Người chữa lành bệnh nhân bằng trái tim

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Tại Đại hội Hội Điều dưỡng tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2022-2027 vừa qua, chị Hoàng Thị Ngân Hà là 1 trong 2 cá nhân xuất sắc được Hội Điều dưỡng Việt Nam trao Bằng khen. Phía sau tấm Bằng khen đó là những câu chuyện đời, chuyện nghề đủ làm nhiều người khâm phục và cảm động của một điều dưỡng vùng cao.

Từ những nỗi đau riêng

Điều dưỡng vốn không phải là lựa chọn ban đầu của chị Hà. Chị muốn trở thành cô giáo dạy Văn, nhưng theo nguyện vọng gia đình, chị chọn học điều dưỡng. Dần dà, lựa chọn đó trở thành sứ mệnh suốt cuộc đời của chị.

Chị Hoàng Thị Ngân Hà (thứ 2 từ trái sang) tại Đại hội Hội Điều dưỡng tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2022-2027. Ảnh: Diệp Thanh

Chị Hoàng Thị Ngân Hà (thứ 2 từ trái sang) tại Đại hội Hội Điều dưỡng tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2022-2027. Ảnh: Diệp Thanh

Trước khi bắt đầu công việc của một điều dưỡng, chị Hà là một người mẹ với hành trình nuôi con gập ghềnh những nỗi đau. Cậu con trai đầu của chị mắc bệnh hiểm nghèo và không thể chữa trị. Trong suốt 7 năm 3 tháng 4 ngày bên con, chị chưa bao giờ nguôi hy vọng, chưa bao giờ cho phép bản thân ngừng cố gắng để cùng con chạy chữa khắp các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương, giành giật sự sống cho con mỗi ngày, mỗi giờ.

Suốt hành trình đó, hơn ai hết, chị hiểu được nỗi đau đến ngất lịm trước một kết luận, hiểu được sự hoảng sợ mỗi khi con có chuyển biến xấu, hiểu được những đêm trắng để xoa dịu cơn đau cho con, những xót xa khi con khóc vì không được đến trường, hiểu được những giọt nước mắt nuốt nghẹn vào trong khi nhìn con cười, khi được con âu yếm…

Sau khi cậu con trai đầu mất, những mất mát, lo âu thấp thỏm của chị chưa dừng lại. Những năm sau đó, khi những đứa con sau ra đời lành lặn, khoẻ mạnh, chị tiếp tục đảm nhận công việc chăm sóc chồng, bố mẹ và các cháu, từ bệnh viện này đến bệnh viện khác.

Chị Hà trao quà cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC

Chị Hà trao quà cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC

Không chỉ là nỗi đau khi có người thân ốm đau, nằm viện, chị Hà còn thấu hiểu sâu sắc những khốn khó của những người nghèo. Nhớ lại những ngày đó, chị nghẹn ngào: “Giai đoạn chồng đi học, con ốm đau có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất của gia đình tôi. Đồng lương ít ỏi của tôi vừa để đóng học phí cho chồng, vừa để thuốc men cho con. Có những thời điểm đi viện chăm con, nhìn vắt xôi 1 nghìn đồng thôi nhưng không dám mua, bố chồng mất mà trong người không có nổi một đồng để lo tang lễ…”.

Sau cùng, lòng hiếu thảo của một người con, trách nhiệm của một người vợ, tình yêu của một người mẹ đã giúp chị vực dậy tinh thần, vững vàng đi qua những giai đoạn khó khăn. Chị mang tất cả những trải nghiệm không bao giờ quên đó vào công việc và thực hiện sứ mệnh chăm sóc người bệnh bằng cả trái tim.

Không ngại đi xin

Sinh ra và lớn lên ở Quỳ Hợp, vợ chồng chị chọn ở lại công tác trên quê hương - tại Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp.

Quỳ Hợp của gần 30 năm trước là một huyện nghèo, dân trí thấp, đời sống bà con vô cùng thiếu thốn. Trong trí nhớ của chị, đó là những năm tháng với phòng khám đơn sơ với những thiết bị y tế sát trùng bằng cách luộc đi luộc lại, những chiếc xe đạp chở người đi cấp cứu bằng cáng, những đứa trẻ ra đời không có nổi cái tã, y tá phải xé gạc ra để quấn tạm…

Để có kinh phí hỗ trợ bệnh nhân, chị Hà và các đồng nghiệp không ngại đi xin các nhà tài trợ, nhà hảo tâm. Ảnh: NVCC

Để có kinh phí hỗ trợ bệnh nhân, chị Hà và các đồng nghiệp không ngại đi xin các nhà tài trợ, nhà hảo tâm. Ảnh: NVCC

“Ngay cả bây giờ, khi đời sống người dân đã khá hơn thì những người đến khám ở Trung tâm Y tế huyện thường là những người có hoàn cảnh rất khó khăn. Họ không có điều kiện để đến bệnh viện tuyến cao hơn, không có tiền để đi lại, chi trả viện phí… Vì khó khăn nên kiến thức, kỹ năng của họ cũng hạn chế, cần rất nhiều sự hướng dẫn, hỗ trợ của đội ngũ y, bác sỹ”, chị Hà chia sẻ thêm.

