Ngư dân Nghệ An: 'Một ngày không ra khơi là thấy nóng ruột'

(Baonghean) - Một đêm đi bắt ruốc thu nhập 2 triệu đồng, đi biển 5-7 ngày kiếm được 8 triệu đồng/người... Một ngư dân xã Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu khẳng định: 'Một ngày không ra khơi là thấy nóng ruột'.

Lộc biển đầu mùa 

Có mặt tại bến lạch Quèn, xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) lúc 6h sáng ngày 4/4, hàng chục chiếc thuyền của ngư dân giáo xứ Mành Sơn cập bến neo đậu, vận chuyển hải sản lên bờ. Ngư dân Nguyễn Văn Hồ điều khiển chiếc thuyền áp sát vào bến, xúc từng khay ruốc biển dưới thuyền lên trong niềm phấn khởi được mùa biển. Anh Hồ cho biết, thuyền của anh thường xuất bến từ 18h chiều và ra biển đánh bắt khoảng từ 5 - 8 hải lý. Qua 1 đêm, anh thu về hơn 2,5 tạ ruốc biển, trừ chi phí cho thu nhập 2 triệu đồng.

Ngư dân giáo xứ Mành Sơn hồ hởi trở về sau chuyến biển. Ảnh: Việt Hùng
Ngư dân giáo xứ Mành Sơn hồ hởi trở về sau chuyến biển. Ảnh: Việt Hùng

Ngư dân xã Tiến Thủy thường sử dụng thuyền có công suất từ  18 - 24CV với các loại nghề khác nhau như đánh bắt ghẹ, tôm tít, ruốc biển, tôm và cá các loại... Ngư dân Phạm Văn Hưng cho biết: "Do thuyền nhỏ nên chỉ đánh bắt cách đất liền khoảng tầm 10 - 20 km, hiện nay đang vào vụ ruốc và tôm biển, sang tháng sẽ vào mùa câu mực và đánh ghẹ". 

Những khoang tàu đầy ắp ruốc biển của bà con giáo xứ Mành Sơn được các thương lái ở địa phương nhanh chóng thu mua, sau đó phân phối đi các chợ, cung cấp cho các cơ sở chế biến. Ngay tại bến cũng có hộ thu mua hải sản tươi sống về nuôi trong bể sục khí để cung cấp cho các nhà hàng.

Trong tháng 1/2017, ngư dân ở giáo xứ Mành Sơn đánh bắt được 340 tấn ruốc, hơn 1,4 tấn tôm biển; tháng 2 đánh bắt được 200 tấn ruốc và 10 tấn tôm, cho doanh thu hàng trăm triệu đồng. Riêng tháng 4 này, ngư dân đang tiếp tục vào mùa khai thác ruốc, tôm biển, đồng thời có nhiều thuyền chuyển sang đánh ghẹ và câu mực.

Biểu đồ sản lượng và giá trị khai thác hải sản toàn tỉnh. Đồ họa: Hữu Quân
Biểu đồ sản lượng và giá trị khai thác hải sản toàn tỉnh. Đồ họa: Hữu Quân
 

Không một ngày xa biển

Phấn khởi vì chuyến biển đầy khoang với hơn 5 tấn cá, trong đó có 3 tấn cá ù loại trên 2kg/con và 2 tấn cá đốm, anh Ước - một chủ thuyền cho biết: Với giá bán ngay tại bến là 50.000 đồng/kg đối với cá ù, 17.000 đồng/kg đối với cá đốm, chuyến này tàu của tôi thu về gần 200 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi người sẽ được khoảng 8 triệu đồng cho 10 ngày đi biển.

Đặc biệt, tàu cá mang số hiệu NA 97688 TS67 được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ với trị giá 13 tỷ đồng của ngư dân Hồ Bá Dũng, trong chuyến vươn khơi đầu tiên, tàu anh Dũng đã khai thác được 20 tấn hải sản chủ yếu là cá hố và mực tươi có giá trị trên 300 triệu đồng. 

Nói về truyền thống đánh bắt hải sản ở huyện Quỳnh Lưu còn phải kể đến xã Quỳnh Long. Có chuyến đi trong vòng 2 tuần người dân đánh bắt được hơn 10 tấn cá. Thu nhập từ lao động nghề cá những tháng đầu năm 2017 tăng, bình quân đạt 8 triệu đồng/người/tháng. Riêng nghề vây đạt 10 triệu đồng/người/tháng.

Thu nhập bình quân toàn xã Quỳnh Long đạt 37 triệu đồng/người/năm - thuộc tốp cao nhất của huyện Quỳnh Lưu. 

Cá về đầy ắp trên cảng được tư thương thu mua ngay tại chỗ. Ảnh: Trần Cảnh Yên
Cá về đầy ắp trên cảng được tư thương thu mua ngay tại chỗ. Ảnh: Trần Cảnh Yên

Ông Trần Quang Vệ - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long cho biết: Những chuyến biển cuối năm 2016 và đầu năm 2017, ngư dân trúng lớn. Nhiều loài cá từ lâu vắng bóng, nay xuất hiện trở lại như cá chìa vôi, cá mòi, cá lụ, cá bẹ hương... Nhiều chuyến cho cả chục tấn cá với giá trị hàng trăm triệu đồng. 

Ông Hồ Sửu - ngư dân xã Quỳnh Nghĩa, chủ một tàu cá đang cùng vợ tất bật chuẩn bị chuyến đi biển vui vẻ nói: “Nghề biển vất vả thật đấy nhưng một ngày không ra khơi buông lưới là thấy nóng ruột”.

Ngư dân Nguyễn Kim Đương ở giáo xứ Mành Sơn, xã Tiến Thủy vừa chuẩn bị khâu cuối cùng cho một chuyến đi biển mới. Thực hiện chương trình đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, ông Đương đã mạnh dạn đăng ký đóng tàu vỏ sắt công suất 829CV có trị giá 16 tỷ đồng. 

Ông Đương chia sẻ: Con tàu này đã ra khơi được 9 chuyến. So với khi còn chạy tàu nhỏ gần bờ công suất 165CV thì nay, với con tàu lớn, trang thiết bị hiện đại giúp người lao động nhàn việc hơn mà hiệu quả lại cao. Mỗi chuyến đi 5-7 ngày, thu nhập khoảng 250 triệu đồng.

“Từ bao đời nay, đối với mỗi ngư dân thì tàu là nhà, biển cả là quê hương. Dù có những rủi ro nhưng ngư dân vẫn ra khơi trong những chuyến biển dài với tâm niệm rằng phải giữ lấy nghề và bảo vệ biển đảo quê hương” – Ngư dân, giáo dân Nguyễn Kim Đương tâm sự.

Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới