Nghi Lộc hành trình hơn nửa thiên niên kỷ

Với địa danh có truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng, có những đóng góp mang dấu ấn lịch sử to lớn vào công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, kỷ niệm 550 năm thành lập huyện và 125 năm danh xưng Nghi Lộc là dịp Đảng bộ và nhân dân huyện ven đô thêm hiểu biết, trân trọng vùng đất văn hiến, anh hùng, tạo động lực xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh…

Nằm ở hạ lưu sông Lam và sông Cấm, Nghi Lộc mang trong mình truyền thống văn hóa lâu đời của một vùng quê xứ Nghệ. Khảo cổ học cho thấy, từ thời cổ đại trên vùng đất Nghi Lộc đã có dấu vết cư dân sinh sống. Nghi Lộc tự hào là vùng đất khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ, đất “thang mộc” của các dòng chúa Nguyễn, chúa Trịnh. Trên địa bàn huyện từng diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, được ghi chép khá đầy đủ trong chính sử.

Trải qua lịch sử hàng ngàn năm, địa giới hành chính và tên gọi huyện Nghi Lộc đã có nhiều thay đổi. Sau nhiều biến thiên, đến năm Kỷ Sửu (1469) vua Lê Thánh Tông định bản đồ cả nước, trong đó xác định rõ huyện Chân Phúc thuộc phủ Đức Quang, thừa tuyên Nghệ An. Đây là sự kiện được lấy làm mốc kỷ niệm tiến trình lịch sử 550 năm xây dựng và phát triển của huyện Nghi Lộc ngày nay.

Huyện Nghi Lộc cũng đã trải qua nhiều tên gọi như: Dương Thành, Dương Toại, Phố Dương, Tân Phúc, Nghi Chân, Chân Phúc, Chân Lộc và Nghi Lộc. Đối với danh xưng Nghi Lộc đã được xác định có từ năm Giáp Ngọ đời vua Thành Thái (1894), đến nay vừa tròn 125 năm.

Đài tưởng niệm Kênh nhà Lê.
Đài tưởng niệm Kênh nhà Lê.

Huyện Nghi Lộc từ xưa đến nay, tuy đã có nhiều lần điều chỉnh địa giới, nhưng cơ bản vẫn là vùng đất non nước hữu tình, “đông biển, tây rừng”. Với vị trí địa lí, địa hình của Nghi Lộc thuận lợi nhiều mặt cho phát triển kinh tế và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Nghi Lộc vinh dự tự hào đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi. Vùng đất này trở thành “phên dậu”, tuyến phòng thủ, căn cứ địa… của nhiều danh tướng các triều đại: Lý, Trần, Lê  đến Nguyễn Huệ – Quang Trung và trong phong trào Cần Vương, nhiều nơi trên đất Nghi Lộc là nơi đứng chân của nghĩa quân các chí sĩ yêu nước…

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, vùng đất Nghi Lộc vừa là hậu phương vừa tiền tuyến, có các huyết mạch giao thông quan trọng phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng hóa đến các chiến trường, đồng thời, có nhiều địa điểm được chọn làm căn cứ quân sự phục vụ chiến đấu và chiến đấu, phòng thủ…

Cầu Cấm trong kháng chiến chống Mỹ; Thanh niên huyện Nghi Lộc đăng ký tòng quân nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, năm 1979.
Cầu Cấm trong kháng chiến chống Mỹ; Thanh niên huyện Nghi Lộc đăng ký tòng quân nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, năm 1979.

Cùng với sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, nhân dân Nghi Lộc đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Hơn 13.000 thanh niên đã tham gia quân đội, chiến đấu ở các chiến trường, gần 2.000 dân công hỏa tuyến, 1.600 thanh niên xung phong phục vụ trên các mặt trận và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó. Làng đóng tàu Trung Kiên (Nghi Thiết) đã đóng hàng trăm con “Tàu không số” vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên Đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Nghi Lộc đã hiến dâng cho Tổ quốc hơn 4.682 liệt sĩ.

Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, các thế hệ người dân tiếp nối nhau làm rạng danh cho đất nước và tô thắm thêm truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương. Từ xưa, trong các làng quê nghèo đã xuất hiện những dòng họ khoa bảng nổi tiếng khắp cả nước, như: Họ Nguyễn, Ngô, Đinh,… Trải qua các giai đoạn lịch sử, Nghi Lộc luôn xuất hiện những nhân vật trí thức có học vấn uyên bác, như: Tiến sỹ Đông các đại học sĩ Phạm Nguyễn Du, Song nguyên Nguyễn Ngọc (vừa đỗ đầu thi Hội và thi Đình); “Nhân sư” Nguyễn Thức Tự – Người từng dạy học cho cụ Nguyễn Sinh Sắc – Thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lê Văn Miến – Họa sĩ, nhà giáo lớn của 2 thế kỷ, người đã từng dạy học cho Nguyễn Tất Thành; Nhà phê bình văn học Hoài Thanh, Hoài Chân với tác phẩm “Thi nhân Việt Nam”… Trên địa bàn huyện hiện còn bảo tồn được hệ thống di tích lịch sử văn hóa khá đồ sộ với 240 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 12 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh.

