Nghĩa Sơn về đích NTM sớm nhờ dân tin, dân góp và dân làm

(Baonghean) - Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn)  đón Bằng đạt chuẩn NTM đúng thời điểm xã kỷ niệm tròn 20 năm thành lập. Đây là mốc son mới trong chặng đường phát triển đi lên của xã. 
Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) vào năm 2011, do các công trình hạ tầng kỹ thuật cơ bản được đầu tư khá lâu đã xuống cấp; đất sản xuất của nông trường chuyển giao cho Công ty CP Thực phẩm sữa TH, xét  tiêu chí NTM chỉ mới đạt 7- 8 tiêu chí, để huy động nguồn lực thực hiện các tiêu chí NTM trong bối cảnh đầu tư từ ngân sách hạn hẹp đặt xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn) trước nhiều khó khăn, thách thức.  
Đồng chí Trần Đăng Huy - Bí thư Đảng ủy xã có biết: Trước tình hình đó, trên cơ sở tiếp thu đầy đủ chủ trương, chính sách của cấp trên, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã phân tích, đối chiếu với điều kiện thực tế địa phương; tiến hành khảo sát nghiêm túc để xây dựng Nghị quyết và Đề án thực hiện, trong đó nêu rõ lộ trình thực hiện, về đích NTM và các giải pháp. Với sự vào cuộc đồng bộ, từ tuyên truyền vận động đến các giải pháp triển khai quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ xã đến xóm đã tạo chuyển biến thực sự. Người dân từ thái độ trông chờ, ỷ lại, coi nhà nước là chủ thể đã thấu hiểu và chuyển sang vị thế chủ thể, tự “dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”.
Kiểm tra tiến độ xây dựng bãi rác tập trung của xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn).
Thi công công trình xây dựng bãi rác tập trung của xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn).
Thay vì nêu những vấn đề chung chung, chưa cụ thể, xã chọn những nội dung, tiêu chí thiết thực với đời sống người dân, sau khi thực hiện chắc chắn sẽ tốt hơn, để từ đó có sự đồng thuận. Bên cạnh đó, có những tiêu chí cần đến chiều sâu và sự bền vững, xã cũng mạnh dạn xin ý kiến nhân dân để triển khai một cách căn cơ, bài bản.
Với nhận thức và cách làm phù hợp trên, trong vòng 5 năm, Nghĩa Sơn thực hiện xong 11 tiêu chí còn lại, đáng chú ý trong vòng 1 năm từ tháng 10/2015 đến nay, xã hoàn thành 6 tiêu chí còn lại thuộc diện khó nhất là y tế, giao thông nông thôn, thiết chế văn hóa, môi trường, mô hình tổ chức sản xuất và thông tin liên lạc.
Trên lĩnh vực hạ tầng giao thông - thủy lợi, khởi đầu chỉ có 8,2/30 km trục đường thôn xóm và nội đồng được nhựa, cứng hóa. Sau 5 năm, Nghĩa Sơn đã huy động được trên 15 tỷ đồng, làm xong 23,44 km đường giao thông, đạt tỷ lệ 91,6%. Ngoài việc góp tiền mặt gần 4 tỷ đồng (bình quân 2 triệu đồng/khẩu), người dân còn hiến gần 2.500 m2 đất và góp công giải tỏa làm các tuyến đường trị giá 1,146 tỷ đồng, qua đó đưa tỷ lệ trục đường thôn và xóm được bê tông và cứng hóa đạt 92,8 km và 85,3%, vượt yêu cầu đề ra (chỉ 70%). Chất lượng nguồn cung điện và môi trường là 2 vấn đề nổi cộm nhất của Nghĩa Sơn khi bước vào xây dựng NTM;  nguyên nhân do mạng lưới điện đầu tư từ năm 1978 nay xuống cấp nặng.
Vì vậy, xã quyết tâm phải “gỡ” được 2 tiêu chí trên. Với sự vào cuộc của huyện, trước mắt ngành điện đầu tư gần 8 tỷ đồng để cải tạo đường dây và lắp đặt một số trạm treo, nên tiêu chí về điện cơ bản được giải quyết. Để xử lý vấn đề môi trường, một mặt xã mạnh dạn đăng ký làm mô hình điểm của MTTQ huyện về vệ sinh môi trường, trong đó đầu tư mỗi hộ dân một hố rác tại nhà, xã cũng đầu tư trên 250 triệu đồng xây dựng 1 bãi rác tập trung để thu gom trước khi chuyển đi bãi rác của huyện. Đồng thời, các vấn đề môi trường liên quan đến các trại chăn nuôi bò sữa của TH cũng dần được tháo gỡ, giải quyết.
Về Nghĩa Sơn hôm nay, không chỉ ấn tượng với việc hầu hết đường làng ngõ xóm đã được bê tông hóa, mà còn là cách người dân địa phương năng động chuyển đổi ngành nghề kinh tế để thích ứng với điều kiện sản xuất mới. Do phần lớn đất sản xuất đã bị thu hồi nên xã vừa có chủ trương khuyến khích người dân tận dụng tốt quỹ đất còn lại (khoảng 17 ha) để phát triển diện tích cây có múi và các loại cây ăn quả khác, phát triển nghề nuôi ong lấy mật; mặt khác, vừa động viên người dân mạnh dạn vay vốn để phát triển dịch vụ và các ngành nghề phụ, thuê đất của các xã bạn để trồng cây ăn quả…; tổ chức kết nối, phối hợp với Công ty CP Thực phẩm sữa TH để tìm việc làm cho lao động hoặc tạo điều kiện cho lao động đi xuất khẩu.
Với sự đa dạng về ngành nghề như trên, mặc dù đất sản xuất không nhiều nhưng Nghĩa Sơn là xã có các mô hình cây con đa dạng và năng động khi có hàng chục mô hình cây con cho thu nhập ít nhất là 100 -150 triệu đồng/năm, cao nhất là 350 -500 triệu đồng/năm; đồng thời có vốn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất khá lớn với gần 39 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng là 26 tỷ đồng. 
Nhờ giải pháp cụ thể của địa phương kết hợp với sự năng động người dân, xã tạo việc làm thường xuyên cho trên 92% lao động, góp phần tạo ra bứt phá lớn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập người dân. Nếu như năm 2011, bình quân thu nhập đầu của người dân Nghĩa Sơn chỉ là 17,2 triệu đồng, trong đó phần lớn là nông nghiệp, hộ nghèo chiếm 5,15%, thì năm 2016 thu nhập dự kiến đạt 36 triệu đồng/người, trong đó trên 55% đến từ khối ngành nghề dịch vụ; tỷ lệ hộ khá giàu ngày càng nhiều và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 2,2%; không còn nhà ở dân cư tạm bợ, dột nát…
Một trong nỗ lực của Nghĩa Sơn để tạo nên diện mạo mới ở đây là xây dựng các thiết chế văn hóa. Trong vòng 2 năm lại đây, xã đã đầu tư trên 2,5 tỷ đồng xây lại 4 nhà văn hóa xóm; tiến hành sửa sang lại nhà văn hóa xã và 4 nhà văn hóa xóm. Nhờ đó, các công trình văn hóa thể thao tại trung tâm xã và cả 9/9 nhà văn hóa các xóm đều đạt chuẩn, 7/9 xóm được công nhận Làng văn hóa. 
Một góc Nông thôn mới xóm Sơn Đông, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn).
Một góc Nông thôn mới xóm Sơn Đông, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn).
Đồng chí Nguyễn Hữu Quý - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn phấn khởi chia sẻ: Trong vòng 5 năm, xã huy động được 96,3 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí NTM, trong đó người dân đóng góp gần 30%. Sở dĩ Nghĩa Sơn hoàn thành mục tiêu về đích trước thời hạn 1 năm là nhờ có hệ thống chính trị vững mạnh, được người dân tin tưởng để xác định được vai trò chủ thể của mình. Người dân cùng bàn, cùng làm, góp sức, chung tay với chính quyền làm các công trình chung như đường giao thông, nhà văn hóa xóm mà còn chỉnh trang lại khu dân cư và nhà cửa của mình…
Sau khi hoàn thành 19/19 tiêu chí,  nhân dân các xóm đang tích cực triển khai xây dựng các cổng làng. Đến thời điểm này, trong số 9 xóm đã có 6 xóm hoàn thành cổng làng  và 3 xóm đang thi công; bình quân mỗi cổng từ 60 -100 triệu đồng. 
Nghĩa Sơn được đón Bằng đạt chuẩn NTM đúng thời điểm xã kỷ niệm tròn 20 năm thành lập. Đây chắc chắn là mốc son mới trong chặng đường phát triển đi lên của xã. Hy vọng, từ thành công bước đầu này, Nghĩa Sơn  tiếp tục giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí NTM, để thị trấn nông trường xưa và Nghĩa Sơn nay không chỉ mang vóc dáng, diện mạo mới mà còn thực sự là quê hương thứ hai của người dân nguyên là các hộ nông trường viên ở đây.
Nguyễn Hải
TIN LIÊN QUAN

Tin mới