Ngư dân Nghệ An mở rộng ngư trường, cách thức đánh bắt hải sản

(Baonghean) - Trong điều kiện hoạt động khai thác hải sản của bà con ngư dân trên biển luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, bất trắc do điều kiện khí hậu biến đổi thất thường, việc khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi hải sản là hướng đi lâu dài mà các địa phương ven biển ở thị xã Hoàng Mai đã định hướng cho ngư dân.

Nhiều hình thức đánh bắt mới 

Ngư dân Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai) được mùa cá hồng.
Ngư dân Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai) được mùa cá hồng.
Bạch Long Vĩ là ngư trường truyền thống của bà con ngư dân thị xã Hoàng Mai. Tàu khai thác vùng khơi phải là tàu to, máy lớn, kết hợp với đầu tư các thiết bị nhằm xác định được luồng cá, đồng thời dò được đá ngầm, cồn rạn, đo độ sâu của nước biển. Nhờ đó mà sản lượng đánh bắt thường đạt cao.
Chuyến biển gần đây nhất là vào cuối tháng 3 âm lịch, tàu anh Đại cùng với 8 thuyền viên đi trong vòng 9 ngày, khai thác được 3 tấn hải sản, trong đó chủ yếu là các loại cá xuất khẩu như cá mú, cá dưa và mực.

Anh Hoàng Đức Đại, chủ tàu cá NA 93122, ở khối Ái Quốc, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai cho biết: “Ưu điểm của nghề lưới bao là khai thác ở vùng khơi, đánh con cá, con mực to. Khi đánh bắt ở vùng này thì có các tàu dịch vụ thu mua ngay trên biển, sản phẩm lúc này hoàn toàn tươi sống nên giá trị cao gấp 3 lần so với cá đông lạnh khi về bán tại bến lạch Cờn.

Tôi làm nghề biển hơn 10 năm, chuyển sang nghề lưới bao được 6 năm thấy khai thác rất hiệu quả. Kể cả thời điểm xăng dầu, giá các mặt hàng nhu yếu phẩm leo thang thì anh em lao động nghề biển vẫn có ăn chia, chưa bao giờ thua lỗ”.

Phường Quỳnh Phương hiện có trên 600 phương tiện với tổng công suất hơn 51.000 CV, tạo việc làm thường xuyên cho 3.500 lao động sản xuất trên biển, thu nhập bình quân là 80 triệu đồng/năm.
Đến nay, phường đã thành lập được 33 tổ hợp tác khai thác hải sản, trong đó phần lớn các phương tiện được hỗ trợ máy thông tin tầm xa – I Com. Năm 2015, đã phát triển được thêm nhiều nghề mới như lưới hồng, lưới sam, lưới cá dưa… khai thác con cá đáy ở vùng lộng.
Để tạo thuận lợi cho ngư dân trong khai thác, Hội nghề cá đã phối hợp với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An, Trường Đại học Nha Trang mở được 10 lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên, lớp về chế biến, bảo quản sản phẩm sau khai thác, luật biển đảo, an toàn hàng hải… Đồng thời hướng dẫn các tàu làm thủ tục vay vốn hỗ trợ đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ, bảo hiểm thuyền viên, thân tàu và ngư lưới cụ, kịp thời hỗ trợ ngư dân khi cần thiết.
Chú trọng liên kết, tăng khả năng khai thác, bảo vệ môi trường
ngư dân Nguyễn Hồng Sơn, phường Quỳnh Phương với niềm vui bắt được cá mú đỏ khủng.
Ngư dân Nguyễn Hồng Sơn, phường Quỳnh Phương với niềm vui bắt được cá mú đỏ khổng lồ.
Cùng với chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện cho ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp, đầu tư tàu to máy lớn vươn khơi, những năm qua, phường Quỳnh Phương còn phát huy hiệu quả hoạt động của tổ đồng quản lý nghề cá và các hội nghề nghiệp, tổ chức thành viên của MTTQ.
Từ đó đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi, vận động cộng đồng không đóng mới tàu cá dưới 20 CV, từng bước cải tiến ngư cụ có mắt lưới nhỏ hơn quy định, không sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác.
Công tác vệ sinh môi trường ở dọc bờ sông, bãi biển đã được các đoàn thể cùng nhân dân vào cuộc tổng dọn thu gom rác thải và bảo vệ môi trường hàng tháng sạch sẽ.
Đặc biệt các tàu thuyền khi sửa chữa máy móc không đổ dầu mỡ và chất bẩn xuống sông, xuống biển mà đong lại vào can và đưa lên bờ để chuyển cho bộ phận làm công tác môi trường đưa đi xử lý đúng nơi quy định. 
Với sự chủ động, tích cực của mỗi ngư dân trong sản xuất là yếu tố đầu tiên đem lại kết quả này. Vươn khơi, vươn xa, đánh bắt tôm, cá không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao, mà còn giữ gìn nguồn lợi thủy sản, duy trì nghề khai thác ổn định và lâu dài. 
 Nguyễn Vân
TIN LIÊN QUAN

Tin mới