Ngon, sạch tôm sông Nam Đàn

(Baonghean.vn)- Thả “đó” từ 3 – 4 h chiều hôm trước đến tận 5 – 6 h sáng hôm sau mới vớt “đó” lên, mỗi ngày họ kiếm được 200- 300 ngàn đồng, đó chính là nghề đánh tôm trên sông Lam ở Nam Đàn.

a
                           Niềm vui của người dân làng chài, mỗi lần thuyền đánh tôm về bến

Người dân vạn chài sống bằng nghề sông nước ở Nam Đàn, từ lâu đã quen với nghề lấy sỏi, đánh bắt tôm, cá, hến… gần như mỗi vùng gắn liền với một công việc mà họ đã làm từ lâu đời. Riêng với tôm, làng chài Tân Lam, xã Nam Lộc có vẻ đánh bắt chuyên nghiệp hơn cả. Ở đây có mấy chục hộ dân tuy đã “lên bờ”, nhưng hàng ngày họ vẫn bám sông, đánh tôm để kiếm kế sinh nhai.

Theo bà con, dân vạn chài ở đây đánh bắt tôm bằng nhiều phương tiện: lưới kéo, thả đó tre, đó lưới... Lưới kéo thì nay ít người dùng vì đánh tôm không mấy hiệu quả, còn đó tre thì hợp với người cao tuổi vì tốn ít sức lực, nhưng đan lát công phu. Nhà nào dùng đó tre thì có khoảng 150 – 200 chiếc, mỗi chiếc dài khoảng 60 cm, đầu to gắn 2 cái tôi có đường kính khoảng 10 cm, đầu nhỏ là nắp đóng mở. Phổ biến nhất là dùng đó lưới, mỗi nhà làm nghề có khoảng vài trăm cái đó lưới nhiều tầng. Mỗi đó dài gần 10 m, có trên dưới 30 cửa ra vào, nếu mua ngoài chợ có giá khoảng 250 nghìn đồng/chiếc.

                        Từ 4 – 5 h sáng, người đánh tôm đã có mặt trên sông để kéo đó lấy tôm
                        Từ 4 – 5 h sáng, người đánh tôm đã có mặt trên sông để kéo đó lấy tôm
â
                   Người dân vạn chài Nam Lộc thả đó bắt tôm trên sông Lam

Hàng ngày khoảng 4 – 5h chiều, người dân đánh tôm sẽ mang hết số lượng đó của nhà mình ra thả trên sông. Đó lưới cũng như đó tre được kết nối thành một dây dài hàng trăm mét thả trôi theo dòng nước, đầu dây phía thượng nguồn cột vào một cọc neo. Công việc còn lại là canh chừng kẻ trộm hoặc đề phòng thuyền bè đi trên sông kéo đứt dây.

Sáng hôm sau, khi trời chưa sáng, người đánh tôm đã bắt đầu chèo thuyền đi kéo đó. Trong lúc vớt đó, tôm được tập kết vào trong một cái đó dự trữ để tôm sống. Tôm sông Lam ở đây kích thước như ngón tay út, to thì bằng ngón tay cái, thỉnh thoảng mới gặp 1 vài con 3 – 4 lượng. Mỗi buổi đánh bắt, mỗi nhà cũng kiếm được từ 1 đến vài cân tôm, tùy vào thời tiết và sự may mắn. Mùa tôm bội thường diễn ra từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm.

a
                                                                Tôm sông được thị trường ưa chuộng
a
                                    Tôm sông Lam sạch, ngon luôn là mặt hàng đắt khách

 Tôm sông ở Nam Đàn sạch, ngon, nên đắt khách, tầm 6 h sáng, các thuyền đánh tôm trong vùng thường tập kết tại bến Ba Ra để bán sỉ cho dân buôn. Nhà nào rảnh rỗi thì mang tôm lên chợ Sa Nam sẽ cao hơn vài giá. Tôm tươi đưa ra chợ, cũng chỉ một thoáng là hết, nhiều khách hàng còn gọi điện đặt trước, khi tôm chưa kéo lên khỏi mặt sông. Giá tôm tươi bán sỉ tại bến là 180 – 200 nghìn đồng/kg.

Một lái buôn người Vinh có mặt sớm tại bến Ba Ra cho biết: Từ ngày rộ tin thực phẩm trên thị trường nhiễm hoá chất, tôm sông lại càng đắt giá, nhiều người tìm, nên khó mua hơn.

Cả làng chài, mỗi ngày cũng chỉ kiếm được vài chục cân tôm, nhiều ít tuỳ vào hên xui, nhưng người dân nơi đây vẫn bám sông để sống.

Điều đặc biệt là họ luôn chú ý đánh bắt tôm bằng các phương tiện thân thiện với môi trường, lên án việc đánh bắt tôm, thuỷ sản bằng kích điện và hoá chất. Ông Nguyễn Văn Thắng (52 tuổi, xóm Tân Lam) – người có hơn 40 năm trong nghề đánh bắt tôm sông, cho biết: “Ngày trước tôm sông nhiều, phương tiện đánh bắt thô sơ, nay phương tiện hiện đại thì tôm sông lại ít. Dù đánh bắt kiểu gì, dân chài Tân Lam chúng tôi cũng luôn nghĩ đến sự an toàn cho môi trường, cho nguồn sống lâu dài của chính chúng tôi”. 

                            Huy Thư 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới