Ngõ quê thương nhớ vơi đầy…

Cách đây nhiều năm, trong một chuyến đi viết bài về mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Tuyết ở Nghi Phương, Nghi Lộc, tôi mãi ám ảnh bởi hình ảnh của bà mẹ lưng còng, đôi mắt mờ đục ngồi bên giàn trầu vợi trông phía con ngõ nhỏ. Năm ấy mẹ Tuyết đã chuẩn bị chạm ngưỡng 90. Hơn 40 năm qua, mẹ vẫn giữ thói quen ấy, đợi bước chân người con trai lên đường chiến đấu mà mãi chẳng thấy con về. 40 năm, đủ để người phụ nữ tóc đen trở thành bà già tóc bạc. Đủ để những hố bom trên quê hương xanh lại ruộng đồng, cây cỏ. Ấy vậy mà không hề làm vơi đi niềm tin trong trái tim người mẹ, rằng con mình, rồi sẽ trở về từ phía ngõ. Mẹ đã hình dung anh sẽ thả ba lô xuống, cười rạng rỡ và ôm mẹ chặt đến thế nào. Mẹ đã hình dung, mẹ sẽ khóc trên vòm ngực rộng của con trai mình ra sao.

Ngõ quê thương nhớ vơi đầy…

Cô con dâu của mẹ kể rằng, có những đêm, nhất là những đêm mưa, mẹ lại lần trở dậy, rời giường, ra ngõ. Mẹ nói, lỡ mà Danh (con trai mẹ) nó về, mẹ không kịp trở dậy mở cửa, nó bị ướt thì sao. Rồi cứ chiều về, mẹ lại bên giàn trầu mà thủ thỉ. Những lá trầu run trên tay mẹ. Mẹ tin đó là dây trầu mà anh Danh đã trồng trước ngày ra chiến trường, trồng cho mẹ ăn trầu và hứa hẹn với mẹ ngày thắng trận trở về sẽ cưới cho mẹ một nàng dâu, những lá trầu ấy sẽ thắm trên môi hai họ…

Tôi đã nhức lên một suy nghĩ trong ngực mình, rằng, nếu như không có niềm tin cháy bỏng ấy, hẳn mẹ Tuyết cũng sẽ không đủ sức khỏe để sống đến ngày hôm nay. Và khi chúng tôi chào mẹ ra về, như một thói quen, bước chân chậm của mẹ lại đưa ra ngõ. Mẹ đứng lặng trong bóng chiều đang phủ tím, không xa nơi này là dòng Phương Tích với bao nhiêu vết thương chiến tranh đã phủ sóng rì rào. Mẹ chỉ dưới chân mình, chính nơi con ngõ nhỏ này, những bước chân đầu đời của anh Danh đã chập chững ở đây. Rồi ngày tiễn anh lên đường, mẹ cũng đã đứng đây mà hút nhìn theo bàn tay anh vẫy...

Căn cứ cho đổi mới trong chính trị

Nhà thơ Vường Cường (em trai nhà thơ Thạch Quỳ) - môt người sống xa quê hơn nửa đời người, nhưng ông nói, hồn ông gửi cả ở làng quê Đông Bích của ông. Làng quê mà mỗi con ngõ đều thấm đẫm tình quê, vị quê. Trong giấc mơ xa xứ, ông luôn mường tượng mình được bước chân trong con ngõ nhỏ. Con ngõ ngoằn ngoèo với bóng tre, bóng chuối. Phía sau là làng quê, phía trước là cánh đồng. Trên cành cây, những chú chim chào mào, đỏ đít, chim chìa vôi khoang trắng, chim chích mải bắt sâu lích rích suốt ngày. Những đám mây chờn vờn phía núi Quỳ. Ngõ nhỏ ấy, nơi những người con gái làng lấy chồng xa và những người con trai lấy vợ ngoài làng thường dừng lại ở đây, như lời tạm biệt và lời chào người và đất làng để trở thành công dân của làng. Người làng khi về với ông bà, tổ tiên cũng qua đây. Đám người đưa tiến thường dừng lại và tiếng trống buồn vang lên như lời từ biệt.

