Ngỡ ngàng với rừng lim hàng trăm năm tuổi nơi huyện lúa Nghệ An

(Baonghean.vn) - Giữa cánh đồng lúa là rừng lim nguyên sinh bạt ngàn hàng trăm năm tuổi vẫn trường tồn nhờ ý thức gìn giữ, bảo vệ của người dân xã Lăng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).
Cánh rừng lim nằm ở khu vực xóm Nghè, xã Lăng Thành (Yên Thành). Ảnh: Văn Trường
Cánh rừng lim nằm ở khu vực xóm Nghè, xã Lăng Thành (Yên Thành). Ảnh: Văn Trường

Cánh rừng lim nguyên sinh xã Lăng Thành, Yên Thành (Nghệ An) chỉ cách trung tâm huyện khoảng hơn 8 km. Từ xa, cánh rừng nằm trên khu đồi thoải giữa cánh đồng, ôm ấp xung quanh là làng mạc. Bước vào khu rừng là những “cụ” lim cao to, thân cây 1 người ôm không xuể. Điều ngạc nhiên ở đây là cả cánh rừng toàn cây lim tự nhiên (lim xanh) cành lá xum xuê đan quyện vào nhau. Phía dưới dây leo rậm rạp bám vào những thân cây lim xù xì từ gốc lên ngọn, tiếng chim lảnh lót, ngỡ lạc vào chốn sơn lâm.

Thân cây lim ở xóm Nghè một người ôm không xuể. Ảnh: Văn Trường
Thân cây lim ở xóm Nghè một người ôm không xuể. Ảnh: Văn Trường

Các cao niên của làng kể rằng: Cánh rừng lim ở xã Lăng Thành không biết có tự bao giờ, chỉ biết rằng khi lớn lên đã thấy cánh rừng nguyên sinh này rồi. Bao nhiêu thế hệ truyền đời gìn giữ, bảo vệ rừng lim mới có được ngày hôm nay.

Dây leo bám chằng chịt vào thân cây lim từ gốc lên ngọn. Ảnh: Văn Trường
Dây leo bám chằng chịt vào thân cây lim từ gốc lên ngọn. Ảnh: Văn Trường
Ông Nguyễn Hồ Sơn - Chủ tịch UBND xã Lăng Thành cho biết: Cánh rừng lim ở xã Lăng Thành ước tính có tuổi đời trên 300 năm, hiện nay toàn xã còn hơn 100 ha rừng lim, được phân bổ ở các ngọn đồi thoải, đa phần cây lim có đường kính từ 60 - 80 cm, cao trên 30m. Từ lâu, người dân xã Lăng Thành coi những cánh rừng này như báu vật của làng. Rừng lim che chở xóm làng khi bão gió, giúp điều hòa khí hậu mát mẻ khi vào mùa nắng nóng.
Thân cây lim xù xì theo thời gian. Ảnh: Văn Trường
Thân cây lim xù xì theo thời gian. Ảnh: Văn Trường

Rừng lim được địa phương quản lý theo chủ trương giao đất, giao rừng cho nhân dân theo Nghị định 02 của Chính phủ và có hơn 100 hộ dân quản lý, bảo vệ. Ngoài ra, xã thành lập tổ quản lý bảo vệ rừng gồm 7 đồng chí. Tổ có nhiệm vụ cắt cử các thành viên cùng với các hộ dân giám sát, trông coi cánh rừng hàng ngày, nhờ vậy mà cánh rừng lim quý hiếm này vẫn bảo tồn đến ngày nay.

Những cây lim có đường kính từ 60 - 80 cm, cao trên 30m. Ảnh: Văn TrườngNhững cây lim có đường kính từ 60 - 80 cm, cao trên 30m. Ảnh: Văn Trường

Trong đề án phát triển du lịch, huyện Yên Thành đã đưa những cánh rừng nguyên sinh ở xã Lăng Thành trở thành một điểm du lịch sinh thái. Đây vừa là niềm tự hào để mỗi người dân nơi đây nâng cao trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ cho cánh rừng lim mãi thêm xanh.

Tin mới