"Đường vô xứ Nghệ quanh quanh".

Truyền thống lịch sử, văn hóa và điều kiện địa lý đó đã sinh ra và nuôi dưỡng những con người kiên cường, bất khuất, anh dũng trong chiến đấu chống ngoại xâm; cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó trong lao động sản xuất; ham học hỏi, quý trọng nhân tài, dám nghĩ, dám làm, sống trung thực, nghĩa tình. Trong đó, xuất hiện nhiều trí thức, nhân tài có nhiều đóng góp xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, như: Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Giáo sư, NGND Nguyễn Đình Chú…  Trong lĩnh vực quân sự, Nghi Lộc xuất hiện nhiều tướng lĩnh kiệt xuất, như: Thượng tướng Trần Văn Quang, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Thiếu tướng Hoàng Đan… Hiện nay, Nghi Lộc là huyện có nhiều tướng lĩnh nhất của tỉnh Nghệ An và của cả nước.

Ngày nay, với sự quan tâm và lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các ngành các cấp, cán bộ và nhân dân đoàn kết, đồng thuận, Nghi Lộc đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nông thôn được nâng lên.

Nghi Lộc đã và đang trở thành vùng kinh tế năng động.
Nghi Lộc đã và đang trở thành vùng kinh tế năng động.

Trong phát triển kinh tế, Nghi Lộc đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành vùng kinh tế năng động, địa phương Khu Kinh tế Đông Nam, nhiều dự án trọng điểm của tỉnh triển khai trên địa bàn. Sau khi tập trung dồn sức giải phóng, bàn giao mặt bằng cho dự án Cảng biển, Trạm nghiền xi măng Nghi Thiết, hiện nay, huyện đang tích cực giải phóng để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư Thái Lan, lập quy hoạch chi tiết 2 bên đường N5 để ban hành danh mục kêu gọi dự án đầu tư.

Cùng đó, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC ở Nghi Tiến với quy mô trên 10.500 tỷ đồng đang tích cực xúc tiến đầu tư hứa hẹn là dự án tạo ra điểm nhấn mới cho kinh tế du lịch, dịch vụ của cả tỉnh; mở ra các cơ hội, tiềm năng mới cho huyện.

Cán bộ xã Nghi Hoa trao đổi với người dân; Giao dịch tại bộ phận một cửa xã Nghi Thạch; Phát triển tiểu thủ công nghiệp ở Nghi Lộc; Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Nghi Lộc kiểm tra mô hình kinh tế.
Cán bộ xã Nghi Hoa trao đổi với người dân; Giao dịch tại bộ phận một cửa xã Nghi Thạch; Phát triển tiểu thủ công nghiệp ở Nghi Lộc; Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Nghi Lộc kiểm tra mô hình kinh tế.

Đối với lĩnh vực công tác xây dựng Đảng ngày càng được quan tâm cả về nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, tổ chức và phát triển lực lượng: hàng năm có trên 75% đảng bộ, chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, Đảng bộ huyện nhiều năm liền giữ được danh hiệu “Đảng bộ trong sạch vững mạnh”.

Tổ chức lễ Kỷ niệm 550 năm thành lập huyện và 125 năm danh xưng Nghi Lộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghi Lộc tự hào được sống, làm việc và cống hiến trên vùng đất anh hùng và văn vật; là quê hương của nhiều bậc  anh tài và tuấn kiệt; tự hào về những giá trị văn hóa vô giá, cả vật thể và phi vật thể mà tiền nhân để lại; tự hào về những thành tích vẻ vang mà cha anh giành được trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ; tự hào về những thành tích xuất sắc đã giành được trong sự nghiệp đổi mới; tự hào về những người con quê hương, đang học tập, công tác và sinh sống ở mọi miền đất nước và nước ngoài, có tài năng nổi tiếng trong nước và thế giới, trên các lĩnh vực.

Gắn biển công trình khánh thành Khu  tưởng niệm Nguyễn Duy Trinh ( xã Phúc Thọ) công trình chào mừng 550 năm Danh xưng Nghi Lộc.
Gắn biển công trình khánh thành Khu tưởng niệm Nguyễn Duy Trinh ( xã Phúc Thọ) công trình chào mừng 550 năm Danh xưng Nghi Lộc.

Đây cũng là hoạt động tuyên truyền làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện hiểu biết sâu sắc, trân trọng, tự hào về quá trình lịch sử lâu đời của địa phương để tạo nên động lực tinh thần, khí thế hào hùng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh hăng hái học tập, công tác, lao động, sản xuất đưa huyện nhà phát triển đồng bộ trên tất cả các mặt, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020, tạo tiền đề, động lực cho công cuộc xây dựng và phát triển của huyện nhà trong thời gian tới.