Ngõ quê thương nhớ vơi đầy…

Mỗi ngõ quê lại mang môt dáng dấp, một dấu ấn. Bao giờ đặt chân đến một làng quê nào, tôi vẫn hay để ý tới những con ngõ. Những cái ngõ nhiều tre ở làng lụt Hưng Lợi (Hưng Nguyên). Những cái ngõ vun vút hàng cau ở Thanh Liên, Thanh Tiên (Thanh Chương). Những con ngõ kín liếp phơi đa nem Diễn Bích (Diễn Châu). Những con ngõ mặn mòi ở làng muối, làng cá Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu), Diễn Vạn (Diễn Châu). Những con ngõ nồng thơm mùi bánh đa, kẹo lạc ở Vĩnh Đức, mùi khói lò ở Trù Sơn (Đô Lương). Những cái ngõ hẹp với vỉa gạch nghiêng nghiêng. Những cái ngõ bê tông hun hút. Những cái ngõ có vòm cổng lá uốn lượn. Xôn xao hay lặng lẽ bước chân đi, về. Ngõ quê, vừa như để mở ra, mà như vừa để khép lại. Nó là con sông nhỏ để đổ ra dòng sông lớn là đường làng ngoài kia, để từ đường làng lại ra với tỉnh lộ, quốc lộ. Ngõ quê – nơi đầu tiên mở ra những con đường, những chân trời. Và cũng ngõ quê, khép lại một ngày rộn rã náo nhiệt, khép lại một cánh cổng, có khi chỉ bằng tre, bằng nứa đan cài để về lại, quây quần bên một nếp nhà, với bao nhiêu buồn vui, thăng trầm, khổ đau, hạnh phúc…

Ngõ quê thương nhớ vơi đầy…

Ra ngõ quê mà thấy đường làng. Ra ngõ quê mà tắm gió nồm, mà ngắm trăng suông, mà đón hương cau, hương bưởi. Ngõ quê bời bời sắc hoa. Này hoa xoan, hoa bưởi tháng 3, này bông bụt đỏ cháy như niềm vui áo mới, những bông xuyến chi mong manh trắng. Những giọt sương kết thành chuỗi ngọc sáng lấp lánh bảy sắc cầu vồng khi nắng sớm vừa lên trên khóm cỏ. Này bờ rào mạn hảo, cúc tần với những dây tơ hồng như muốn vấn vít cả tuổi thơ ta. Này bụi duối lá xanh um với những quả li ti vàng chín mọng… Con ngõ sáng đom đóm bay đêm, mỏng cánh chuồn, phất phơ cánh bướm, rù rì tiếng ong. Không thể không nhớ về Nguyễn Bính mà trong mỗi bài thơ quê, đều thấy thấp thoáng đâu đây cái ngõ quê tình tứ, thẳm sâu trong đó: Có những con ngõ, bờ dậu thấp lắm, chỉ thoáng nhìn là biết “láng giềng đã đỏ đèn đâu”, để nhắn nhủ: “Chờ em ăn giập miếng giầu em sang/ Đôi ta cũng ở một làng, cùng chung một ngõ vội vàng chi anh”. Có con ngõ “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn”, con ngõ mà hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ trong tiết mưa bụi Giêng, Hai khiến cô thôn nữ nào mơ màng nhớ lời hò hẹn?

Ngõ quê thương nhớ vơi đầy…

Ngõ quê, ai đã sáng tạo ra ngõ quê mà tài đến thế. Như một nhịp dừng nhỏ trước khi bước vào với sân nhà, hay hiên nhà. Như một lời đề dẫn trong câu chuyện dài về những ngôi nhà, những phận người. Như để đong đựng bao nỗi nhớ, hoài niệm. Nơi người quê chập chững bước đầu đời. Nơi từ đó đi xa. Nơi tiễn đưa, nơi hò hẹn. Nơi quay quắt nhớ về…

Ngõ quê thương nhớ vơi đầy…

Tôi cũng thế, lớn lên từ một ngõ quê, mang bao nhiêu ám ảnh ngõ quê, để rồi khi sống đời phố thị, bao năm vẫn không nguôi nhớ một lối về bé nhỏ. Tôi đã viết trong bài thơ vụng về tuổi nhỏ, rằng ngõ quê là “ngưỡng cửa đầu tiên tôi bước vào đời”. Nơi ấy, tôi vẫn còn nghe tiếng kẽo kẹt rặng tre ông trồng, những con thuyền lá tre bềnh bồng dưới mặt áo trong. Hoa dâm bụt cháy đỏ. Một ô cửa sổ màu xanh mở rộng đón nắng sớm mai. Lời bà tôi ru, những nàng Kiều lưu lạc, những Mỵ Châu với oan khiên lông ngỗng. Khi tôi chập chững tập đi, bố tôi đã đầm gạch, vữa cho nhỏ rải lên nền đất để tôi đi mưa không trơn, không vấp. Nơi nào đó, có dấu chân tôi những chiều ngóng mẹ về. Cũng có lúc tôi đã rơi nước mắt tủi hờn những khi bị mẹ mắng. Tôi đã luôn đón bóng bà đi chợ về trong ngõ với rạo rực niềm vui bánh đa, kẹo vừng. Nơi bà tôi nghe tiếng con chim gọi nước mà thở dài rằng sắp đến mùa lụt. Cũng là nơi bà nghe tiếng chim khách mà đoán bố tôi công tác xa sắp trở về nhà. Nơi lũ bạn tôi í ới gọi tôi đi học mỗi ngày. Nơi bà ra đó gọi tôi ời ời những trưa đi rong, rồi tiếng chổi quét lá êm đềm của bà lại vang lên mỗi chiều sương khói.

Ngõ quê thương nhớ vơi đầy…

Là ngõ quê, ấp iu của tôi những tiếng rao thần thành tuổi thơ. Ai kem mút, ai kẹo kéo càng kéo càng dài… Những lông ngan lông gà, những dép rách đứt quai xôn xao con ngõ, đánh đổi bao niềm vui tuổi thơ khờ dại. Những viên bi tròn, những que thẻ chuyền, trò khăng, trò đáo, trốn tìm… như vẫn còn huy hoàng trong tâm trí đứa trẻ quê ngày ấy. Nơi ấy, có câu chuyện cổ tích vẫn nằm nghe à ơi, đợi tôi về dù lâu lắm rồi tôi không còn tin vào cổ tích nữa nhưng đứa trẻ đã trưởng thành này biết mình dù có xa đến thế nào vẫn vĩnh viễn thuộc về đất quê.

Cũng ngõ quê này, tôi làm sao quên được ánh mắt của nỗi rung động đầu đời vào một trưa nắng tháng Giêng. Cái thời tuổi trẻ với bao nỗi sững sờ “một thoáng nhìn có thể hóa tình yêu”. Chỉ tại nắng làm má tôi bừng đỏ.

Cũng ngõ quê này, tôi quên sao ngày tiễn bà tôi một ngày tháng 5, nắng bời bời trên rặng cúc tần. Tại nắng chói mà mắt tôi cay xè, ầng ậng nước.

Ngõ quê thương nhớ vơi đầy…

Ngõ quê là thế, có thể đo chiều dài bằng những bước chân, nhưng sao đo được chiều dài nhung nhớ, chiều dài nếp quê. Đó là một dấu mốc từ bước chân đầu đời bước ra của mỗi con người, đến ngày vui vu quy, rồi đến ngày nằm xuống… Lặng im chứng nhận những buồn, vui, những đổi thay mưa nắng.

Lặng im chứng nhận những nỗi lòng người mẹ quê tôi, tiễn chồng, tiễn con đi, để rồi lại vời vợi ngóng trông dằng dặc năm tháng, chờ từ thanh xuân vắt qua thời tóc trắng, lưng ong thành lưng còng, để cùng cây gậy lại đứng tựa ngõ quê. Những người mẹ biến điều “lạ thành quen” để rồi “quen đã thành lạ”.

Đó là nơi có nhiều tiếng cười và cả nước mắt thấm vào đất và hồn làng nhiều nhất. Ơi ngõ quê của tôi!

Bài: Thùy Vinh
Ảnh: Kiên Rose - Trung Hà - Thanh Hải
Thiết kế: Hà Giang
Kỹ thuật: Ngọc Quý