Nhớ lại những tháng ngày khó khăn, chị Hà kể: “Có một giai đoạn trẻ tiêu chảy và tử vong vì mất nước nhiều đến mức tôi bị ám ảnh, sợ hãi, cảm giác bất lực nhìn những đứa trẻ chết ngay trên tay mình… Thật may vì bên cạnh những nỗi buồn luôn có niềm vui. Hồi mới vào nghề được 3 năm, tôi có được niềm vui mà đến bây giờ vẫn không thể quên. Một cháu bé 7 tháng tuổi nhà cách trung tâm y tế 28km, khi đưa đến trung tâm thì đã da tím tái vì viêm phổi nặng, tưởng không thể qua khỏi. Ngay khi nhận bệnh nhân, chúng tôi ủ ấm cho cháu, dùng mồm hút dịch mũi cho cháu, vơ lá khô vào đốt để sưởi cho cháu… Sáng hôm sau cháu qua cơn nguy kịch và được cứu sống. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ của nghề Y - hạnh phúc vì cứu sống được bệnh nhân”.

Chương trình Trung thu do Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp tổ chức cho các bệnh nhi. Ảnh: NVCC

Chương trình Trung thu do Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp tổ chức cho các bệnh nhi. Ảnh: NVCC

28 năm gắn bó với nghề điều dưỡng, chưa từng nhận tiền cảm ơn của bệnh nhân, chưa từng bị bệnh nhân hiểu lầm, chị Hà hạnh phúc với những giá trị không thể đong đếm mà chị nhận lại từ nghề.

Ngoài niềm vui cứu sống bệnh nhân, chị còn vui vì những tình cảm mộc mạc, chân chất mà bà con dành cho mình. Đó là bà cụ mắc bệnh mãn tính, nhận chị là con và có cái gì ngon cũng để dành mang lên cho chị, là bài hát mà bệnh nhân hát tặng các chị trong chương trình gội đầu cho bệnh nhân, là những lời cảm ơn, xuýt xoa khi bệnh nhân ăn bát cháo tình thương mà các chị tặng. Niềm vui còn là nụ cười của những bệnh nhi khi được nhận quà là chiếc áo ấm trước Tết, là một ai đó vui với chiếc bánh mì từ tủ bánh miễn phí của trung tâm…

Để có thêm nhiều niềm vui như thế, chị Hà và những đồng nghiệp của mình không ngừng học hỏi, toàn tâm toàn ý với công việc. 5 năm qua, trong vai trò Trưởng phòng Điều dưỡng của Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp, chị Hà đã áp dụng rất nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm nâng cao trình độ đội ngũ điều dưỡng trẻ, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.

Để nâng cao nghiệp vụ, chị Hà trân trọng mọi cơ hội học hỏi. Để có kinh phí cho những hoạt động thiện nguyện, bản thân chị Hà không ngại là một người “đi xin” nhiều năm nay, quen mặt với các doanh nghiệp trên địa bàn.

“Cũng có lần tôi bị hiểu nhầm và đánh giá nhưng khi mình làm đúng thì trước sau gì mọi người cũng sẽ hiểu. Nhiều người ngại làm công việc này nhưng tôi thì nghĩ, mình đi xin cho bệnh nhân của mình chứ có phải cho mình đâu mà ngại”, chị Hà nói.

Hoạt động gội đầu cho bệnh nhân được các điều dưỡng Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp duy trì đều đặn. Ảnh: NVCC
Hoạt động gội đầu cho bệnh nhân được các điều dưỡng Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp duy trì đều đặn. Ảnh: NVCC

“Đâu đó vẫn có những điều dưỡng tự ti về công việc của mình nhưng bản thân tôi tự hào về lựa chọn này. Bác sỹ là người chỉ định điều trị với chuyên môn cao nhưng điều dưỡng mới là người gần gũi, cận kề với bệnh nhân nhất. Họ không chỉ chữa bệnh bằng kiến thức mà còn chữa lành bằng trái tim, tâm sự với họ, thấu hiểu và giúp họ có một cuộc sống khoẻ hơn, lành mạnh hơn”.

Tin mới