Ngư dân Nghệ An chưa mặn mà với chính sách hỗ trợ tàu cá lắp đặt hệ thống tời thủy lực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Do nhiều nguyên nhân nên sau 1 năm triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 18/2021, chưa có chủ tàu nào lắp đặt hệ thống tời thủy lực để hưởng chính sách hỗ trợ này.

Bà con ngư dân ở xóm Tân Hải, xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) cho hay, những tháng gần đây, do lao động nghề biển giảm sút, nên nhiều tàu cá phải chấp nhận giảm số lao động trong mỗi chuyến biển.

Ngư dân Nghệ An chưa mặn mà với chính sách hỗ trợ của tỉnh về lắp đặt tời thủy lực trên tàu cá. Ảnh: Xuân Hoàng
Ngư dân Nghệ An chưa mặn mà với chính sách hỗ trợ của tỉnh về lắp đặt tời thủy lực trên tàu cá. Ảnh: Xuân Hoàng

Nhiều chủ tàu dự định đầu tư lắp đặt hệ thống tời thủy lực để đỡ sức lao động và an toàn hơn, nhưng do chi phí lắp đặt trên 450 triệu đồng/hệ thống, trong khi Nhà nước chỉ hỗ trợ không quá 100 triệu đồng, nên chưa đủ điều kiện để thực hiện.

Xã Quỳnh Lập là địa phương có số tàu cá lớn nhất tỉnh, với 205 chiếc, trong đó, tàu cá có chiều dài trên 15m là 165 chiếc. Ông Lê Bá Kỷ - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập cho biết, thời gian qua, địa phương đã tổ chức tuyên truyền cho ngư dân chính sách hỗ trợ của tỉnh về lắp đặt hệ thống tời thủy lực trên tàu cá làm nghề đánh bắt lưới chụp. Tuy nhiên, do giá thành cao, trong khi thu nhập khó khăn nên ngư dân chưa mấy quan tâm.

“Dịp đầu năm đã có vài chủ tàu đăng ký lắp đặt, nhưng sau đó nghề cá gặp khó khăn và qua tìm hiểu thấy giá cao, nên bà con dừng lại. Hiện tại, trên địa bàn xã chưa có ngư dân nào lắp đặt hệ thống tời thủy lực theo chính sách hỗ trợ của tỉnh”, ông Lê Bá Kỷ chia sẻ.

Nguyên nhân chủ yếu là do giá thành tời thủy lực cao, trong khi mức hỗ trợ của tỉnh không quá 100 triệu đồng/hệ thống, nên ngư dân chưa có điều kiện để đầu tư. Ảnh: Xuân Hoàng
Nguyên nhân chủ yếu là do giá thành tời thủy lực cao, trong khi mức hỗ trợ của tỉnh không quá 100 triệu đồng/hệ thống, nên ngư dân chưa có điều kiện để đầu tư. Ảnh: Xuân Hoàng

Huyện Quỳnh Lưu là địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh. Tuy nhiên, theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu, đến nay trên địa bàn huyện cũng chưa có chủ tàu nào lắp đặt hệ thống tời thủy lực theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Nghệ An là một trong những địa phương có nghề cá phát triển mạnh, hiện có hơn 3.400 tàu cá, trong đó, số tàu cá hoạt động vùng khơi là 1.221 tàu. Ngư dân Nghệ An khai thác hải sản chủ yếu các nghề: lưới rê, lưới chụp, lưới vây, lưới kéo và nghề câu.

Tuy nhiên, đa số các tàu làm nghề lưới chụp ở Nghệ An vẫn sử dụng máy tời cơ ma sát trong quá trình khai thác, kỹ thuật khai thác bằng thủ công là chủ yếu, nên đòi hỏi rất nhiều nhân lực. Trong khi đó, hiện nay lao động trong nghề cá ở Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung đang hết sức khan hiếm.

Áp dụng máy tời thủy lực không chỉ thay đổi thói quen đánh bắt, khai thác hải sản bằng phương pháp thủ công, mà còn góp phần tăng năng suất, giá trị của các loại hải sản. Ảnh: Xuân Hoàng
Áp dụng máy tời thủy lực không chỉ thay đổi thói quen đánh bắt, khai thác hải sản bằng phương pháp thủ công, mà còn góp phần tăng năng suất, giá trị của các loại hải sản. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo ông Chu Quốc Nam - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, để tiết kiệm sức lao động, giảm thời gian thu lưới, tăng thời gian đánh bắt, nâng cao hiệu quả kinh tế... thì đưa cơ giới hóa vào ngành nghề khai thác hải sản là rất cần thiết. Việc áp dụng máy tời thủy lực không chỉ thay đổi thói quen đánh bắt, khai thác hải sản bằng phương pháp thủ công của bà con ngư dân, mà còn góp phần tăng năng suất, giá trị của các loại hải sản. Cùng với đó, mỗi tàu cá giảm 2 - 3 thuyền viên trên tàu lưới chụp khi áp dụng hệ thống tời thủy lực, góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động đi biển trên các tàu khai thác xa bờ hiện nay.

Việc đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có ngư dân nào đăng ký lắp đặt hệ thống tời thủy lực theo chính sách hỗ trợ của tỉnh là điều đáng tiếc. Thiết nghĩ, trong điều kiện ngư dân gặp khó khăn, nên chăng Nhà nước cần điều chỉnh mức hỗ trợ hợp lý hơn, để bà con ngư dân mặn mà với chính sách hỗ trợ này.

Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND tỉnh về ban hành quy định một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025, hỗ trợ chi phí đầu tư lắp đặt hệ thống tời thủy lực đối với tàu cá nghề lưới chụp có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi. Theo đó, mức hỗ trợ 30% chi phí đầu tư lắp đặt hệ thống tời thủy lực cho tàu cá nghề lưới chụp, nhưng không quá 100 triệu đồng/hệ thống/tàu.

Tin mới