Nghịch lý cung cầu lao động ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn)- Trong khi lao động ở lĩnh vực dệt may đang gặp khó vì đơn hàng bị cắt giảm thì các ngành khác như điện tử, vật liệu xây dựng, linh kiện... lại rất khó tuyển dụng.

Ngành dệt may gặp khó

Năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đứng trước những biến động khó lường. Dịp đầu năm, ngành này tăng trưởng mạnh, đến cuối năm, dệt may gặp khó bởi ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine và việc thắt chặt chi tiêu do lạm phát ở Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, thị trường xuất - nhập khẩu truyền thống là Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… vẫn đang áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm.

Nghệ An hiện có khoảng 65 cơ sở, nhà máy may đang hoạt động rải khắp các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh. 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may tại Nghệ An đạt 331,8 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, thời điểm này, cũng như các trung tâm dệt may khác của cả nước, doanh nghiệp dệt may ở Nghệ An gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Đình Sinh - Tổng Giám đốc Công ty may Minh Anh cho biết, từ vài tháng nay đơn hàng bị giảm nên đơn vị phải cắt ngày làm việc thứ 7. Ban giám đốc công ty cũng đang cố gắng sắp xếp để công nhân có việc làm, hưởng lương cơ bản, không sa thải hay cắt giảm vì sợ sau này phục hồi, phát triển trở lại sợ khó tuyển được lao động.

Tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, ông Phạm Văn Lương, đại diện Công ty may Nam Thuận cho biết: Các đơn hàng của công ty 10 phần đã bị cắt giảm mất 8 phần. Công ty đang cố gắng duy trì sản xuất nhưng luôn đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Trước đó doanh nghiệp định đầu tư thêm dây chuyền sản xuất thu hút 3.000 lao động nhưng tình trạng đơn hàng bị cắt khiến doanh nghiệp có thể không đầu tư nữa.

Lao động ở Công ty may Minh Anh - Tân Kỳ. Ảnh: Trân Châu

Lao động ở Công ty may Minh Anh - Tân Kỳ. Ảnh: Trân Châu

Cuối tháng 10 vừa qua, một công ty may mặc ở Khu Công nghiệp Bắc Vinh cũng ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với hàng trăm công nhân, chỉ giữ lại 31 người. Nguyên nhân là do công ty không có đơn hàng.

Nhiều doanh nghiệp "khát" lao động

Theo số liệu báo cáo của Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam, từ nay đến năm 2025, tổng số lao động trong khu công nghiệp ở Nghệ An lên đến 60.000 người, trong đó cần tuyển dụng khoảng 45.000 lao động. Năm 2022 cần 1.500 lao động, năm 2023 cần khoảng 10.000 lao động; năm 2024 cần khoảng 14.000 lao động, năm 2025 cần khoảng 20.000 lao động.

Một số khu công nghiệp cần tuyển dụng lao động nhiều gồm: KCN Industrial Zone Nghệ An 1 cần khoảng 30.000 người (đến năm 2025); Công ty Luxshare- ICT Nghệ An tại KCN VSIP hiện có hơn 7.000 lao động và dự kiến sẽ tuyển dụng 7.000 lao động trong năm tới.

Tại Khu Công nghiệp WHA Industrial Zone Nghệ An 1, nhà máy may Nhật Bản Nakano Việt Nam ở Khu Công nghiệp WHA Industrial Zone Nghệ An 1 vừa khánh thành vào giữa tháng 11 hiện cũng đang có nhu cầu tuyển dụng 300 công nhân lành nghề nhưng mới tuyển chỉ tuyển được 80 công nhân. Chị Trần Mai trưởng phòng hành chính Công ty cho biết việc thi tuyển lao động vào nhà máy khá kỹ lưỡng, mức lương thấp nhất ở Công ty là 5,8 triệu đồng/người. Trong thời gian tới, công ty vẫn tiếp tục tuyển lao động lành nghề.

Một số công ty khác có quy mô lớn, nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều như: Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Merry&Luxshare (Việt Nam); Công ty TNHH SangWoo Việt Nam; Công ty TNHH Innovative Manufaturing Solutions Viet Nam (IMS); Công ty TNHH May An Nam Matsuoka; Công ty TNHH Woosin Vina, các công ty ở khu công nghiệp Hoàng Thịnh Đạt (thị xã Hoàng Mai)...

Các doanh nghiệp trong những khu công nghiệp trên cơ bản tuyển dụng nguồn lao động phổ thông với tỷ lệ chiếm khoảng 80%, trong đó lao động nữ chiếm hơn 70%. Các ngành nghề chính là điện tử, linh kiện xe, thực phẩm, vật liệu xây dựng....

Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: P.V

Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: P.V

Đại diện Khu Công nghiệp VSIP cho biết: Các doanh nghiệp tuyển dụng lao động có bằng cấp và tay nghề nhưng yêu cầu ngoại ngữ, nhất là tiếng Trung thì lao động Nghệ An đa phần chưa đáp ứng được. Các doanh nghiệp thuộc ngành nghề điện tử có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động phổ thông nhưng chủ yếu tuyển dụng lao động nữ nên vẫn rất khó để tuyển dụng.

Bên cạnh sự lệch pha trong cung - cầu lao động, sự thiếu hụt lao động chất lượng cao, lao động biết ngoại ngữ thì việc tuyển dụng lao động ở Nghệ An cũng gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân khác như: Các thiết chế phục vụ công nhân chưa đảm bảo; tiền lương, thu nhập, điều kiện sinh hoạt ăn, ở, đi lại tại Nghệ An chưa bằng các vùng kinh tế khác mà chi phí thuê trọ lại khá cao...

Hiện Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam, các ngành chức năng đang cập nhật tình hình mới nhất về nhu cầu lao động ở các doanh nghiệp để có phương án giải quyết tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động ở Nghệ An.

Tin mới