Ngư dân Nghệ An xuyên đêm bám biển đánh cá hố

(Baonghean.vn) - Từ khi ngư dân đầu tư, lắp đặt hàng loạt bóng điện cao áp chiếu sáng thu hút hải sản trên biển, nghề đánh bắt cá hố trở nên hiệu quả khi sản lượng liên tục tăng và đem lại thu nhập cho người dân.

Gặp thuyền trưởng Hồ Văn Tính - chủ tàu cá NA 903.51 ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) khi tàu vừa về cập cảng Lạch Quèn sau 7 ngày khai thác hải sản trên biển. Không như các phương tiện khai thác bằng nghề lưới vây, tàu của ngư dân Tính chuyên làm nghề câu cá hố và mực. Dưới khoang tàu, những khay cá hố đầy ắp được ngư dân vận chuyển lên bờ xuất bán cho thương lái.

Tàu cá ngư dân Quỳnh Lưu ra biển dùng đèn điện cao áp vây bắt cá hố. Ảnh: Việt Hùng
Tàu cá ngư dân Quỳnh Lưu ra biển dùng đèn điện cao áp vây bắt cá hố. Ảnh: Việt Hùng

Chuyến về bến này, anh em trên tàu câu được hơn 1 tấn cá hố cho doanh thu hơn 100 triệu đồng. Để có được những khay cá hố tươi xanh, các thuyền viên phải thức trắng nhiều đêm, ngồi câu cá hố dưới dàn bóng đèn cao áp. Khi về bờ, cá được thu mua với giá cao, anh em rất phấn khởi.

Ngư dân Hồ Văn Tính - chủ tàu cá NA 903.51 ở xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu

Để thu hút con mồi, đặc biệt là cá hố, những năm gần đây ngư dân xã Sơn Hải, Tiến Thủy, Quỳnh Long đầu tư đèn chiếu sáng cao áp trên tàu với giá trị hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, ở mỗi tàu cá của ngư dân đều đang sử dụng 2 loại: đèn siêu sáng cao áp và đèn Led, mỗi tàu trang bị từ 250 – 300 bóng, có tàu đầu tư khoảng 400 – 500 bóng.
Nhờ trang bị bóng điện trên tàu ngày càng nhiều, ánh sáng chiếu xa ngoài biển nên đã thu hút con mồi từ nơi khác về, đây là điều kiện tốt để ngư dân vây bắt và câu cá hố một cách hiệu quả.
 Khi trời tối, đèn điện được bật và ngư dân bắt đầu ngồi câu cá hố. Nếu gặp may có 1 người có thể câu 2 - 3 tạ cá/đêm. Ảnh: Ngư dân cung cấp
Khi trời tối, đèn điện được bật và ngư dân bắt đầu ngồi câu cá hố. Nếu gặp may có 1 người có thể câu 2 - 3 tạ cá/đêm. Ảnh: Ngư dân cung cấp

Ngư dân Hồ Đình Bình ở xã Sơn Hải cho biết, khi trời tối, dàn bóng điện cao áp được bật lên, lúc này cũng là thời điểm thích hợp nhất để ngư dân ngồi câu cá hố. Mỗi thuyền viên cầm trên tay chiếc cần thả mồi xuống biển, cá hố thấy ánh sáng chiếu xuống biển nên tập trung đến ăn mồi và mắc bẫy. Có đêm gặp may, bình quân 1 lao động câu được từ 2 - 3 tạ cá hố chỉ với chiếc cần đơn giản, tính ra thu nhập cả tiền triệu mỗi đêm.

Sau khoảng 7 – 10 ngày vươn khơi, ngư dân về bờ vận chuyển cá xuống bờ nhập bán cho thương lái. Ảnh: Việt Hùng
Sau khoảng 7 - 10 ngày vươn khơi, ngư dân về bờ vận chuyển cá xuống bờ nhập bán cho thương lái. Ảnh: Việt Hùng

Cá hố thuộc loại cá dữ, nổi lên trên tầng kiếm ăn vào ban ngày và trở lại tầng đáy vào ban đêm. Điều mà ngư dân thích nhất là thị trường, giá cả ổn định ở mức khá cao (từ 100.000  - 120.000 nghìn đồng/kg). Trước đây, cá hố được ngư dân Quỳnh Lưu săn bắt được bảo quản, xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid – 19 nên giá thu mua cá hố đã giảm còn 60.000 – 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo bà con ngư dân, nhờ giá xăng dầu giảm và đặc biệt là khi cá về bờ được thương lái thu mua nên bà con cũng yên tâm bám biển đánh bắt hải sản.

Cá hố là loại đặc sản được ngư dân Quỳnh Lưu khai thác trên 4.000 tấn/năm. Ảnh: Việt Hùng
Cá hố là loại đặc sản được ngư dân Quỳnh Lưu khai thác trên 4.000 tấn/năm. Ảnh: Việt Hùng

Theo thống kê, toàn huyện Quỳnh Lưu có gần 1.200 phương tiện đánh bắt hải sản, trong đó có khoảng 700 chiếc đánh bắt xa bờ chuyên khai thác cá hố. Để khai thác được giống cá này, ngoài câu ra, ngư dân còn sử dụng lưới để vây bắt.

Cá hố xuất hiện nhiều nhất từ tháng 9 đến tháng 2 âm lịch của năm sau. Nhờ nắm bắt được lợi thế về nguồn hải sản, mỗi năm ngư dân Quỳnh Lưu đánh bắt hơn 4.000 tấn cá hố với doanh thu hàng trăm tỷ đồng./.

Tin mới