Nghiệm thu mô hình nuôi tôm thẻ theo công nghệ Biofloc

(Baonghean.vn) - Ngày 22/6, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An phối hợp với Khuyến nông Quỳnh Lưu tổ chức hội thảo đầu bờ và nghiệm thu mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh bằng công nghệ biofloc năm 2018.
Các đại biểu hội nông dân tham quan mô hình nuôi tôm giống bằng ương dèo trước khi thả vào ao nuôi. Ảnh: Nguyễn Hải
Các đại biểu hội nông dân tham quan mô hình nuôi tôm giống bằng ương dèo trước khi thả vào ao nuôi. Ảnh: Nguyễn Hải
Công nghệ biofloc là hình thức sử dụng "tập hợp vật chất hữu cơ lơ lửng trong nước có chứa tảo, động vật nguyên sinh, vi sinh vật... được gắn kết với nhau bằng chất keo sinh học). Biofloc có hàm lượng chất lượng dinh dưỡng cao, trở thành thức ăn cho cho nhiều loại động vật thủy sinh. Khi tôm bị bệnh hạn chế dùng thuốc mà chủ yếu dùng các chế phẩm sinh học, men vi sinh để xử lý.
Nuôi tôm theo quy trình công nghệ biofloc lần đầu tiên được đưa vào thử nghiệm tại Nghệ An, bằng cách sử dụng men vi sinh để xử lý các vi sinh vật trong ao đầm. Mặc dù đầu tư ban đầu của mô hình khá lớn (phải làm ao ương dèo con giống, làm dàn lưới mát tản nhiệt che mặt ao vào ngày nắng nóng, che chắn về mùa đông, dùng quạt gió nhiều làm tốn chi phí điện) nhưng bù lại khá an toàn, bền vững và thân thiện môi trường.
Gia đình ông Nguyễn Văn Khánh ở thôn 6, xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lưu là hộ được chọn nuôi 1.500 m2 tôm theo công nghệ biofloc. Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, ông Khánh thả 300 ngàn con giống tôm thẻ chân trắng, tổng kinh phí hỗ trợ từ chương trình trị giá trên 100 triệu đồng.
Sau gần 3 tháng nuôi, mật độ tôm nuôi đạt bình quân 45 con/kg, nếu duy trì đà phát triển này thì sản lượng tôm dự kiến đạt khoảng 30 tấn/ha. Với kích cỡ tôm loại 45 con/kg có giá khoảng 170 - 180.000 đồng/kg, doanh thu mô hình đạt 700 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 300 triệu đồng.
Thu hoạch kiểm tra tôm tại mô hình. Ảnh: Nguyễn Hải
Thu hoạch kiểm tra sự phát triển của tôm he chân trắng tại mô hình ông Nguyễn Văn Khánh. Ảnh: Nguyễn Hải
Tại hội thảo, bên cạnh nêu những thuận lợi, ưu việt của quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ biofloc, đại diện chủ đầm và nhà quản lý khuyến cáo một số khó khăn, thách thức khi nuôi tôm này để các chủ đầm lựa chọn cách thức nuôi thả giống.
Dịp này Trung tâm khuyến nông Nghệ An cũng tiến hành kiểm tra, nghiệm thu bước đầu mô hình nuôi tôm của ông Hồ Sĩ Tài, xóm 12, Diễn Trung (Diễn Châu) là mô hình thứ 2 theo quy trình biofloc. Qua kiểm tra cho thấy đến thời điểm hiện tại mặc dù 80% diện tích nuôi tôm ở Diễn Trung mất mùa nhưng mô hình nuôi tôm biofloc của ông Tài tôm phát triển tốt.

Tin mới