Nghi Lộc: Nhiều nguồn thực phẩm sạch phục vụ Tết

(Baonghean.vn) - Để chủ động cung ứng nguồn thực phẩm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, hiện bà con nông dân huyện Nghi Lộc đang tập trung chăm sóc các thực phẩm an toàn.

Rau xanh Nghi Lộc sạch, tươi, được người tiêu dùng thành phố Vinh ưa chuộng. Chuẩn bị nguồn rau xanh phục vụ Tết năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Hải ở xóm 13, xã Nghi Long sản xuất 4 sào rau, củ có thời gian sinh trưởng ngắn ngày như rau cải, bắp cải, su hào, súp lơ, cà rốt… 

"Năm nay  thời tiết không thuận lợi cho sản xuất rau, đây là lứa rau tôi trồng lại, áp dụng kỹ thuật sản xuất sạch theo quy trình VietGAP với mong muốn bán được giá hơn; hầu như đưa vào Vinh có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu" - chị Nguyễn Thị Hải chia sẻ.
4 sào rau, củ của chị Nguyễn Thị Hải xóm 13, xã Nghi Long (Nghi Lộc) bắt đầu cho thu hoạch. Ảnh: Thu Hiền

4 sào rau, củ của chị Nguyễn Thị Hải ở xóm 13, xã Nghi Long (Nghi Lộc) bắt đầu cho thu hoạch. Ảnh: Thu Hiền

Nghi Long là xã vùng màu của huyện Nghi Lộc với thế mạnh sản xuất rau hàng hóa. Hiện toàn xã có 80 ha sản xuất rau màu quanh năm, riêng vụ đông này diện tích mở rộng thêm khoảng 20 ha; mỗi năm, bà con sản xuất được trên 10.000 tấn rau, củ các loại với tổng giá trị hàng tỷ đồng.

Để cây rau phát triển tốt, đảm bảo vệ sinh ATTP cho người tiêu dùng, năm nay xã Nghi Long chỉ đạo bà con áp dụng sản xuất quy trình VietGAP. Dự kiến trong dịp Tết Kỷ Hợi này, toàn xã sẽ cung cấp khoảng 1.000 tấn rau sạch phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.

Bà con nông dân xã Nghi Long (Nghi Lộc) sản xuất đậu cô ve theo quy trình VietGAP. Ảnh: Thu Hiền.

Bà con nông dân xã Nghi Long (Nghi Lộc) sản xuất đậu cô ve theo quy trình VietGAP. Ảnh: Thu Hiền.

Ngoài mặt hàng rau, củ, nông dân Nghi Lộc còn có thế mạnh chăn nuôi. Hiện nay, toàn huyện có 312 trang trại, gia trại. Trong đó có hơn 50 trang trại nuôi gà mỗi lứa từ 200 - 1.000 con; 10 trang trại chăn nuôi lợn, mỗi lứa trên 500 con và hàng trăm gia trại nuôi gà, dê, bò... đã sẵn sàng nguồn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán.  
Mô hình nuôi lợn của ông Nguyễn Đình Hương xóm 7, xã Nghi Trung (Nghi Lộc). Ảnh: Thu Hiền

Trang trại nuôi lợn của ông Nguyễn Đình Hương ở xóm 7, xã Nghi Trung (Nghi Lộc). Ảnh: Thu Hiền

Ông Nguyễn Đình Hương ở xóm 7, xã Nghi Trung cho biết: Năm 2018, thị trường đầu ra thuận lợi nên gia đình tu sửa chuồng trại nuôi 500 con lợn giống và lợn thịt; chất thải chăn nuôi được tận dụng nuôi cá trôi, trắm, mè, chép, rô phi... Mấy ngày nay, gia đình xuất bán lợn với giá 50.000 đồng/kg lợn hơi.

"Nếu giá cả ổn định như hiện tại, tôi ước tính có nguồn thu nhập hơn 450 triệu đồng từ mô hình nuôi lợn - cá này. Chăn nuôi có năm được năm mất, nhưng từ giữa năm 2018 lại đây giá cả bắt đầu tăng, nên nhà tôi khôi phục lại tổng đàn. Nhìn chung thị trường năm nay khởi sắc, mong lứa lợn cuối năm xuất bán được giá để có thêm thu nhập đón Tết.  

Các hộ chăn nuôi xã Nghi Trung chuẩn bị nguồn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán. Ảnh: Thu Hiền

Các hộ chăn nuôi gà xã Nghi Trung cũng đang chuẩn bị nguồn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán. Ảnh: Thu Hiền

Cùng với công tác tuyên truyền, hiện các ngành chuyên môn huyện Nghi Lộc tăng cường kiểm soát, kiểm dịch vật nuôi vận chuyển ra, vào địa bàn nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.  

Với những sản phẩm rất đa dạng, phong phú, hiện nay nguồn thực phẩm ở Nghi Lộc đang trở thành địa chỉ tin cậy không chỉ đối với người tiêu dùng... Đây là nguồn thu nhập lớn để bà con nông dân đón Tết vui Xuân sung túc, đầy đủ hơn.

Cam Xã Đoài - đặc sản Nghi Lộc đang rất đắt hàng. Ảnh: Trân Châu
Cam Xã Đoài - đặc sản Nghi Lộc đang rất đắt hàng. Ảnh: Trân Châu

Tin mới