Thị Lê – Bí thư Huyện đoàn Nghi Lộc trao đổi:
"BTV Huyện đoàn đã chỉ đạo đoàn 30 xã, thị Trấn, các cơ quan trường học phải thành lập đội thanh niên tình nguyện về công tác bảo vệ môi trường. Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân phân biệt rác thải, xử lý rác thải ngay từ trong hộ gia đình. Đồng thời, ban thường vụ lấy việc thực hiện tiêu chí môi trường tại các đơn vị là tiêu chí đánh giá thi đua xếp loại".
Với phương châm “sạch từ mỗi gia đình, khu dân cư”, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường qua các phong trào như: “5 không, 5 sạch” của Hội phụ nữ; “Ngày thứ bảy tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh” của Đoàn thanh niên; “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Sạch đồng sạch ruộng” của Hội nông dân, mô hình đào hố thu gom rác thải tại nhà của hội CCB… 
Chị Phạm Thị Quỳnh Nga – Chuyên viên phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghi Lộc cho biết: "Năm 2016 chúng tôi phấn đấu sẽ có thêm 4 xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. UBND huyện đã có hướng dẫn cụ thể và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho mỗi địa phương 40 triệu đồng để phục vụ cho công tác môi trường”.
Hiện nay, tại các địa phương định kỳ mỗi tuần 2 lần, đều có tổ vệ sinh môi trường tổ chức thu gom rác thải tại các trục đường chính trong khu dân cư, vận chuyển đến điểm xử lý tập trung.
Về Nghi Lộc hôm nay, diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi. Đường làng, ngõ xóm phong quang sạch sẽ, không khí trong lành, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.
Hồng Vinh
(Đài Nghi Lộc)
TIN LIÊN QUAN

Tin mới