Người cụt tay điểm chỉ thế nào?

Người bị cụt một tay hay cả hai tay đều có quyền công dân như mọi người khác, đều có nhu cầu giao dịch trong các lĩnh vực đời sống, xã hội bình thường hằng ngày và vẫn được cấp CMND, căn cước công dân.
Theo quy định, có nhiều giấy tờ hành chính, tư pháp công dân phải ký tên hoặc điểm chỉ. Không ít trường hợp còn bắt buộc người đứng tên phải điểm chỉ nhiều ngón tay ngay trong giấy tờ như CMND, căn cước công dân hay khi công chứng giấy tờ giao dịch, thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng. 
Điều đó gây khó khăn không nhỏ cho những trường hợp bị cụt tay, thậm chí chưa có quy định đối với người cụt cả hai tay.
Những người bệnh phong này đều bị cụt hết các ngón tay, hiện nay chưa có quy định nào đối với những người này khi thực hiện các giấy tờ cần điểm chỉ - Ảnh: P.S.NGÂN
Những người bệnh phong này đều bị cụt hết các ngón tay, hiện nay chưa có quy định nào đối với những người này khi thực hiện các giấy tờ cần điểm chỉ - Ảnh: P.S.NGÂN
"Bó tay" với người cụt hai tay
Về luật pháp, ý chí của một người thể hiện trên giấy tờ, văn bản thông thường là ở dạng chữ viết, chữ ký. Trong trường hợp không ký được thì điểm chỉ nhằm ghi nhận ý chí trên văn bản của một cá nhân. Điểm chỉ có khi là thay thế cho việc ký tên nhưng cũng có trường hợp là đồng thời với việc ký tên.
Bà Nguyễn Bích Thủy - chuyên viên Phòng tư pháp huyện Diên Khánh - cho biết trong một lần trực tại bộ phận "một cửa" của huyện, chính bà tiếp nhận yêu cầu đề nghị hướng dẫn gỡ vướng của người đàn ông mất một bàn tay, không thể ký tên, điểm chỉ. 
Sau khi kiểm tra, tìm hiểu, bà Thủy tham mưu cho Phòng tư pháp huyện Diên Khánh trả lời, hướng dẫn người dân này.
Theo Luật công chứng năm 2014, điểm chỉ được thay ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Điểm chỉ, theo quy định chung là sử dụng ngón trỏ phải. Tuy nhiên, với người mất ngón tay, Phòng Tư pháp huyện Diên Khánh cho rằng nếu bị mất đi bàn tay phải, có thể điểm chỉ bằng ngón trỏ bàn tay trái, nếu ngón trỏ bàn tay trái vẫn không thể điểm chỉ được thì điểm chỉ bằng ngón khác. Phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.
Luật công chứng cũng nêu rõ việc điểm chỉ có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp sau đây: công chứng di chúc, công chứng theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.
Theo bà Nguyễn Thị Như Hương - trưởng Văn phòng công chứng trung tâm (Nha Trang), khi giao dịch, công chứng luôn yêu cầu phải có giấy tờ tùy thân, CMND của người liên quan. Còn yêu cầu lăn tay điểm chỉ khi công chứng là để kiểm tra, đối chiếu với dấu vân tay trong CMND để xác định có đúng người, đúng chủ tài sản đứng tên trong các giấy tờ đó không. 
Đối với những người bị cụt luôn cả hai tay, mất hết các ngón thì lấy đâu vân tay để điểm chỉ, kiểm tra?. Trả lời câu hỏi này, bà Thủy và bà Hương đều cho biết chưa rõ quy định cụ thể phải giải quyết như thế nào.
Vẫn làm được căn cước
Theo thượng tá Cao Thị Đoàn - phó phòng phụ trách Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an tỉnh Khánh Hòa, những người bị cụt một tay hay cả hai tay đều có quyền công dân như mọi người khác, đều có nhu cầu giao dịch trong các lĩnh vực đời sống, xã hội bình thường hằng ngày. 
Quy định chung khi làm CMND, trong hồ sơ chỉ bản (hồ sơ lưu) ghi rõ phải lăn đủ dấu vân tay cả 10 ngón, còn trên giấy CMND quy định là phải điểm chỉ dấu vân tay của cả hai ngón trỏ trái và phải.
Thượng tá Đoàn cho biết thêm phải làm vậy bởi thông thường khi làm việc, hoạt động cầm, nắm người ta thường xuyên sử dụng và để lại dấu vết vân tay của các ngón trỏ nên mới quy định như nêu trên. 
Đối với trường hợp bị cụt ngón tay hoặc cụt ngón trỏ, theo thượng tá Đoàn, khi làm CMND, trong hồ sơ chỉ bản và trên giấy CMND phải đánh dấu chéo vào ô quy định in dấu vân ngón tay đã mất.
Trung tá Nguyễn Tuấn Anh - đội phó đội tham mưu tổng hợp PC64 Công an tỉnh Khánh Hòa - cho biết trong thực tế có rất nhiều người bị mất ngón tay hay ngón trỏ nhưng được làm CMND. 
Những trường hợp này CMND không có dấu vân tay ngón trỏ nhưng vẫn có ghi nhận dấu vết nhận dạng của cá nhân đó.

Tin mới