Người bệnh ít đến trạm y tế vì mất lòng tin

(Baonghean.vn) - Trước thực trạng người bệnh ít đến trạm y tế vì mất lòng tin, PGS.TS Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Bác sĩ ở trạm y tế không kém mà chỉ ít được cập nhật kiến thức. 

PGS.TS Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Cần đào tạo, cập nhật kiến thức cho bác sĩ công tác tại trạm để lấy lại niềm tin ở người dân. Ảnh: Thanh Sơn
PGS.TS Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Cần đào tạo, cập nhật kiến thức cho bác sĩ công tác tại trạm để lấy lại niềm tin ở người dân. Ảnh: Thanh Sơn

Tham dự lễ khai mạc lớp học có PGS.TS Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa Bệnh, lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An, huyện Nam Đàn, các giảng viên là bác sĩ đầu ngành của nhiều bệnh viện tuyến Trung ương và Trường Đại học Y Hà Nội.

Phát biểu khai mạc lớp đào tạo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh các bệnh mãn tính theo nguyên lý y học gia đình tại Trung tâm y tế huyện Nam Đàn vào chiều ngày 1/11, PGS.TS Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại các xã, phường, thị trấn đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, do hạn chế về nhân lực và đầu tư trang thiết bị nên công tác này vẫn còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, trạm y tế chưa phát huy hết công suất; người dân chưa được quản lý sức khỏe tại cộng đồng, chủ yếu vẫn đến các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, tuyến tỉnh để khám chữa bệnh làm tăng tình trạng quá tải ở các tuyến trên... Người bệnh ít đến trạm y tế vì mất lòng tin.

PGS.TS Phạm Lê Tuấn khẳng định: Bác sĩ tại Trạm y tế không phải là bác sĩ kém. 90% kiến thức mà các bác sĩ thu nhận tại trường đều đã được áp dụng khám chữa bệnh tại trạm y tế. Sở dĩ, Trạm y tế đánh mất niềm tin ở người dân là do ít được đào tạo, cập nhật kiến thức nên chuyên môn không phát triển.

Bác sĩ Trạm y tế tư vấn và khám sức khỏe cho người dân tại xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ. Ảnh: Thanh Sơn
Bác sĩ Trạm y tế tư vấn và khám sức khỏe cho người dân tại xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ. Ảnh: Thanh Sơn

Trạm y tế chưa làm tốt chức năng còn do thiếu sự định hướng tập trung, kịp thời theo sự thay đổi của xã hội. Đó là, mô hình bệnh tật thay đổi với việc gia tăng các bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm như huyết áp, tiểu đường, hen phế quản, ung thư; là cơ chế tài chính chuyển từ bao cấp sang nguồn BHYT, ngân sách chỉ đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.

Hệ thống y tế cơ sở luôn rất quan trọng. Để phát huy hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, Trạm Y tế cần tích hợp nguyên lý bác sĩ gia đình với việc sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm tải bệnh viện tuyến trên, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng khám chữa bệnh BHYT tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh gần nhất và hiệu quả cao.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Một bệnh nhân nội tiết hàng tháng lên bệnh viên tuyến trên xếp hàng chỉ để lấy thuốc thì lấy ở Trạm y tế cũng được. Tuy nhiên, để làm được điều này thì các bác sĩ phải được nâng cao trình độ. Các bác sĩ ở Trạm y tế không cần những khóa đào tạo chuyên khoa 1 mà cần theo học những khóa đào tạo ngắn hạn thôi. Cần đẩy mạnh triển khai mô hình bác sĩ gia đình bởi đây là người bảo vệ hệ thống y tế.

TS.BS Dương Đình Chỉnh - Quyền Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Ngành y tế Nghệ An sẽ đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực y học gia đình. Ảnh: Thanh Sơn
TS.BS Dương Đình Chỉnh - Quyền Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Ngành Y tế Nghệ An sẽ đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực y học gia đình. Ảnh: Thanh Sơn

Nghệ An là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai mô hình bác sĩ gia đình. Ngày 3/10, Sở Y tế Nghệ An đã có công văn 2417/SYT-NVY chỉ đạo việc triển khai thực hiện mô hình bác sĩ gia đình tại huyện Nam Đàn. Sở Y tế Nghệ An và huyện Nam Đàn đã đề nghị Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho phép được mở khóa đào tạo đầu tiên cho đội ngũ cán bộ là các bác sĩ đang công tác tại 24 xã, thị trấn huyện Nam Đàn và Trung tâm y tế huyện.

Ngành y tế Nghệ An và huyện Nam Đàn mong muốn, qua lớp đào tạo này, các bác sĩ của huyện Nam Đàn sẽ được cập nhật các kiến thức mới, đầy đủ hơn về quản lý sức khỏe cộng đồng, mà trước hết là các bệnh liên quan đến nội tiết, tim mạch (tăng huyết áp), Đông y và các bệnh thông thường của chuyên ngành Lão khoa.

Triển khai mô hình bác sĩ gia đình, ngành Y tế Nghệ An sẽ đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực y học gia đình với việc cử các bác sĩ đa khoa tham gia các khóa học bồi dưỡng, định hướng chuyên khoa về y học gia đình.

Đồng thời, ngành sẽ phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình theo lộ trình để bảo đảm đến năm 2020 có ít nhất 80% trạm y tế xã, thị trấn triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Trạm y tế xã. Trước mắt là triển khai hoạt động quản lý sức khỏe theo hộ gia đình; Nâng cao năng lực về công nghệ thông tin nhằm tích hợp quản lý sức khỏe với hệ thống khám chữa bệnh tại tuyến xã.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới