Ngoại binh Sông Lam Nghệ An: Cùn hay sắc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Việc đánh giá một tập thể đội bóng hay cá nhân cầu thủ khi giải đấu mới đi hơn nửa chặng đường có thể không đảm bảo khách quan, công bằng và không đủ “dữ liệu” cần thiết theo yêu cầu. Nhưng để nửa chặng đường còn lại đạt kết quả tốt hơn, người ta lại không thể bỏ qua những con số thống kê trước đó, làm cơ sở cho việc phát huy những điểm mạnh, hạn chế những điểm yếu của từng tập thể đội bóng hay cá nhân cầu thủ. Trong số những vấn đề cần quan tâm của Sông Lam Nghệ An hôm nay, chắc chắn ngoại binh là câu chuyện “nóng” nhất. Vì sao vậy?

Sông Lam Nghệ An vốn có tiếng “mát tay” khi ký hợp đồng với các ngoại binh, trong điều kiện khó khăn vẫn tìm chọn được những “viên ngọc thô” để mài dũa qua thực tiễn thi đấu, vừa để họ góp công vào thành tích chung của cả đội bóng, vừa từng bước nâng tầm cho chính họ.

Tân binh Mario Arques (bên phải). Ảnh tư liệu Đức Anh

Tân binh Mario Arques (bên phải). Ảnh tư liệu Đức Anh

Đây vừa là điều hay nhưng cũng vừa đem lại nhiều điều khó cho Sông Lam Nghệ An khi cầu thủ ngoại chỉ ký hợp đồng một mùa giải (trường hợp Olaha là đặc biệt, vô cùng đáng quý) rồi sau đó tìm đến đội bóng mới với mức lương thưởng cao hơn. Ngay ở mùa V-League này, rất nhiều cầu thủ ngoại từng thi đấu cho Sông Lam Nghệ An nay là “đối thủ” như Fagan, Lynch, Gustavo…Vì cái nghèo đeo đuổi, Sông Lam Nghệ An thường xuyên bị chảy máu tài năng, xét theo một khía cạnh nào đó không chỉ nội mà cả ngoại binh như vừa nói ở trên.

Kể từ khi có nhà tài trợ mới dư dả hơn, Sông Lam Nghệ An vừa có điều kiện để tìm lại những nội binh ưng ý từng rời đi, đồng thời “tậu” được ngoại binh khá hơn so với trước. Olaha là trường hợp đặc biệt từng gắn bó với đội chủ sân Vinh 3 mùa bóng liên tiếp, rời đi Israel tìm kiếm tương lai nhưng không thành công và được đội bóng giang tay đón đợi trở lại, tiếp tục là cầu thủ không thể thay thế trên hàng công của đội bóng. Các ngoại binh còn lại như Oseni, Mario cũng góp công quan trọng cùng đội bóng có được thứ hạng cao ở lượt đi là điều cần được ghi nhận xứng đáng.

Tuy vậy, nhìn lại cả hành trình của lượt đi, so với nội binh trong đội bóng, so với các ngoại binh hàng đầu của V-League và thậm chí cả nội binh xuất sắc ở các đội khác, những con số thống kê của ngoại binh Sông Lam Nghệ An còn khiêm tốn, nếu không nói là có phần thất vọng, đáng báo động.

Trong thống kê tốp 13 vua phá lưới lượt đi V-League 1-2022, không có cái tên nào của Sông Lam Nghệ An, cả ngoại lẫn nội binh. Ngoại binh xuất sắc nhất, dẫn đầu bảng ngôi vua phá lưới là Rimario (Hải Phòng) gần như “nổ súng” đều đặn với 12 bàn thắng sau 13 trận, trong đó, cầu thủ này phải treo giò 1 trận do thẻ phạt. Hải Phòng luôn ở tốp đầu mùa này có công đầu của Rimario, bên cạnh đó là ngoại binh đa năng, mắn bàn Mpande (4 bàn), chưa kể công lao thầm lặng của tiền vệ trụ Moses.

Danh sách này có “người cũ” mà Sông Lam Nghệ An trước đó thường chê lên, chê xuống là Lynch (hiện đầu quân cho Topenland Bình Định) 5 bàn, Gustavo (Sài Gòn FC) cũng đã có trong tay 4 bàn. Đáng nói hơn cả là một tiền đạo từng khuynh đảo V-League với hơn 100 bàn thắng như Đỗ Melo (Sài Gòn FC) ở một đội bóng khó khăn, tưởng đã hết thời mà đã có 5 lần lập công, chưa kể Hoàng Vũ Samson gần đây cũng liên tiếp nổ súng…

Nên nhớ, Olaha có mặt hầu hết giai đoạn lượt đi (trừ 2 trận treo giò do thẻ đỏ) nhưng xem ra rất cùn mằn khi chỉ ghi được vỏn vẹn 2 bàn thắng, bằng với thành tích Oseni cũng 2 bàn dù cầu thủ này đến sau. Thành tích này chỉ bằng 2 trận tham dự V-League của tiền đạo ngoại Lucao mà Hà Nội FC mới bổ sung gần đây. Ngoại binh còn lại của Sông Lam Nghệ An là Ojong Mark vừa thi đấu hòa nhập thì dính chấn thương dài hạn, Mario dù có 2 kiến tạo trong 3 trận đấu nhưng cũng không cho thấy tiềm năng lớn nếu đi đường dài…

Thành tích phá lưới của các nội binh Sông Lam Nghệ An cũng không ấn tượng so với các đội khác. Tiến Linh không ra sân nhiều trận do chấn thương nhưng có 4 bàn cùng với một loạt hảo thủ Công Phượng, Văn Toàn, Văn Nam, hậu vệ Tấn Tài… Văn Đức và Xuân Mạnh là trụ cột không thể thiếu của đội bóng, nhưng thành tích 2 bàn thắng của cả lượt đi là quá ít ỏi khi các đồng đội của họ ở Đội tuyển Việt Nam đang đạt phong độ cao hơn nhiều.

Để thấy, nếu ngoại binh không liên tục nổ súng mà phải chờ vào tỏa sáng của nội binh thì điều đó là rất khó chấp nhận với bất cứ đội bóng nào. Khi ngoại binh được bố trí chơi cao nhất, gần khung thành nhất, tạo áp lực trực tiếp lên hàng thủ đối phương mà không hoàn thành nhiệm vụ, không có uy lực khiến đối thủ hoảng loạn, sai lầm thì xem như mục tiêu đặt ra không thành. Có thể với lý do “tiền nào của nấy”, lý do phá sức đối phương, tạo cơ hội cho người khác... nhưng với những gì Olaha, Oseni hay Mario thể hiện, ai ai cũng thấy chất lượng ngoại binh của Sông Lam Nghệ An cần được cải thiện, nâng tầm rất nhiều trong thời gian tới./.

Tin mới