Ngư dân Nghệ An lắp cánh sắt vào tàu 4 sào để vươn khơi, bám biển

(Baonghean.vn) - Để tăng độ bền cho con tàu và khai thác hiệu quả, ngư dân Nghệ An đã dần loại bỏ những chiếc sào chụp cá bằng gỗ để thay vào đó là những 'cánh sắt' khổng lồ giúp con tàu hoạt động nhẹ nhàng khi đánh bắt hải sản.

Trong thời điểm này, nghề khai thác thủy sản ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai... có phần chững lại so với những năm trước do hiệu quả khai thác đạt không cao. Tuy vậy, không ít con tàu lớn vẫn  kiên trì, tìm mọi cách vươn khơi, mở rộng ngư trường để khai thác hiệu quả. Đặc biệt, gần đây, có rất nhiều tàu xa bờ đã thay đổi những chiếc sào chụp cá bằng gỗ để lắp vào đó là những ống sắt khổng lồ (ngư dân gọi là “cánh sắt” - PV) để tận dụng tốt hơn khi đánh bắt hải sản ngoài biển. 

Ngư dân Quỳnh Lưu đang thay thế các sào gỗ bằng các sào sắt. Ảnh: V.H
Ngư dân Quỳnh Lưu đang thay thế các sào gỗ bằng các sào sắt. Ảnh: V.H

Gặp thuyền trưởng Hồ Hưng, chủ tàu cá NA 90530TS ở xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) khi đang cùng các thuyền viên tân trang lại con tàu chụp 4 sào. Trên chiếc tàu này, 4 chiếc sào gỗ to như chiếc cột nhà lần lượt được tháo dỡ.

Ngư dân Hồ Hưng cho biết, chúng tôi sẽ tiến hành thay thế 4 chiếc sào gỗ này bằng những sào sắt để giúp việc vận hành ra vào nhẹ nhàng hơn khi đánh bắt. Trong khi sử dụng sào gỗ thì nặng nề, trọng lượng lớn nên rất dễ xảy ra va đập vào ca bin tàu mỗi khi có gió giật mạnh.

Để thay thế những “cánh sắt” này cho con tàu, ngư dân phải bỏ ra khoản chi phí hơn 100 triệu đồng. Mỗi sào sắt có chiều dài kích thước từ 26 – 34m (tùy tàu), phi ống 222; trong khi sử dụng sào gỗ thì kích thước dài ngắn hơn, khoảng 21 m. Do kích thước ngắn nên đây cũng là nguyên nhân khiến việc khai thác hải sản đạt hiệu quả không cao. 

Những cây sào bằng sắt đã thay cho sào gỗ trước đây. Ảnh: Việt Hùng
Những cây sào bằng sắt đã thay cho sào gỗ trước đây. Ảnh: Việt Hùng

“Khi sử dụng chụp 4 sào bằng sắt để khai thác, đầu tiên là an toàn trên biển vì chúng có trọng nhẹ bằng 1/3 trọng lượng của sào gỗ trước đây. Ngoài ra, chúng sẽ có tuổi thọ cao hơn sào bằng gỗ. Điều đặc biệt là những “cánh sắt” này được chế tác ra theo ý muốn nên có chiều dài vượt trội; khi vận hành, dang 4 sào ra biển, diện tích được mở rộng nên tăng hiệu quả khai thác. 4 sào này sẽ có nhiệm vụ chụp xuống biển ôm toàn bộ nguồn hải sản phát hiện được vào lưới”, ngư dân Nguyễn Văn Tùng ở xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) chia sẻ.

Theo tìm hiểu, trên địa bàn Nghệ An hiện có 3.521 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó có hơn 1.500 phương tiện đánh bắt xa bờ với các nghề như vây rút chì, chụp 4 sào, 2 sào...; trong đó có khoảng 70 % phương tiện đi nghề chụp 4 sào.

Tại huyện Quỳnh Lưu, sau khi hệ thống chụp 4 sào có nguy cơ xuống cấp, có khoảng 40% tổng số tàu xa bờ đã đồng loạt thay thế bằng sào sắt (kẽm) để phục vụ khai thác. Theo bà con ngư dân, việc sử dụng những “cánh sắt” này trên biển đem lại sự yên tâm vì không lo va đập, sản lượng khai thác tăng lên, tạo được sự gắn kết nhịp nhàng cho thuyền viên khi vận hành, sử dụng.

Những con tàu được gắn cánh sắt đang vươn khơi bám biển. Ảnh: Việt Hùng
Những con tàu được gắn cánh sắt đang vươn khơi bám biển. Ảnh: Việt Hùng

Ông Bùi Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) cho biết, toàn xã có 324 tàu thuyền, trong đó có hơn 70% tàu đánh bắt xa bờ chuyên nghề chụp 4 sào. Từ khi một số tàu thay sào gỗ sang sào sắt cho thấy hiệu quả hơn, ngư dân phấn khởi. Nếu không có sáng kiến này, ngư dân sẽ phải tìm kiếm, thu mua những cây gỗ bạch đàn để làm sào thì rất khó khăn, trong khi để tìm đúng những cây sào gỗ đạt yêu cầu thì càng khó hơn khi loại gỗ này đáng hiếm.

Tin mới